Dự thảo Nghị quyết về cơ chế khoán chi xây dựng pháp luật, với mức 20 tỷ đồng cho một bộ luật mới, nhận nhiều ý kiến từ đại biểu Quốc hội, yêu cầu cân nhắc kỹ lưỡng.

dbqh de xuat chi 20 ty dong de xay dung mot bo luat la hoi bi cao
Đại biểu Phạm Văn Hòa. (Ảnh: quochoi.vn)

Hai ngày (15 và 16/5), các đại biểu thảo luận tại tổ Hà Nội và hội trường về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tạo đột phá trong xây dựng và thi hành pháp luật.

Tại Dự thảo, Chính phủ đề xuất thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính với định mức vượt trội và khoán chi theo nhiệm vụ, hoạt động trong công tác xây dựng pháp luật.

Trong đó, mức khoán chi cho việc xây dựng bộ luật mới, bộ luật thay thế bộ luật hiện hành (từ xây dựng đến thông qua) là 20 tỷ đồng; luật mới, luật thay thế luật hiện hành là 18 tỷ đồng; bộ luật sửa đổi, bổ sung là 10 tỷ đồng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp là 9 tỷ đồng; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật hiện hành là 4,5 tỷ đồng; nghị quyết thí điểm của Quốc hội là 7 tỷ đồng; nghị quyết của Quốc hội là 4,5 tỷ đồng…

Về tỷ lệ khoán chi, khâu xây dựng, soạn thảo, thẩm định, trình chiếm 70%; còn 30% dành cho khâu thẩm tra, thông qua.

Cũng theo phụ lục, mức khoán cho xây dựng nghị định của Chính phủ từ 1,3 – 2,4 tỷ đồng; nghị quyết của Chính phủ là từ 530 – 630 triệu đồng; thông tư là 550 triệu đồng; thông tư liên tịch là 600 triệu đồng…

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng mức khoán chi 20 tỷ đồng cho một bộ luật mới là hơi bị cao. Ông lưu ý quy trình xây dựng luật hiện nay thường chỉ thực hiện trong một kỳ họp, thay vì hai hoặc ba kỳ như trước đây.

Với nghị định, ông Hòa cho rằng một số văn bản chỉ quy định chi tiết vài điều nhưng vẫn được khoán chi hàng tỷ đồng, cần cân nhắc để đảm bảo chi đúng, tránh so bì với các lĩnh vực khác.

Tương tự, ông đề nghị xem xét kỹ mức chi cho các bộ luật hoặc luật sửa đổi chỉ một vài điều, tránh áp dụng mức khoán cứng 9 hoặc 10 tỷ đồng.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) đề nghị quan tâm hơn đến nhóm cán bộ, công chức, viên chức hỗ trợ gián tiếp như lễ tân, hậu cần kỹ thuật, tài vụ, truyền thông, giám sát.

Nhóm này đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng pháp luật, cần có hướng dẫn minh bạch về mức chi để ghi nhận vai trò của họ.

Ông Minh cũng nhận định tỷ lệ phân bổ 70% cho xây dựng, soạn thảo và chỉ 30% cho thẩm tra là chưa hợp lý, vì thẩm tra là khâu kiểm soát chất lượng cuối cùng, đòi hỏi nhiều công sức, đặc biệt khi nhiều dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, buộc cơ quan thẩm tra phải tổ chức thêm khảo sát, hội thảo, tham vấn. Nếu không đảm bảo nguồn lực, chất lượng thẩm tra có thể bị ảnh hưởng.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội (TP. Hà Nội), chia sẻ rằng bà từng tham gia quá trình xây dựng Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Bầu cử. Theo bà, tổng chi phí cho các công việc như soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và thông qua hai luật này đều dưới 1 tỷ đồng.

Do đó, bà thắc mắc về đề xuất của Chính phủ trong dự thảo Nghị quyết, khi đưa ra mức kinh phí 20 tỷ đồng để xây dựng một bộ luật mới hoặc thay thế bộ luật hiện hành. Bà yêu cầu cơ quan soạn thảo giải thích rõ căn cứ hoặc cách tính toán để xác định mức chi 20 tỷ đồng này, vì bà cho rằng con số đó cao so với thực tế mà bà đã trải qua.

Theo bà, đội ngũ cán bộ xây dựng pháp luật đã được hưởng lương và chế độ từ ngân sách, nên mức khoán chi cần thuyết phục hơn.

Bà Thủy cũng lo ngại dự thảo tập trung nhiều vào cơ chế hỗ trợ xây dựng pháp luật nhưng chưa làm rõ các chính sách cho thi hành pháp luật, cũng như thiếu quy định kiểm soát quyền lực, phòng chống lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Bà đề nghị cân nhắc thời gian xây dựng một số dự án luật ngắn, không cần mức chi cao, và lưu ý rằng chính sách hỗ trợ cần phù hợp, tránh tạo tâm tư cho các nhóm cán bộ khác.

Giải trình trước các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết sẽ tiếp thu và rà soát để điều chỉnh mức khoán chi phù hợp, tránh cao hơn mặt bằng chung so với các công việc khác của nhà nước.

Ông cũng cam kết tính toán thù lao theo công việc, đảm bảo hỗ trợ rộng rãi cho các đối tượng tham gia ở mọi công đoạn xây dựng chính sách và văn bản pháp luật.

Minh Long