Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam đề xuất người đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm không đủ điều kiện hưởng lương hưu được nhận trợ cấp từ quỹ.

bo ld tbxh de xuat nguoi khong luong huu duoi 75 tuoi duoc tro cap
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất người không lương hưu dưới 75 tuổi được trợ cấp. (Ảnh: molisa.gov.vn)

Theo tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, chính sách này áp dụng với người đủ tuổi về hưu (theo lộ trình nam 62, nữ 60 tuổi) có nguyện vọng. Trợ cấp thực hiện đến khi lao động đủ 75 tuổi, sau đó họ tiếp tục được nhận trợ cấp hưu trí xã hội chi trả từ ngân sách Nhà nước.

Thời gian hưởng căn cứ trên số năm đóng BHXH; mức hưởng thấp nhất bằng tiền trợ cấp hưu trí xã hội – 360.000 đồng. Nếu tổng tiền đóng BHXH của lao động cao hơn số tiền tính mức trợ cấp hàng tháng từ lúc nghỉ hưu đến trước 75 tuổi thì được hưởng mức cao hơn.

Người đang hưởng qua đời thì thân nhân được trợ cấp một lần cho tháng chưa nhận và trợ cấp mai táng. Trong quá trình thụ hưởng, người già được ngân sách hỗ trợ thẻ BHYT miễn phí.

Việc chi trả từ Quỹ theo nguyên tắc đóng – hưởng nên sẽ do cơ quan BHXH thực hiện. Tùy điều kiện kinh tế xã hội và ngân sách từng thời kỳ, tiền trợ cấp tăng lên tương ứng khi Chính phủ điều chỉnh chuẩn trợ giúp xã hội. UBND tỉnh trình HĐND quyết định hỗ trợ thêm cho người cao tuổi phù hợp nguồn lực địa phương.

Ủy ban Xã hội (cơ quan thẩm tra) cho rằng chính sách mới này là tầng kết nối giữa BHXH cơ bản và trợ cấp hưu trí xã hội cho người già trên 75 tuổi. Song, để có cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định, Chính phủ cần giải trình việc tính toán mức hưởng, thời gian hưởng, tăng tính kết nối giữa các tầng trong hệ thống an sinh.

Lao động đóng BHXH bắt buộc với mức lương bình quân 5,5 triệu đồng mỗi tháng thì hưởng trợ cấp khoảng 12 năm trước khi đến tuổi nhận hưu trí xã hội. Nếu BHXH được đóng trên nền lương 2 triệu đồng mỗi tháng, mức thấp nhất mà một số nhóm bắt buộc đang tham gia thì hưởng khoảng 5 năm. Nhóm này sẽ có một thời gian không được hưởng bất cứ chế độ gì, không trợ cấp hưu trí, không thẻ BHYT do nhà nước mua.

Ủy ban Xã hội cũng yêu cầu Chính phủ Việt Nam làm rõ chính sách áp dụng với toàn bộ lao động đóng BHXH hay chỉ khu vực bắt buộc. Việc cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội bị tác động ra sao khi bổ sung trợ cấp, ngân sách Nhà nước ảnh hưởng thế nào khi chi trả miễn phí thẻ BHYT.

Dự luật bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội cho người già trên 75 tuổi, chi trả từ ngân sách Nhà nước. Nhiều người tán thành quy định với mong muốn hình thành hệ thống BHXH đa tầng, song một số ý kiến cho rằng trợ cấp hưu trí xã hội thực chất là chế độ bảo trợ xã hội dành cho người già (hiện trên 80 tuổi) không lương hưu, không trợ cấp. Quy định này không phù hợp với nguyên lý đóng – hưởng của BHXH nên không cần thiết bổ sung vào dự luật.

Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ rà soát quy định liên quan để không gây ra xung đột chính sách bởi theo dự thảo thì nhóm thụ hưởng là người già đang nhận trợ cấp hàng tháng, khi đủ 75 tuổi sẽ được hưởng thêm trợ cấp hưu trí xã hội. Ban soạn thảo cũng cần bổ sung quy định linh hoạt để huy động thêm nguồn lực xã hội, người già được hưởng số tiền cao hơn. Ví dụ, con cái được đóng theo hình thức tặng BHXH tự nguyện cho cha, mẹ.

Nếu đề xuất được thông qua, hệ thống an sinh sẽ hình thành 3 tầng. Tầng dưới cùng là BHXH cơ bản dành cho lao động từ khi đi làm, gia nhập hệ thống an sinh đến trước khi đủ tuổi về hưu. Tầng này có các chế độ như ốm đau, thai sản, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp cùng khoản đóng góp để khi đủ điều kiện được hưởng lương hưu.

Tầng tiếp theo là lao động đủ tuổi về hưu đến dưới 75 tuổi như dự luật đề xuất. Người đủ điều kiện được hưởng lương hưu hàng tháng; người không đủ điều kiện có thể được nhận trợ cấp xã hội. Tầng an sinh còn lại dành cho người già trên 75 tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Hiện Việt Nam có hơn 14,4 triệu người già sau tuổi nghỉ hưu nhưng chỉ có 5,1 triệu người (chiếm 35%) có các chế độ hỗ trợ.

Dự Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2023.

Tính đến cuối 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội là hơn 5,1 triệu người – chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.

Việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách Nhà nước, xung đột chính sách khi đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án luật này, mối quan hệ với chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định linh hoạt việc huy động các nguồn lực xã hội đối với vấn đề này…

Theo tờ trình, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Khánh Vy(t/h)