Hơn 15.900 phản ánh về trường hợp lừa đảo đã được người dùng Internet Việt Nam gửi đến qua các hệ thống cảnh báo trong tháng 11 tháng đầu năm 2023, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho hay.

lua dao qua mang
Các cuộc gọi lừa đảo đánh vào lòng tham, tâm lý sợ hãi, khai thác tình cảm thân quyến… để lừa đảo. (Ảnh minh họa: Pla2na/Shutterstsock)

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành thông tin và truyền thông trong tháng 11/2023, chiều 7/12, câu hỏi về tình trạng lừa đảo trực tuyến trong năm 2023 được đặt ra.

Bà Đỗ Hải Anh, Phó Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) dẫn thống kê của cơ quan này cho hay trong 11 tháng đầu năm 2023 đã nhận được hơn 15.900 phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam gửi đến qua các hệ thống cảnh báo, trong đó hơn 91% cảnh báo này liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính.

Thông tin trên cũng được ông Trần Quang Hưng – Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) nêu tại hội thảo Ngân hàng mở diễn ra cùng ngày.

Theo ông Hưng, các cuộc gọi lừa đảo có thể phân thành 3 nhóm lừa đảo chính, gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra. Theo thống kê của đơn vị này, từ đầu năm, 3.369 website vi phạm và 972 website lừa đảo bị chặn, bảo vệ được 3,6 triệu người không truy cập website vi phạm, không bị lừa đảo tiền bạc hoặc thu thập thông tin cá nhân bất hợp pháp.

Theo đó, với con số thống kê trên, chỉ từ đầu năm 2023 tới nay, trung bình mỗi ngày có 1.445 cuộc gọi phản ánh lừa đảo, trung bình mỗi giờ có tới 60 cuộc gọi phản ánh lừa đảo, đồng nghĩa cứ mỗi phút lại có một cuộc gọi phản ánh bị lừa đảo. Con số thực tế có thể còn cao hơn, khi có nhiều vụ lừa đảo mà nạn nhân không dám phản ánh, trình báo công khai.

Trở lại cuộc họp báo của Bộ TT&TT, giải pháp do đại diện Cục An toàn thông tin đưa ra đầu tiên là “nâng cao nhận thức an toàn thông tin cho người dân”.

Các biện pháp cụ thể bao gồm phát hành các bộ Cẩm nang về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến, Cẩm nang An toàn trực tuyến; xây dựng chuỗi series Điểm tin tuần với các thông tin về tình hình lừa đảo trực tuyến nổi bật; phát triển kênh Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn) trên các nền tảng mạng xã hội để đưa thông tin về các vấn đề an toàn thông tin, trong đó có lừa đảo trực tuyến.

Các biện pháp kỹ thuật được đưa ra như cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại; phát triển Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo lực tuyến quốc gia để các tổ chức, cá nhân có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến; cung cấp các công cụ tự kiểm tra và bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng.

Ngoài ra, về biện pháp phòng tránh, phía Cục An toàn thông tin cho hay sẽ tiếp tục triển khai hệ sinh thái Tín nhiệm mạng (tinnhiemmang.vn) để đánh giá, xác nhận website đảm bảo an toàn thông tin mạng. Hệ sinh thái này sẽ công bố danh sách các website không an toàn, vi phạm pháp luật và các tài khoản ngân hàng có liên quan đến các cuộc lừa đảo trực tuyến.

Đối với thông tin cá nhân bị lợi dụng để lừa đảo, đại diện Cục An toàn thông tin cho hay các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, các doanh nghiệp viễn thông rà soát tình hình lộ lọt, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức tại Việt Nam và cảnh báo, hỗ trợ xử lý các nhóm tội phạm công nghệ cao, với cam kết là không để xảy ra sự cố thiệt hại nghiêm trọng do lộ lọt thông tin.

Các nhà mạng được yêu cầu rà soát, nâng cao năng lực các hệ thống chặn lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác, đặc biệt vào dịp cuối năm.

Theo thông tin tại cuộc họp báo, ngày 6/12, một cá nhân bị phát hiện dùng xe máy chở thiết bị BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo tại TP.HCM.

Trong tháng 11/2023, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) gửi cảnh báo đến đơn vị chủ quản 47 website bị chèn nội dung quảng cáo (18 website thuộc 7 bộ/ngành, 29 website thuộc 13 tỉnh/thành phố).

Đối với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, cũng trong tháng 11/2023: Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 246 bài viết vi phạm; 6 tài khoản giả mạo và 66 group vi phạm với số lượng thành viên lên đến hơn 200 nghìn người; gỡ 17 trang quảng cáo, mua bán hóa đơn trái phép (tỷ lệ 90%).

Google đã gỡ 262 video vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 96%); 3 tài khoản có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước chứa hơn 11.366 video.

TikTok đã chặn gỡ 12 nội dung vi phạm (tỷ lệ 92%), xóa 10 tài khoản có nội dung vi phạm.

Minh Sơn