Bộ Công an đề xuất thanh tra thị trường vàng định kỳ 3 hoặc 5 năm một lần, kiểm toán độc lập hàng năm và quản lý chặt số seri vàng miếng để đảm bảo minh bạch và ổn định thị trường.

bo cong an de xuat thanh tra thi truong vang dinh ky 3 nam mot lan
Bộ Công an đề xuất thanh tra thị trường vàng định kỳ 3 hoặc 5 năm một lần, kiểm toán độc lập hàng năm và quản lý chặt số seri vàng miếng để đảm bảo minh bạch và ổn định thị trường. (Ảnh: e-crow/shutterstock)

Ngày 12/7, Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Bộ Công an đã đưa ra nhiều góp ý nhằm tăng cường quản lý nhà nước và kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng.

Bộ Công an đề nghị bổ sung quy định về cơ chế quản lý, giám sát, và hậu kiểm đối với các đơn vị được cấp phép sản xuất vàng miếng cũng như hoạt động xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu và vàng miếng.

Cụ thể, các đơn vị này cần thực hiện kiểm toán độc lập chuyên đề hàng năm để đảm bảo minh bạch trong hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu vàng. Đồng thời, Bộ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì thanh tra thị trường vàng và các tổ chức kinh doanh vàng tối thiểu 3 hoặc 5 năm một lần, với sự phối hợp của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Để kiểm soát chặt chẽ hơn, Bộ Công an đề xuất bắt buộc ghi thông tin số seri vàng miếng trong các chứng từ giao dịch, nhằm hạn chế rủi ro, xác minh tính hợp pháp và nguồn gốc vàng, đồng thời bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Ngoài ra, Bộ kiến nghị NHNN nghiên cứu quy định quản lý giá mua bán vàng miếng, bao gồm biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán, cũng như yêu cầu doanh nghiệp giải trình cơ chế thiết lập và thay đổi giá để tránh độc quyền và lợi ích nhóm.

Bộ Công an cũng đề xuất thành lập Trung tâm thẩm định vàng quốc gia trực thuộc NHNN để kiểm tra chất lượng vàng miếng, vàng nguyên liệu, và vàng trang sức mỹ nghệ, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và giám sát trách nhiệm của doanh nghiệp.

Liên quan đến nguồn lực vàng trong dân và lộ trình thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia hoặc Sàn giao dịch vàng trong Trung tâm tài chính quốc tế, Bộ Công an cho rằng cần bổ sung quy định để tạo tiền đề pháp lý cho các kế hoạch này.

Về cơ chế cấp phép, Bộ Công an nhận định dự thảo nghị định đề cập nhiều loại giấy phép, như Giấy phép sản xuất vàng miếng, Giấy phép xuất, nhập khẩu vàng miếng, và Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Điều này có nguy cơ tạo ra cơ chế “giấy phép mẹ” dẫn đến nhiều “giấy phép con”, làm tăng áp lực thủ tục hành chính và rào cản cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, cơ chế cấp hạn ngạch sản xuất và nhập khẩu vàng theo từng năm, từng lần có thể dẫn đến tiêu cực trong cấp phép, gây nguy cơ độc quyền cho một số đơn vị được cấp phép, như 3 công ty (SJC, PNJ, DOJI) và 8 ngân hàng thương mại (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV, VPBank, Techcombank, MB, ACB).

Bộ Công Thương cũng góp ý về sự chênh lệch vốn điều lệ giữa doanh nghiệp (1.000 tỷ đồng) và tổ chức tín dụng (50.000 tỷ đồng) được cấp phép sản xuất vàng miếng, yêu cầu làm rõ lý do chênh lệch này và tính phù hợp với Nghị quyết số 68-NQ/TW. NHNN giải trình rằng quy định này nhằm chọn các đơn vị có năng lực tài chính mạnh, không phân biệt loại hình sở hữu, và phù hợp với đặc điểm của ngân hàng thương mại.

Về cơ chế “cân trạng thái vàng” để phòng ngừa rủi ro biến động giá, Bộ Công an cho rằng dự thảo chưa đề cập biện pháp cụ thể để các đơn vị chốt giá vàng trong ngày, dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp gánh chịu rủi ro giá vàng thế giới. NHNN cho biết sẽ xây dựng hạn mức hàng năm cho xuất, nhập khẩu vàng dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô, dự trữ ngoại hối, và nhu cầu của doanh nghiệp. Các giấy phép xuất, nhập khẩu sẽ được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến để minh bạch và giảm áp lực thủ tục hành chính.

Bộ Công an còn đề nghị doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu phải báo cáo định kỳ (hàng tháng, quý, 6 tháng, năm) về sử dụng vàng nguyên liệu. NHNN khẳng định nội dung này đã được quy định tại Điều 20 của dự thảo nghị định và sẽ được cụ thể hóa trong thông tư hướng dẫn.

Minh Long