Bộ trưởng Nội vụ: ‘Trước khi làm sạch nhà người khác phải làm sạch nhà mình’
- Trần Tâm
- •
Báo cáo về quản lý và sử dụng công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương năm 2016 của Kiểm toán nhà nước tại 13 bộ, ngành và 47 địa phương cho thấy còn nhiều vấn đề trong giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền, đặc biệt có 34 địa phương, bộ ngành sử dụng lao động vượt quy định tới 63.279 người.
Chiều ngày 27/6, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cùng đoàn công tác đã làm việc với Bộ Nội vụ.
Từ ngày 1/1/2017 đến ngày 10/6/2018, Bộ Nội vụ được giao 518 nhiệm vụ. Đến nay, Bộ đã hoàn thành 363 nhiệm vụ, 155 nhiệm vụ đang thực hiện (trong đó 152 nhiệm vụ trong hạn, chỉ có 3 nhiệm vụ quá hạn).
Tại buổi làm việc, ông Dũng cho biết Thủ tướng đưa ra 5 vấn đề Bộ cần làm tốt hơn trong thời gian tới, mà đầu tiên là biên chế và tiền lương.
Đây là nội dung rất quan trọng khi Nghị quyết Trung ương đã yêu cầu trong giai đoạn 2015-2021 phải giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách.
Tuy nhiên, báo cáo về quản lý và sử dụng công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương năm 2016 của Kiểm toán nhà nước tại 13 bộ, ngành và 47 địa phương cho thấy còn nhiều vấn đề trong giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền, đặc biệt có 34 địa phương, bộ ngành sử dụng lao động vượt quy định tới 63.279 người.
“Chúng ta không thể thực hiện sai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, kết luận 17, dứt khoát không thể tăng biên chế công chức, không thể chấp nhận phình bộ máy để tăng biên chế công chức và viên chức” – ông Dũng nói.
Tiếp theo là vấn đề sắp xếp bộ máy nhà nước. Theo thống kê, Bộ Nội vụ ghi nhận cả nước hiện có khoảng 2,5 triệu viên chức, và khoảng 0,5 triệu công chức đang làm việc tại các cơ quan, nếu cộng thêm đội ngũ cán bộ xã, phường nữa thì cả nước có khoảng 3,1 – 3,2 triệu công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách.
Do đó, Bộ cần phối hợp với các tổ chức liên quan chuyển đổi mạnh mẽ các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính, biên chế, đầu tư xây dựng.
Ngoài hai vấn đề trên, các vấn đề khác như quản lý, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, huy động trí thức trẻ, thu hút nhân tài; cải cách hành chính; quản lý hội và tôn giáo, tín ngưỡng,… cũng được Thủ tướng lưu ý.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết đây là lần đầu tiên Tổ công tác của Chính phủ đến kiểm tra, làm việc với bộ.
Ông Tân cho hay hiện Bộ Nội vụ đã sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu bên trong. Tuy mới giảm được 1 đầu mối nhưng đã giảm 4 đơn vị đào tạo, đã không còn cấp phòng trong vụ chuyên môn. Bộ cũng cam kết sẽ giảm 15% biên chế tới năm 2021.
“Không phải đi thanh tra, kiểm tra người ta mà không làm mình. Mỗi năm, các đơn vị trực thuộc Bộ cũng phải kiểm tra 30%. Trước khi làm sạch nhà người khác thì phải làm sạch nhà mình” – Bộ trưởng khẳng định.
Trần Tâm
Xem thêm:
Từ khóa tinh giản biên chế Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân