Gian lận thi Hòa Bình: ‘Nếu CSĐT có hỏi thì chỉ nói là trao đổi về hoa lan thôi’
- Phạm Toàn
- •
Sau khi bị cơ quan điều tra phát hiện gian lận thi cử, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn gọi Khương Ngọc Chất – cựu trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ (Công an Hòa Bình) và được dặn: “Cứ bình tĩnh, bọn anh sẽ cố gắng lo và nhắc bị cáo đừng khai ra mối quan hệ giữa hai người. Nếu cơ quan điều tra có hỏi về các cuộc điện thoại thì phải nói là trao đổi về hoa lan, hoa huệ thôi”.
Ngày 11/5, TAND tỉnh Hòa Bình tổ chức phiên xét xử sơ thẩm vụ gian lận tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018.
14 bị cáo bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 gồm:
- Nguyễn Quang Vinh (trưởng phòng khảo thí, phó trưởng ban chấm thi);
- Đỗ Mạnh Tuấn (cựu hiệu phó Trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy);
- Khương Ngọc Chất (cựu trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình);
- Phùng Văn Thụ (cựu trưởng phòng giáo dục thường xuyên);
- Diệp Thị Hồng Liên (cựu phó phòng khảo thí);
- Nguyễn Khắc Tuấn (cựu chuyên viên phòng khảo thí);
- Nguyễn Đức Hoàng (cựu thanh tra viên phòng thanh tra);
- Nguyễn Tân Hưng (cựu cán bộ phòng khảo thí);
- Quách Thanh Phúc (50 tuổi, cựu hiệu phó Trường THPT 19-5);
- Lê Thị Hồng (cựu hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ);
- 4 cựu giáo viên Nguyễn Thị Thu Loan, Nguyễn Thị Hồng Chung, Bùi Thanh Trà và Đào Ngọc Thuật
Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn bị xét xử thêm tội Nhận hối lộ theo điều 354.
Bị cáo Hồ Chúc (cựu giáo viên Trường THPT Thanh Hà, huyện Lạc Thủy) bị xét xử tội Đưa hối lộ theo điều 364.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, bị cáo Nguyễn Quang Vinh đã cùng các bị cáo khác lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để nâng điểm cho 65 thí sinh gồm: 64 thí sinh thi năm 2018 và 1 thí sinh thi năm 2017.
Các thí sinh này đã sử dụng kết quả sai để xét tốt nghiệp THPT và dự tuyển vào các trường đại học. Trong đó, có 45 thí sinh trúng tuyển nhưng bị buộc thôi học; 10 thí sinh đang theo học vì kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển; 6 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học; 1 thí sinh xét nhưng không trúng tuyển; 3 thí sinh không xét tuyển.
Cáo trạng cũng xác định, bị cáo Nguyễn Quang Vinh có vai trò chủ mưu, đã bàn bạc, chỉ đạo bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn đưa chìa khóa phòng chấm thi, tạo các điều kiện thuận lợi để các bị cáo khác nâng điểm 145 bài thi trắc nghiệm cho 58 thí sinh.
Bị cáo Vinh cũng chỉ đạo bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn cung cấp mã phách, thông tin thí sinh cho bị cáo Diệp Thị Hồng Liên để chấm nâng điểm 20 bài thi tự luận môn Ngữ văn.
Tại phiên tòa, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn thừa nhận đã lợi dụng vị trí ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm để nâng điểm cho các thí sinh.
Mạnh Tuấn khai được Nguyễn Quang Vinh chỉ đạo nâng điểm và sau đó nhiều đồng nghiệp, người quen của Tuấn cũng nhờ giúp đỡ. Tuấn cho biết đã nhận từ Nguyễn Quang Vinh và các bị cáo khác danh sách thông tin về tên thí sinh, số môn thi, số điểm cần đạt,… rồi sau đó rủ thêm Nguyễn Khắc Tuấn cùng nhau nâng điểm.
Sau khi thực hiện việc sửa điểm cho các thí sinh, Mạnh Tuấn đã nhận tiền từ 3 bị cáo Chất, Chúc và Thuật. Trong đó, bị cáo Chúc đưa 300 triệu đồng, Thuật đưa 250 triệu đồng và Chất đưa 500 triệu đồng. Số tiền 550 triệu đồng do các bị cáo Chúc và Thuật đưa, Tuấn đã nộp lại cơ quan điều tra; còn 500 triệu bị cáo Chất đưa, Tuấn vẫn đang nhờ vợ giữ.
Cũng theo Đỗ Mạnh Tuấn, khi sự việc bị phát hiện, Tuấn đã gọi cho Khương Ngọc Chất – cựu trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh Hòa Bình) và được dặn: “Cứ bình tĩnh, bọn anh sẽ cố gắng lo và nhắc bị cáo đừng khai ra mối quan hệ giữa hai người. Nếu cơ quan điều tra có hỏi về các cuộc điện thoại thì phải nói là trao đổi về hoa lan, hoa huệ thôi”.
Cũng theo lời khai của Mạnh Tuấn, tối ngày 30/7, Tuấn cùng Nguyễn Khắc Tuấn tìm đến nhà ông Nguyễn Quang Vinh. Sau khi biết nội dung làm việc của cơ quan điều tra với bị cáo Tuấn, ông Nguyễn Quang Vinh nói: “Bình tĩnh, ở ngoài các anh đang lo“. “Bị cáo nghĩ lo ở đây là chèo chống vụ việc”.
Trong vụ án, cơ quan tố tụng chỉ xác định Hồ Chúc đưa cho Mạnh Tuấn 300 triệu đồng là phạm tội đưa – nhận hối lộ; chưa có căn cứ xử lý về các tội danh này trong việc Đào Ngọc Thuật và Khương Ngọc Chất đưa tiền cho Mạnh Tuấn.
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Khương Ngọc Chất – cựu trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh Hòa Bình) luôn khẳng định “không phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, cũng không thực hiện các hành vi vi phạm như cơ quan tố tụng truy tố” và đề nghị triệu tập thêm người liên quan là các thí sinh và phụ huynh có con được nâng điểm.
Tuy nhiên, tại diện VKS cho rằng những người vắng mặt đã có lời khai ở giai đoạn điều tra nên họ vắng mặt không làm ảnh hưởng tới xét xử. Chủ tọa đồng tình quan điểm này.
Cũng giống như bị cáo Chất, bị cáo Nguyễn Quang Vinh không đồng ý kết luận là “chủ mưu vụ án” từ phía Viện KSND Tối cao; cho rằng bản thân không đưa chìa khóa cho Đỗ Mạnh Tuấn; không tác động thanh tra, công an để tạo điều kiện cho các bị cáo khác nâng điểm; không đưa danh sách thí sinh cho Đỗ Mạnh Tuấn nâng điểm và không nhận danh sách từ Tuấn; không đồng tình với kết luận của cơ quan công an là “không thành khẩn trong quá trình điều tra”.
“Như vậy nghĩa là bị cáo cho rằng mình không có tội như cáo trạng truy tố” – Hội đồng xét xử hỏi.
Trả lời, bị cáo Vinh khẳng định bản thân đã nói rõ với VKS là để xảy ra vụ việc, bị cáo là tổ trưởng phải chịu trách nhiệm và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước lãnh đạo về công việc được giao nhưng không thừa nhận tội như cáo trạng nêu.
Dự kiến, phiên toà kéo dài đến ngày 18/5.
Từ khóa Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 gian lận thi Hòa Bình công an Hòa Bình