Dư luận Việt Nam lại bức xúc vì hóa đơn tiền điện ‘nhiều tháng như một’
- Kim Long
- •
Người dân Việt Nam chưa hết bàng hoàng vì giá điện tăng vọt trong thời gian vừa qua, thì nay lại xuất hiện việc hoá đơn tiền điện trong nhiều tháng liên tiếp giống nhau, không sai đến một số.
Báo chí và dư luận trong nước vài ngày qua lại xôn xao chuyện hóa đơn tiền điện của người dân trong nhiều tháng liên tiếp giống hệt nhau, không sai một số.
Một khách hàng điện tại Tiền Giang mới đây cho biết, chỉ số điện năng tiêu thụ của gia đình trong 6 tháng liên tiếp (từ tháng 11/2019 đến tháng 4/2020) đều là 162 kWh, số tiền phải trả là 325.000 đồng. Sau khi thấy bất thường, khách hàng đã phản ánh tới điện lực Tiền Giang để kiểm tra.
“Khi phản ánh thì điện lực chỉ trả lời qua loa, không đến nhà kiểm tra hay xin lỗi”, theo Tuổi trẻ.
Theo tờ Pháp luật TP.HCM, công ty Điện lực Tiền Giang lý giải, nguyên nhân vụ việc là do khách hàng đóng cửa nhà thường xuyên, công tơ lại lắp trong nhà. Do đó, nhân viên điện lực không ghi được chỉ số và đã lấy chỉ số với sản lượng tiêu thụ của tháng 12/2019 áp cho 6 tháng.
Vụ việc tương tự cũng xảy ra tại gia đình chị V.T.H (Ninh Bình), khi hóa đơn tiền điện trong các tháng 12/2019, tháng 1 và tháng 2/2020 cũng cùng là 487.309 đồng/tháng.
EVN Ninh Bình sau đó khẳng định, việc ba tháng liên tiếp hóa đơn tiền điện trùng nhau là hết sức bình thường, nhiều trường hợp khác còn trùng nhau nhiều tháng hơn, theo tờ Vietnamnet.
Tờ báo này cũng dẫn lời từ chị V.T.H cho biết, EVN Ninh Bình đã cử người xuống làm việc. “Cách thức làm việc thì cũng bình thường nhưng họ không hài lòng với bài báo, họ nói là gây áp lực cho ngành”, chị H. nói.
Hôm 29/6, tờ Dân trí dẫn lời biện giải từ ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn EVN nói rằng, quy trình kinh doanh đã được sửa đổi nhiều lần, tuy nhiên đây là tình huống thực tế trong cuộc sống, tức là có nhiều lúc công nhân ghi chỉ số tới không gặp được khách hàng. Trong những tình huống này, quy trình tập đoàn cho phép công nhân được tạm tính bằng trung bình 2 tháng trước, nhưng quá trình này chỉ được kéo dài 2 tháng tạm tính.
Còn ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN biện giải không khác mấy so với phía điện lực Tiền Giang rằng, trường hợp này là do công tơ khách hàng để trong nhà, “anh em không gặp được chủ nhà để ghi công tơ được, nên lấy chỉ số tháng 11/2019 làm căn cứ để áng chừng, tạm tính giá điện các tháng sau. Hiện công ty điện lực Tiền Giang đã thoái hoàn cho khách hàng 938 đồng”.
Đối với trường hợp tại Ninh Bình, ông Lâm nói phía EVN Ninh Bình đang làm rõ và sẽ báo cáo sau.
Dư luận nói gì?
Tài khoản Nguyễn Đức Giang viết: “Không thể chấp nhận cách lý giải kiểu này”.
Thanh Vũ: “Nhà tôi ở TP. Bến Tre cũng có mấy tháng liên tiếp nhận được giấy báo 390kWh và đồng hồ điện nằm ở cột điện bên ngoài!”.
Hà Cẩm Tú: “Thật là quá xấu hổ với ngành điện. Cây kim trong bọc lâu ngày cũng tự lòi ra. Đã độc quyền lại còn gian lận và bao biện loanh quanh!…”.
Hà Anh Vũ: “Ông Điện lực vừa xây sân bóng, vừa đá bóng, vừa thổi còi mà lại còn bán vé bắt khán giả vào xem”.
Phủ Đầu Rồng: “Từ việc tiền điện tăng đột biến, sờ vào ngành điện mới thấy một số việc làm không minh bạch; Thứ nhất, ghi áng chừng là chi vậy? Ghi áng chừng có nghĩa là không đến xem công tơ, để lại số điện tháng trước đáng lẽ ở mức lũy tiến thấp sang tháng sau chịu lũy tiến cao hơn, khách hàng phải trả tiền nhiều hơn…Thứ hai, có khiếu nại gì thì tự ngành điện đem công tơ đi “kiểm tra”, sau đó đâu lại vào đấy. Công tơ thì treo rõ cao, khách hàng có phải ai cũng ra bắc thang mà kiểm tra số điện hàng tháng được đâu…”.
Nam Việt: “Yêu cầu nhân viên ghi chỉ số chụp ảnh công tơ có ngày giờ lưu lại 1 thời gian để nhân viên ghi chỉ số không thể ước lượng chốt công tơ và sẽ giúp cho việc cần khi có yêu cầu kiểm tra lại công tơ”.
Huu Minh: “Dạo này có nhiều lùm xùm về hóa đơn điện quá… rất cần 1 lời giải thích mà sao toàn im lặng rồi chấn chỉnh nội bộ. Không có bên thứ 3 để phân xử thì thua rồi”.
Pham Nguyen Bang: “Nguyên việc bắc thang, trèo lên công tơ, ghi số bất luận ngày giờ nào, không có ai chứng kiến đã nói lên sự bất minh của họ rồi. Sự tinh vi của EVN trong việc lừa đảo tính giá điện đã diễn ra nhiều năm rồi! Phải chấm dứt ngay”,…
Thời gian vừa qua, EVN Việt Nam tạo nhiều tai tiếng trong dư luận vì đã có những phát ngôn biện giải cho việc tiền điện tăng vọt như: do “gia đình có sử dụng máy lạnh/máy điều hòa”; do “mở cửa ra vào nhiều, đóng mở tủ lạnh nhiều”, do “nắng nóng khủng khiếp nên công nhân ghi công tơ khó làm hoàn toàn chính xác được;…
Trong khi, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) chỉ ra rằng việc tính tiền điện theo lũy tiến bậc thang mới chính là nguyên nhân khiến giá tăng cao như vậy.
Kim Long