Khống chế ôtô dưới 9 chỗ, hạn chế xây cao ốc ở trung tâm TP, áp dụng cơ chế về nguồn vốn cho TP.HCM để hoàn thành nhanh, gấp các dự án chống ùn tắc… là những giải pháp được đưa ra để TP.HCM bớt kẹt xe. 

ùn tắc tphcm
Theo báo cáo của lãnh đạo TP.HCM, toàn thành phố có 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, trong đó 30 điểm kẹt xe nghiêm trọng. (Ảnh: Đại Việt/vietnammoi.vn/2016)

Chiều 23/1, TP.HCM tổ chức cuộc họp trực tuyến về giải pháp phòng chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Cuộc họp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, tham dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, lãnh đạo Sở GTVT cùng đại diện các sở ngành, cơ quan có liên quan.

Toàn TP có 37 điểm ùn tắc giao thông

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cho biết toàn TP có 37 điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông. Các tuyến đường thường xảy ra ùn tắc như cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, khu vực trung tâm TP, các tuyến đường kết nối từ ngoại ô vào nội đô TP.

Trong số đó, tại 7 điểm đã có chuyển biến nhưng vẫn còn 30 điểm có nguy cơ cao ùn tắc giao thông. Cụ thể, tốc độ lưu thông trung bình khu vực trung tâm (theo hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên xe buýt) vào giờ cao điểm sáng là 19 km/giờ; giờ cao điểm chiều 18 km/giờ, giờ thấp điểm 20,9 km/giờ.

Lý giải về điều này, ông Khoa cho rằng vấn đề là lượng dân số cơ học và lượng phương tiện trên địa bàn tăng liên tục. Tính đến nay, TP.HCM đang quản lý tổng cộng hơn 7,8 triệu phương tiện (gồm hơn 622.000 xe ô tô và 7,26 triệu xe mô tô), tăng 5,86% so với cùng kỳ năm 2015.

Đại diện Bộ Xây dựng cho hay mật độ dân số trung bình của TP HCM là 6.000 người/km2, ở vùng lõi là 25.000-30.000 người/km trong khi quỹ đất cho giao thông chỉ hơn 8%. Phương tiện công cộng chỉ chiếm 10% trong khi các nước là 40 – 50%. Trong khi nhiều nước, đa phần hoạt động giao thông là giao thông ngầm. Tại Việt Nam, hiện giao thông ngầm coi như bằng không.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trên thực tế, TP.HCM phải có gần 50 điểm ùn tắc, có điểm kéo dài nhiều giờ.

Khống chế lượng ôtô dưới 9 chỗ

Thay mặt lãnh đạo TP.HCM, ông Khoa nêu ra một số kiến nghị với Thủ tướng về cơ chế, chính sách để “hạ nhiệt” vấn đề ùn tắc giao thông ở TP.HCM.

Cụ thể, ông Khoa kiến nghị Thủ tướng cho phép TP được quyết định khống chế số lượng ôtô dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sử dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách (như Grab, Uber) thông qua việc cấp phù hiệu xe chạy hợp đồng.

Trước đó, tháng 7/2016, Sở GTVT Hà Nội cũng kiến nghị Bộ GTVT khống chế quy định rõ số lượng và khống chế tổng số xe dưới 9 chỗ được cấp phù hiệu “xe hợp đồng”. Việc xuất hiện thêm một loại hình kinh doanh vận tải khách hợp đồng theo hình thức taxi với danh nghĩa cung cấp qua phần mềm ứng dụng đã làm tăng đột xuất số lượng xe dưới 9 chỗ ngồi đăng ký kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, làm tăng ùn tắc giao thông.

Về điều này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận: “Một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông là số lượng phương tiện tăng quá nhanh; ôtô, xe máy xen lẫn nhau. Không phải cấm quyền tự do nhưng về lâu dài phải có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân. TP.HCM cần phải hạn chế xây nhà cao tầng ở trung tâm khi chưa giải quyết đồng bộ vấn đề hạ tầng“.

ùn tắc tphcm
(Nhấp vào hình để phóng to) Tình trạng giao thông tại TP.HCM vào lúc 9h sáng 24/1. Hai điểm cảnh báo ùn tắc là đường Đinh Bộ Lĩnh (tốc độ <5km/h, đoạn từ BX Miền Đông đến giao lộ Nguyễn Xí) (góc phải) và đường Cộng Hòa (tốc độ <5km/h, đoạn qua giao lộ Tân Kỳ-Tân Quý, hướng đi Mũi Tàu-Trường Chinh) (góc trái). Các đoạn màu đỏ hiển thị mật độ giao thông cao. (Nguồn: giaothong.hochiminhcity.gov.vn)

Hạn chế xây cao ốc ở trung tâm TP

Về giải pháp lâu dài, Thủ tướng cho biết quan trọng nhất là TP.HCM cùng Bộ GTVT và các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý đô thị của TP. Trong đó, phải hạn chế nhà cao tầng ở khu trung tâm khi chưa có hệ thống giao thông.

Nếu chúng ta cứ dồn hết vào trung tâm, có mảnh đất nào chúng ta tiếp tục xây nhà cao tầng ở đó trong khi phương án giao thông để chống ùn tắc chưa giải quyết được thì tiếp tục sẽ khó khăn”, Thủ tướng nói.

Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cũng cho hay trong thời điểm hiện nay để kéo giảm ùn tắc thì việc xây dựng các cao ốc, khu đô thị cao tầng ở TP.HCM nên chậm lại vì hạ tầng giao thông đang theo không kịp.

Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận tình trạng ùn tắc giao thông đến mức “báo động” tại TP.HCM cũng như Hà Nội là “do chúng ta thiếu tầm nhìn, kiểm soát quy hoạch chưa tốt“. Theo đó, ông Dũng chỉ ra một nguyên nhân khác gây ùn tắc giao thông là do tốc độ tăng dân số và phương tiện cao hơn tốc độ phát triển hạ tầng. Vì vậy, nếu chỉ tập trung làm nhanh các dự án sẽ không giải quyết được.

Phải có giải pháp mạnh tay để kéo giảm việc tăng dân số cơ học và phương tiện. Nếu không thì khi hạ tầng phát triển người dân tiếp tục đổ về, phương tiện tăng tiếp thì chúng ta đang làm bài toán ngược“, ông Dũng nói.

Liên quan tới chủ trương hạn chế xây cao ốc ở trung tâm TP, lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ bỏ văn phòng 2 của các Bộ, Ngành tại TP.HCM (chỉ giữ lại văn phòng 2 của một số Bộ quan trọng) theo hình thức xã hội hóa.

Bộ này cho hay quỹ đất thu hồi sẽ là nguồn lực rất lớn cho các Bộ và TP.HCM, để TP đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Trước đề xuất “xóa” văn phòng 2 các bộ ngành này, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, lập đề án trình Thủ tướng chính phủ xem xét, quyết định.

Áp dụng cơ chế về nguồn vốn để TP.HCM chống ùn tắc

Về nguồn vốn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng kiến nghị trung ương áp dụng cơ chế về nguồn vốn cho TP.HCM để các dự án để giải tỏa ùn tắc phải được tiến hành nhanh, gấp. Vì theo ông Thăng, hiện nay các dự án tiến hành quá chậm, nhất là dự án huy động theo hình thức BOT.

Theo đó, “TP.HCM kiến nghị cho phép được áp dụng cơ chế đối với các dự án chống ùn tắc như Chính phủ đã cho Bộ GTVT triển khai trên Quốc lộ 1 và đường HCM. Sau 2 năm, hàng loạt dự án đi vào hoạt động, qua đó, sẽ giảm đáng kể tình trạng ùn tắc“, ông Thăng đề xuất.

Các dự án nào sai cứ thanh tra, kiểm tra, còn dự án khác cứ ưu tiên thực hiện chứ không để quá trình thanh tra, kiểm tra các dự án sai phạm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án khác”, ông Thăng nói.

Đề xuất này được Thủ tướng đồng ý, cho rằng cần có cơ chế thuận lợi cho TP.HCM trong việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để có hạ tầng kết nối tốt nhất, giải quyết ùn tắc trong thời gian ngắn, chứ không để kéo dài tình trạng ùn tắc như hiện nay.

Về việc chống ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo hoàn thiện các phương án, báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/2.

Ngoài ra, một số giải pháp khác được gợi mở như hạn chế nhập cư vào khu trung tâm, xây dựng các đô thị vệ tinh, áp dụng công nghệ thông tin, phát động quần chúng đóng góp các giải pháp thông minh trong chống ùn tắc, chứ không chỉ các cơ quan hành chính chống ùn tắc.

Về một số kiến nghị của TP, Thủ tướng cơ bản đồng ý và yêu cầu các bộ liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng từ khi nhận được đề nghị của TP.HCM, sau 21 ngày làm việc phải trả lời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. “Không để thành phố phải chạy ra chạy vào, thời gian còn để làm việc khác. Các Bộ làm việc trên tinh thần tạo điều kiện cho thành phố đầu tư phát triển hạ tầng giao thông“, Thủ tướng nói.

Cân nhắc chi 25.000 tỷ đồng (1,1 tỷ USD) làm đường sắt trên cao

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh các thủ tục nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – cảng hàng không quốc tế Long Thành đồng bộ với tiến độ xây dựng, hoàn thành sân bay Long Thành.

Ông Khoa cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc đưa đoạn tuyến đường sắt Bình Triệu – Hòa Hưng lên cao để xóa bỏ các giao cắt giữa đường sắt và đường bộ trong nội đô.

Dưới góc độ cơ quan trung ương, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá kiến nghị xây đường sắt trên cao của TP.HCM là một đề xuất chính đáng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nợ công đang cao như hiện nay thì chi phí thực hiện công trình lên đến khoảng 25.000 tỷ đồng là một con số cần phải cân nhắc.

Quy hoạch chọn ga Hòa Hưng (ga Sài Gòn) là ga trung tâm bằng cách làm đường sắt trên cao, đoạn Bình Triệu – Hòa Hưng, để tránh xung đột giao cắt với 14 tuyến đường đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013.

Tuy nhiên, đầu năm 2016, chuyên gia giao thông Phạm Sanh đã chỉ ra 4 điểm cần làm rõ để thuyết phục về tính khả thi của dự án, trong đó có vấn đề về chi phí đầu tư.

Nguyễn Quân (T/h)

Xem thêm: