Trận mưa lịch sử với lượng mưa lên đến 601,4 mm tại Hà Tĩnh gây ngập lụt, thiệt hại lớn cho vụ lúa xuân. Các cơ sở sấy thóc lúa tại tỉnh đang hoạt động hết công suất để cứu hơn 2.000 tấn thóc bị ướt.

ha tinh no luc cuu hon 2 000 tan lua sau tran mua lon hon 600 mm 2 3
Nhiều khu vực tại Hà Tĩnh có mưa lớn, riêng Kỳ Anh lượng mưa hơn 600mm. (Ảnh: Lê Giang/Facebook)

Ngày 25/5, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết từ chiều 24/5 đến 25/5, Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp nhiễu động trong đới gió Đông ở độ cao 1.500 m – 3.000 m, tương tác với địa hình đèo Ngang, gây mưa rất lớn trên toàn tỉnh.

Lượng mưa ghi nhận tại nhiều khu vực ở Hà Tĩnh đạt mức kỷ lục.

Tại xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, lượng mưa lên tới 601,4 mm trong 24 giờ.

Một số trạm đo mưa khác ghi nhận lượng mưa lớn như hồ Thượng Sông Trí (599 mm), hồ Kẻ Gỗ (506 mm), Kỳ Thịnh (445,2 mm), Hương Giang (379,8 mm), và Thạch Xuân (361,8 mm).

Đặc biệt, tại xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh, lượng mưa trong 1 giờ đạt 172,8 mm – mức cao nhất từ trước đến nay tại Hà Tĩnh, vượt qua các kỷ lục trước đó như 168 mm tại Bắc Quang (Hà Giang) ngày 3/7/2024 hay 164,3 mm tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) ngày 17/5/2015.

ha tinh no luc cuu hon 2 000 tan lua sau tran mua lon hon 600 mm
Người dân cứu lúa bị ngập. (Ảnh: Truyền hình Hà Tĩnh/Facebook)

Mưa lớn kéo dài gây lũ trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố với biên độ lũ từ 2,5 m đến 8,5 m. Đến 14h ngày 25/5, lũ đạt đỉnh nhưng vẫn dưới mức báo động 1 và đang xuống chậm.

Lũ quét và ngập lụt nghiêm trọng xảy ra tại nhiều khu vực trũng thấp ven sông, suối và các khu dân cư, đô thị. Các xã chịu ảnh hưởng nặng gồm Kỳ Hòa, Kỳ Châu, Kỳ Thịnh (huyện Kỳ Anh), Hà Linh, Phúc Đồng, Hương Thủy, Hương Giang, Lộc Yên (huyện Hương Khê), Mỹ Lộc (huyện Can Lộc), Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Lạc, Cẩm Thạch, thị trấn Cẩm Xuyên (huyện Cẩm Xuyên), và Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà).

Tại huyện Cẩm Xuyên, các xã Cẩm Mỹ và Cẩm Duệ gần hồ Kẻ Gỗ bị ngập sâu, với mực nước từ 0,5 m đến 1,5 m, ảnh hưởng đến khoảng 450 gia đình tại 4 thôn Mỹ Phú, Mỹ Đông, Mỹ Lâm, Mỹ Hà (xã Cẩm Mỹ) và 150 gia đình tại 2 thôn Tân Duệ, Quang Trung (xã Cẩm Duệ).

Mưa lũ gây thiệt hại lớn về nông nghiệp. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, 2.250 ha lúa xuân chưa thu hoạch bị ngập, 2.076 tấn thóc đã thu hoạch bị ướt, 397 ha cây trồng khác bị ngập, hơn 11.895 gia cầm bị chết, và 32 gia súc bị cuốn trôi tại huyện Cẩm Xuyên. Ngoài ra, hơn 150 gia đình tại xã Kỳ Văn (huyện Kỳ Anh) bị ngập lụt.

ha tinh no luc cuu hon 2 000 tan lua sau tran mua lon hon 600 mm 1
Thóc của người dân sau khi thu hoach cũng bị ngập. (Ảnh: Facebook)

Trước tình hình này, ngay trong đêm 24/5 và sáng 25/5, giới chức địa phương đã huy động các lực lượng sơ tán người già, trẻ em, đồng thời hỗ trợ người dân kê cao tài sản nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Để hỗ trợ người dân, các cơ sở sấy lúa tại tỉnh hoạt động hết công suất. Tại TP. Hà Tĩnh, HTX Thương mại dịch vụ chế biến nông sản Hạnh Cường (xã Thạch Bình) vận hành 4 lò sấy liên tục, mỗi ngày sấy được 70 tấn thóc.

ha tinh no luc cuu hon 2 000 tan lua sau tran mua lon hon 600 mm 2
2.076 tấn thóc đã thu hoạch bị ướt. (Ảnh dẫn qua Huy Nguyễn/Facebook)

Từ rạng sáng 25/5, HTX đã thu mua gần 60 tấn thóc ướt từ các xã như Tân Lâm Hương, Thạch Đài, Cẩm Vịnh (TP. Hà Tĩnh) và Cẩm Duệ, Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên).

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc HTX, cho biết thóc bị ngập nước nên thời gian sấy lâu hơn, khiến năng suất giảm. HTX đang cân đối kho bãi để tiếp tục hỗ trợ người dân.

Tại huyện Can Lộc, cơ sở sấy thóc lúa tại xã Khánh Vĩnh Yên hoạt động với công suất 120-150 tấn/ngày, hỗ trợ người dân các xã lân cận như Xuân Lộc, Sơn Lộc, Kim Song Trường.

Ông Nguyễn Công Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên, cho biết chính quyền đã cung cấp thông tin liên hệ của cơ sở sấy đến các địa phương để người dân kịp thời xử lý thóc ướt, giảm nguy cơ nảy mầm, hư hỏng.

Tại huyện Nghi Xuân, Nhà máy sấy thóc lúa Chương Hà (xã Cổ Đạm) thu mua hơn 300 tấn thóc trong hai ngày 23-24/5 với giá ổn định, không từ chối thu mua. Anh Hoàng Văn Chương, chủ nhà máy, cho biết cơ sở có 3 lò sấy và 10 công nhân đang làm việc ngày đêm để hỗ trợ nông dân.

Theo ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Môi trường), toàn tỉnh có 15 cơ sở, công ty, và HTX cung cấp dịch vụ sấy lúa, tập trung tại các huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Nghi Xuân, và TP. Hà Tĩnh.

Hiện 5 cơ sở đã hoạt động hết công suất, trong khi 10 cơ sở còn lại, như Công ty Cổ phần Giống cây trồng và Thương mại Hà Tĩnh (huyện Cẩm Xuyên) và HTX Hạnh Cường (TP. Hà Tĩnh), cam kết tiếp tục hỗ trợ người dân.

Ngoài ra, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất vẫn đe dọa các huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Vũ Quang, và thị xã Kỳ Anh. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo các cơ quan chức năng rà soát các điểm nghẽn dòng chảy, vị trí xung yếu để chủ động ứng phó.

Minh Long