Để 8 căn nhà xây trái phép, Chủ tịch quận Liên Chiểu và thuộc cấp bị kỷ luật
- Bảo Khánh
- •
Liên quan việc xây dựng trái phép 8 căn nhà tại TP. Đà Nẵng, Chủ tịch và Phó chủ tịch quận cùng hai viên chức của phường bị kỷ luật.
- Cựu chủ tịch quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) bị điều tra nhận hối lộ 300 triệu đồng
- Kỷ luật cảnh cáo Chủ tịch quận Liên Chiểu (Đà Nẵng)
Ban Thường vụ Đảng bộ quận ủy Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) vừa tổ chức hội nghị xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến việc 8 căn nhà tại tổ 130 (phường Hòa Minh) “được” xây dựng trái phép.
Theo đó, Đảng ủy phường Hòa Minh nhiệm kỳ 2020-2025 bị yêu cầu “rút kinh nghiệm sâu sắc”.
Về cá nhân, ông Đinh Hữu Phúc (Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh) và ông Phạm Ngọc Lãnh (Phó chủ tịch UBND phường), bị kỷ luật khiển trách, vì thiếu trách nhiệm trong công việc.
Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra quận ủy Liên Chiểu cũng có quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Đỗ Ngọc Thắng (nguyên tổ phó Tổ quy tắc phường Hòa Minh) và ông Nguyễn Văn Cư (nguyên thành viên Tổ quy tắc phường Hòa Minh), vì thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát.
Ủy ban Kiểm tra quận ủy Liên Chiểu còn kết luận về sai phạm của Chi bộ Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Liên Chiểu và ông Trần Văn Thể (Phó Bí thư chi bộ, đội phó Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận) “chưa đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật” nên yêu cầu “kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc”.
8 hộ dân khốn khổ vì mua phải nhà xây trái phép
Trước đó, đầu tháng 10/2022, 8 hộ dân tại tổ 130 đã gửi đơn cầu cứu nhiều cơ quan chức năng. Trong đơn, họ phản ánh đã mua nhà ở đây, sinh sống từ năm 2021. Đến đầu tháng 8/2022, khi UBND phường thông báo về việc xử lý công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, họ mới vỡ lẽ mình đã mua nhầm nhà.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền cho biết năm 2021, bà dành dụm 760 triệu đồng để mua căn nhà cấp 4 rộng 90m2 của ông Nguyễn Tấn Hùng ở phường Hòa Minh. Khi đó, ông Hùng không giao sổ hồng cho bà mà chỉ có đơn xin giao đất xây dựng nhà do UBND phường Hòa Minh xác nhận (không ghi thời gian) và đơn đề nghị xác nhận có nhà ở cũng do UBND phường ký ngày 26/8/2017 cùng hợp đồng điện, nước.
Khi biết tin mình mua phải nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, bà Tuyền hết sức lo lắng. Đơn thân nuôi 2 con và mẹ già đau ốm, bà không biết phải đi đâu, về đâu khi nhà bị cưỡng chế tháo dỡ.
“Người ta chiếm dụng đất nông nghiệp xây nhà nhưng từ đầu, chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý, cưỡng chế, để người dân chúng tôi bị lừa. Giờ mất nhà, mất tiền, mẹ con tôi không biết sống ở đâu” – bà cay đắng nói.
Cạnh nhà bà Tuyền, ông Trần Văn Cây cũng gặp cảnh tương tự. “Cả gia đình tôi 6 người sẽ không còn chỗ ở nếu bị buộc tháo dỡ nhà” – ông thấp thỏm.
Tại tổ 130, gia đình các ông Phan Xuân Hải, Nguyễn Văn Hoài, Đoàn Đình Ý… cũng sắp rơi vào cảnh không nhà. Ông Hải bức xúc: “Ngay sau khi có thông báo của chính quyền địa phương, chúng tôi liên hệ với người bán nhà để hỏi chuyện và tìm hướng giải quyết nhưng họ né tránh. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải viết đơn cầu cứu gửi nhiều cơ quan chức năng thành phố”.
Chuyển công an điều tra?
Khu vực tổ 130 nằm trong quy hoạch giải tỏa của dự án đường Vành đai số 2 và đã được đo đạc, kiểm kê. Trong đó, 8 nhà dân bị xác định xây dựng trái phép. Khi dự án triển khai, buộc tháo dỡ nhà cửa, những hộ dân này sẽ không được đền bù.
Theo quy định, nhà cửa xây dựng trái phép phải bị xử lý. Qua làm việc, các hộ dân không đồng tình tháo dỡ nhà vì cho rằng họ không trực tiếp xây mà chỉ mua để ở. Lãnh đạo UBND phường Hòa Minh cho rằng việc xử lý nhà đã qua mua bán rất khó.
“UBND phường đã thông báo đề nghị tháo dỡ nhà để thực hiện các bước cưỡng chế nhưng thấy sự việc phức tạp, liên quan chuyện mua bán nên đang tạm dừng và báo cáo UBND quận xin ý kiến về hướng xử lý” – ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, hướng xử lý khả thi nhất là tìm những người xây nhà trái phép, tổ chức cho họ làm việc với những người mua để hai bên thỏa thuận trả và nhận lại tiền. UBND phường sẽ mời các hộ mua nhà và người bán đến để cùng làm việc. Nếu hai bên không thỏa thuận được, phường sẽ cưỡng chế tháo dỡ nhà, sau đó chuyển cơ quan công an xử lý hành vi mua bán nhà trái phép có dấu hiệu lừa đảo.
“Với các tranh chấp liên quan, UBND phường sẽ hướng dẫn người mua nhà khởi kiện ra tòa để xử lý. Trường hợp hai bên đạt được thỏa thuận, hoàn trả tiền, chính quyền địa phương sẽ hướng dẫn, hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống” – ông Phúc cho biết.
Về giấy tờ xác nhận nhà ở mà người bán giao cho các hộ dân, UBND phường Hòa Minh đang kiểm tra, xác minh xem có phải là giả hay không. “Các giấy tờ này rất vô lý bởi nhà mới xây năm 2021 nhưng giấy tờ xác nhận lại là từ năm 2000 và 2017. Chúng tôi sẽ gửi cơ quan công an điều tra xác định xem giấy tờ này có hợp pháp hay không.” – ông Phúc cho biết.
Cần làm rõ “dấu hiệu bất minh”
Theo Báo Người Lao Động, những đơn xin giao đất xây nhà mà các hộ dân nhận được khi mua nhà có đóng dấu đỏ xác nhận của UBND phường Hòa Minh, do Chủ tịch UBND phường là ông Đàm Quang Hưng ký năm 2000.
Ông Hưng sau đó đã trải qua nhiều chức vụ rồi giữ chức Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu. Đến tháng 5/2022, ông này bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi Nhận hối lộ trong vụ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định pháp luật. Do vậy, các hộ dân cho rằng cần làm rõ dấu hiệu bất minh tại khu đất này.
Từ khóa xây dựng trái phép TP. Đà Nẵng cán bộ sai phạm UBND quận Liên Chiểu