Một đoạn ghi âm cuộc trò chuyện giữa phi công Trung Quốc và kiểm soát không lưu Nga lan truyền trên mạng cho thấy, vào lúc 6h sáng ngày 6/7 theo giờ Bắc Kinh, một chiếc máy bay chở khách của hãng Air China đã bất ngờ tăng độ cao đến gần bằng độ cao của một máy bay chở hàng của SF Express. Hai chiếc máy bay đang bay đối đầu nhau, suýt chút nữa đã va chạm trực diện. May mắn thay, hệ thống tránh va chạm trên không đã kịp thời kích hoạt, ngăn chặn một tai nạn hàng không nghiêm trọng.

r shutterstock 2131884369
Ảnh chụp một máy bay của Hãng hàng không Quốc tế Trung Quốc (Air China). (Nguồn: Soos Jozsef / Shutterstock)

Từ Chủ Nhật (13/7), một đoạn ghi âm dài 7 phút đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, toàn bộ nội dung cuộc trò chuyện đều bằng tiếng Anh. Đoạn ghi âm cho thấy lúc đó kiểm soát viên không lưu Nga đang điều phối 4 máy bay — tất cả đều là chuyến bay của Trung Quốc.

Dữ liệu radar cho thấy, chuyến bay CA967 của hãng Air China — một chiếc Airbus A350 từ Thượng Hải đi Milan (Ý) — đã tăng độ cao từ 34.100 feet lên 36.000 feet (tương đương 10.393,68 mét lên 10.972,8 mét), đi vào đường bay có nguy cơ va chạm với chuyến bay CSS128 của SF Express — một chiếc Boeing 767 chở hàng bay từ Budapest về Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc.

Khi đó, khoảng cách giữa hai máy bay chỉ còn 300–400 feet (tương đương 91,44 – 121,92 mét), thấp hơn rất nhiều so với mức cách tối thiểu 1.000 feet (tương đương  304,8 mét) theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hai máy bay Trung Quốc khác — chuyến bay CA861 của Air China từ Bắc Kinh đến Geneva (Thụy Sĩ) và chuyến bay HU7937 của Hainan Airlines từ Bắc Kinh đến Prague (Séc) — đang bay theo hướng tây bắc, xa khỏi đường bay của hai chiếc máy bay sắp va chạm.

Tháp kiểm soát yêu cầu CA861 và HU7937 giữ nguyên độ cao bay — lần lượt là 36.000 feet (tương đương 10.972,8 mét) và 34.000 feet (tương đương 10.363,2 mét).

Khi tháp điều khiển đưa ra chỉ thị độ cao cho chuyến bay của Hainan Airlines, phi công của CA967 bắt đầu lên tiếng, nhưng không thể nghe rõ nội dung.

Từ đoạn ghi âm và đường bay, có vẻ như phi công CA967 đã nghe nhầm chỉ thị dành cho Hainan Airlines là dành cho mình, và do tháp điều khiển không đính chính, máy bay Air China đã hành động theo chỉ thị đó.

Phi công kỳ cựu người Mỹ gốc Hoa John Zhang sau khi nghe đoạn ghi âm đã nói với tờ Epoch Times rằng lỗi lớn nhất nằm ở kiểm soát không lưu Nga, tiếp đến là Air China, còn SF Express chỉ là nạn nhân bất đắc dĩ.

“May mà có hệ thống TCAS (hệ thống cảnh báo va chạm trên không), có thể tránh được, nhưng chắc chắn cả hai phi công đều phải viết báo cáo sau vụ này.” Ông bổ sung: “Không lưu Nga nổi tiếng là yếu kém, thiết bị lạc hậu, tiếng Anh kém, cho nên bay vào đó phải cực kỳ cẩn trọng.”

Nội dung ghi âm: Máy bay Air China và SF Express cùng kích hoạt cảnh báo RA

Theo ghi âm, chuyến bay CA967 khi đó vẫn chưa nhận được chỉ thị nào từ mặt đất, nhưng sau khi phi công của Hainan Airlines nhắc lại lệnh từ kiểm soát viên, phi công Air China bắt đầu phát sóng (nói).

Do tín hiệu bị gián đoạn (có thể do trùng sóng), không thể xác nhận rõ nội dung CA967 nói gì, chỉ nghe rõ số hiệu chuyến bay.

Dữ liệu radar cho thấy, sau khi CA967 bắt đầu tăng độ cao nguy hiểm gần như chí mạng, máy bay đã lên đến 35.000 feet, gần như trùng với độ cao của máy bay chở hàng SF Express, hai chiếc khi đó đang bay theo hướng gần như đối đầu nhau.

Dựa vào đoạn ghi âm, rất có thể khi tháp điều khiển ra lệnh thay đổi độ cao cho Hainan Airlines đang ở khu vực đó, phi công CA967 đã hiểu nhầm hoặc nghe nhầm chỉ lệnh.

Ngay sau đó, phi công SF Express đã lên tiếng yêu cầu tháp xác nhận vị trí của một máy bay khác đang ở phía trước 20 hải lý, hướng 12 giờ, vì phát hiện nguy cơ va chạm. Tháp xác nhận máy bay đó chính là CA967, một chiếc Airbus A350.

Sau đó, Hainan Airlines liên tục xin tháp được tăng độ cao, nhưng bị yêu cầu chờ. Tháp ngay lập tức ra lệnh cho hai máy bay đang có nguy cơ va chạm đổi hướng để tránh nhau.

Tháp yêu cầu CA967 rẽ phải về hướng 360 độ. Đồng thời yêu cầu máy bay SF Express rẽ phải về hướng 150 độ.

Phi công SF Express đáp: “Đã rẽ phải hướng 150, hiện hệ thống tránh va chạm kích hoạt cảnh báo RA.”

Ngay sau đó, máy bay Air China cũng phát RA.

Vài giây sau, phi công SF Express báo cáo: “Mối nguy đã được hóa giải, xin phép tiếp tục tăng độ cao”.

Sau đó, CA967 cũng báo cáo rằng cảnh báo RA đã tắt.

Phi công Air China chất vấn tháp kiểm soát vì sao báo động

Vụ suýt va chạm đã kích hoạt cảnh báo RA (Resolution Advisory, cảnh báo xung đột và hướng dẫn tránh va chạm) trên hệ thống TCAS của cả hai máy bay, khiến phi công Air China hỏi tháp kiểm soát lý do vì sao xảy ra sự việc.

Kiểm soát viên hỏi lại: “Bạn làm vậy là theo chỉ thị, hay tự ý tăng độ cao? Vui lòng xác nhận.”

Phi công Air China trả lời: “Không cần, cảm ơn.”

Hiện chưa rõ ai là người tung đoạn ghi âm, và chưa thể xác minh độc lập tính xác thực. Air China, SF Express và Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc đều đã được yêu cầu đưa ra bình luận.

Sau đó, trong ghi âm có thể nghe thấy phi công SF Express mời phi công Air China chuyển sang kênh liên lạc khác để trao đổi bằng tiếng Trung.

Dù chất lượng âm thanh không tốt, vẫn nghe rõ phi công SF Express nói: “Tôi thấy máy bay của anh đang leo cao. Có phải kiểm soát viên yêu cầu anh tăng độ cao không?”

“Tôi thấy phía trước có máy bay, chỉ cách 20 hải lý, lại còn đang lên cao. Như vậy là vượt độ cao rồi. Tôi nghĩ các anh cũng nghe tôi nói ‘yêu cầu thông tin giao thông’ chứ?” – phi công SF Express nói.

Phi công Air China đổ lỗi cho nữ kiểm soát viên Nga, nói rằng: “Cô ấy gây loạn. Bọn tôi mơ mơ màng màng, còn không hiểu chuyện gì đang xảy ra.”

Phi công Air China cho biết, chiếc A350 có chức năng tự động tránh va chạm, rồi hỏi phi công SF Express xem máy bay của họ có chức năng này không.

Khi nguy cơ va chạm đạt mức nguy hiểm, TCAS sẽ trực tiếp kích hoạt cảnh báo RA — ra lệnh cụ thể như “CLIMB” (lên cao) hoặc “DESCEND” (giảm độ cao) để hai máy bay tránh nhau hiệu quả.

Phi công SF Express giải thích rằng chiếc Boeing 767 chở hàng của họ không có chức năng đó, nên ngay khi nghe tháp điều khiển ra lệnh rẽ phải về 150 độ, họ lập tức thực hiện. Sau khi hoàn tất, hệ thống TCAS RA mới kích hoạt, yêu cầu hạ độ cao.

Nghe vậy, phi công Air China nói: “Ồ, vậy là lỗi của cô ấy (kiểm soát viên). Dù sao thì họ cũng nói không rõ ràng, tôi cũng chẳng biết phải nói gì với họ nữa.”

Phi công Air China nói thêm: “Tôi đoán vụ này chắc chắn phải về viết báo cáo, đúng không?”

Phi công SF Express đáp: “Chắc chắn phải viết báo cáo… tôi phải báo ngay cho công ty trước đã.”

Theo những người trong cuộc tiết lộ, vào thời điểm xảy ra sự việc, cơ trưởng đang trò chuyện, rót trà và nước cho tiếp viên hàng không, còn phi công phụ thì lơ đễnh, nghe nhầm lệnh, và cơ trưởng đã mù quáng điều chỉnh độ cao mà không xác minh tính chính xác của lệnh đó. Được biết, chuyến bay này do đội trưởng đội 350 của Air China dẫn đầu, còn phi công phụ là người được hãng hàng không Thâm Quyến cử đến Air China để đào tạo phi công phụ 350.

Một cư dân mạng khác nói: “Cơ trưởng lúc đó đang trò chuyện với nữ tiếp viên xinh đẹp, không nghe kiểm soát không lưu, đương nhiên cũng có thể là không hiểu.” Mặc dù các tin đồn trên mạng vẫn chưa được xác nhận, nhưng “AI Zhiso” (AI Tìm kiếm thông minh) của Weibo cho thấy “việc này thực sự đã xảy ra, không phải tin đồn”.

Có người chỉ trích:

“Tiếng Anh của phi công bay đường bay quốc tế thực sự tệ kinh khủng. Phát thanh đọc theo mà còn không đọc rõ ràng, căn bản không hiểu đang nói gì. Trước dịch có lần từ Singapore về nước, chuyến bay bị hoãn, còn tìm tôi giúp dịch cho người ngồi cạnh.”

“Chỉ riêng vấn đề tiếng Anh của phi công Air China đã vài lần lên top tìm kiếm nóng rồi.”

Nhưng cũng có người không đồng tình với quan điểm này: “Cảm giác đầu tiên, đây có lẽ là tin đồn. Dùng an toàn để che đậy sự bất tài về ngôn ngữ, kỹ thuật, v.v., lãnh đạo hãng hàng không nào có thể chịu được cái giá nếu có rủi ro? Hơn nữa lại là bay đường bay quốc tế! Thật sự không tin, cơ trưởng và phi công phụ lại có thể nghe nhầm cả tiếng Anh về độ cao bay cơ bản.”

Các cư dân mạng khác thì bình luận:

“Sau khi xem xong thấy rất khó tin, nếu là thật thì hãy nhanh chóng đưa ra thông báo, nếu là giả thì hãy nhanh chóng bác bỏ tin đồn.”

“Tóm lại, đáng điều tra thì điều tra, đáng xử lý thì xử lý, tránh để những việc như vậy xảy ra sau này, hệ thống tự động tránh va chạm thành công, thực sự rất may mắn rồi.”

“Mạng người là trên hết, phi công phụ và cơ trưởng như vậy tuyệt đối không thể sử dụng!”

Trí Đạt (t/h)