Chuyên gia y tế: Nguồn lây nhiễm COVID-19 đã lây lan trong cộng đồng
- Nguyễn Quân
- •
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết một số ca bệnh số 237, 243, 251 chưa xác định được nguồn lây nhiễm. Điều này cho thấy có sự lây lan trong cộng đồng.
Trong buổi họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng với virus Corona (COVID-19) sáng 8/4, PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay có một số ý kiến “quy ngay” nguồn lây nhiễm một số ca bệnh mới phát hiện liên quan đến các ổ dịch cũ, như bệnh nhân số 243 được cho là lây từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai. Đó là trường hợp dễ nhất, nhưng phải đặt trường hợp bệnh nhân không lây nhiễm từ đó mà từ cộng đồng.
Qua thực tế, ông Phu khẳng định có khả năng trường hợp bệnh nhân số 243 không lây nhiễm từ Bệnh viện Bạch Mai vì xét nghiệm kháng thể cho thấy người này mới lây nhiễm. Điều tra dịch tễ cũng cho thấy bệnh nhân số 243 di chuyển nhiều nơi, nên vấn đề có thể nguồn lây là từ cộng đồng cần được đặt ra.
“Tìm nguồn lây nhiễm là quan trọng nhưng trong trường hợp đã có lây nhiễm trong cộng đồng, ưu tiên hàng đầu là triển khai ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập ngay, không để dịch lan rộng từ ca nhiễm được phát hiện. Vì vậy, các địa phương khi gặp các ca nhiễm tương tự, không được mất cảnh giác, chủ quan chỉ cho rằng ca nhiễm mới có liên quan đến những ổ dịch cũ”, ông Phu chia sẻ.
Trong thời gian tới, ông Phu đề nghị cần tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, không để người nhiễm tiếp xúc với người lành, phát hiện sớm trong cộng đồng các ổ dịch nhỏ để xử lý kịp thời.
Ban Chỉ đạo quốc gia thừa nhận thực tế dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng, vì trước 0h ngày 22/3 – thời điểm Việt Nam tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài, vẫn còn hàng trăm nghìn người đã nhập cảnh, trong đó có rất nhiều người đến từ các nước có dịch.
Theo đó, ngoài các ổ dịch như quán bar Buddha (TP.HCM), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hay các khu cách ly tập trung, thì đối với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng cần phải coi là ổ dịch tiềm năng. Ban Chỉ đạo quốc gia thống nhất cần coi tất cả người có dấu hiệu dịch tễ đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế là ca có nguy cơ lây nhiễm…
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị mở rộng đối tượng rà soát tại cộng đồng, trước hết là người nước ngoài vào Việt Nam đang lưu trú tại nhà nghỉ, khách sạn chứ thay vì chỉ ở các khu dân cư; cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; những người Việt Nam làm việc trực tiếp với người nước ngoài từ các ổ dịch; những người nước ngoài vào Việt Nam du lịch tự do…
Việc rà soát trong cộng đồng cũng áp dụng đối với người Việt Nam là những người từ nước ngoài về nước; những người đi đến hoặc đi qua vùng có ca nhiễm bệnh trong nước; những người có liên quan dịch tễ đến các ca bệnh; những người sống lang thang, liên quan đến tệ nạn xã hội.
Tính đến sáng 8/4, trong 251 ca bệnh viêm phổi Vũ Hán theo thống kê của Bộ Y tế, có 156 ca bệnh là người nhập cảnh vào Việt Nam (chiếm 62,6%); số ca lây nhiễm thứ phát là 95 ca (chiếm 37,4%).
Từ khóa viêm phổi Vũ Hán COVID-19 dịch lây lan trong cộng đồng ổ dịch