Giáo viên tại Việt Nam lên ‘cơn sốt’ về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp
- Văn Duy
- •
Chưa kịp vui mừng vì được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nhiều giáo viên tại Việt Nam tiếp tục lên ‘cơn sốt’ về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Từ đầu tháng 2/2021, Bộ Giáo dục Việt Nam ban hành các thông tư số 01, 02, 03, 04 quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường phổ thông công lập.
Theo đó, giáo viên có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp sẽ được bổ nhiệm vào hạng tương ứng và được tăng lương theo quy định.
Vì lo ngại bị tụt hạng, giảm lương, hàng loạt giáo viên đổ xô đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với học phí khoảng 2,5 triệu đồng, tùy nơi cấp chứng chỉ, do giáo viên tự chi trả.
Nội dung học phần lớn là trùng lặp, chung chung
Tờ Vietnamnet dẫn lời anh Nguyễn Đăng, giáo viên An Giang cho biết nội dung chương trình học chứng chỉ gồm 10 chuyên đề, đa phần trùng lặp với các nội dung mà giáo viên đã tập huấn trong những năm qua và trong nội dung 9 module mà giáo viên đang tập huấn trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
“Vậy là giáo viên phải học những kiến thức cũ, quen thuộc, không có bao nhiêu kiến thức mới nhưng phải đầu tư 2,5 triệu đồng/chứng chỉ”, anh Nguyễn Đăng nói.
Còn thầy giáo Nguyễn Văn Lực, Trường THCS Trịnh Phong (Diên Khánh, Khánh Hòa) cho hay chương trình học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là những kiến thức chung, chứ không phải là kiến thức chuyên môn; nhiều nội dung kiến thức bồi dưỡng thầy cô đã học trong chương trình đào tạo giáo viên.
“Với đa số giáo viên, việc phải học để có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở hạng I, II, III là không cấp thiết và cần thiết, không phải học để nâng cao nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy… mà học chỉ để cập nhật cho đủ chứng chỉ theo Thông tư” – ông Lực khẳng định.
Người đồng tình thì ít, người không đồng tình thì rất nhiều
Tờ Tuổi trẻ dẫn lời ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền cho biết sau khi có nhóm thông tư từ Bộ Giáo dục, số người đồng tình thì ít, mà số người không đồng tình thì rất nhiều. Đây cũng chính là nhóm giáo viên chịu tác động trực tiếp từ các quy định bất cập trên.
Theo bà Hiền, thông tư số 03 quy định giáo viên THCS hạng I chưa đạt các tiêu chuẩn phải xếp vào giáo viên hạng II. Sau khi giáo viên có bằng thạc sỹ và đạt các tiêu chuẩn của hạng I thì được bổ nhiệm mà không phải thông qua kỳ thi/xét thăng hạng.
“Như vậy, kết quả kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên THCS (chưa có bằng thạc sĩ) từ hạng II lên hạng I do bộ tổ chức vào năm 2018 thật vô nghĩa. Đây là một quy định gây tốn kém và lãng phí rất lớn, đồng thời phủ nhận luôn công sức tổ chức kỳ thi nâng hạng của chính Bộ GD-ĐT.
Đó là chưa kể quy định này chưa thấy cái lợi cho giáo viên nhưng đã thấy cơ hội làm lợi cho các nơi có chức năng đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ. Vấn đề ở đây là chương trình đào tạo, bồi dưỡng có đúng thực chất là nâng cao kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn hay chỉ có giá trị trang bị chứng chỉ chức danh nghề nghiệp”, bà Hiền phân tích.
“Tôi nghĩ cá nhân từng giáo viên phải học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết của nhà giáo đứng trên bục giảng để đem lại hiệu quả giảng dạy cao nhất. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn đặt ra cho giáo viên cũng phải xuất phát từ thực tiễn. Có những tiêu chuẩn không cần thiết thì không nên gây áp lực cho giáo viên, nhất là đối với những quy định nặng về bằng cấp, chú trọng bằng cấp mà lại bỏ qua năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn của giáo viên”, bà Hiền nói.
Bộ Giáo dục nói gì?
Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục Việt Nam) lý giải rằng đây là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, lĩnh vực, mà không riêng gì ngành giáo dục.
Nội dung quy định giáo viên mầm non, phổ thông công lập cần có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong các thông tư số 01, 02, 03, 04 là thực hiện quy định của luật Viên chức và Nghị định 101 của Chính phủ.
Cụ thể, theo điểm b, khoản 1, điều 31 của luật Viên chức 2010 quy định “người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó” và theo điểm b, khoản 3, điều 33 quy định “viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm hạng”.
Còn theo điểm a khoản 3 điều 26 của Nghị định 101 ngày 1/9/2017 quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức: “Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề”.
“Muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì cần thiết phải xem xét, sửa các quy định này theo hướng mở rộng quy định tại luật Viên chức và Nghị định 101 của Chính phủ là có thể sử dụng chứng chỉ của chuyên ngành thay thế. Chỉ khi đó, giáo viên mới có thể sử dụng chứng chỉ, chứng nhận bồi dưỡng chuyên ngành để thay thế cho chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp”, đại diện Cục nói.
Văn Duy
Tại Đại hội Đảng, Bộ trưởng Nhạ che giấu những bê bối ngành giáo dục?
Từ khóa chứng chỉ chức danh nghề nghiệp Giáo dục Việt Nam