Diễn ra sớm trước 2 tháng, hạn mặn sẽ khốc liệt hơn trong tháng 3 và 4
- Vĩnh Long
- •
Xâm nhập mặn diễn ra từ đầu tháng 12 và đạt mốc lịch sử mới từ giữa tháng 1/2020.
5 tỉnh công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp
Tính đến ngày 4/3, 5 tỉnh tại miền Tây đã công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn. Gần đây nhất, tỉnh Long An công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, với cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn thuộc cấp độ 2.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, khu vực sông Vàm Cỏ bắt đầu bị ảnh hưởng từ tháng 1, cao nhất vào các tháng 2, 3, 4; tăng dần và kết thúc vào cuối tháng 5.
Trên sông Vàm Cỏ Đông, mặn xâm nhập sâu 100km, cao hơn trung bình nhiều năm 40km, có khả năng cao hơn năm 2016 hơn 3km.
Trên sông Vàm Cỏ Tây, mặn xâm xâm nhập sâu 110km, cao hơn trung bình nhiều năm 52km, có khả năng cao hơn năm 2016 khoảng 5km.
Ngày 2/3, Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại vùng ngọt hóa thuộc địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời. Do tình trạng sạt lở và sụt lún đã xảy ra tại hơn 900 vị trí trên địa bàn, liền sau đó, tỉnh này gửi công văn lên Bộ NN-PTNT, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề nghị hướng dẫn công bố tình huống thiên tai và xử lý sạt lở, sụp lún đất.
UBND tỉnh Cà Mau cho biết tới thời điểm công bố, mực nước trên một số kênh trục, kênh cấp I, nước còn khoảng 0,3-0,5 m; kênh cấp II, III đã khô cạn. Hơn 18.000 ha lúa, rau màu bị thiệt hại; gần 43.000 ha rừng đang trong tình trạng báo động cháy cao; một số cống ngăn mặn đã bị soi mọi, rò rỉ đáy. Hơn 20.500 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt.
Trong các tháng 1, 2, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang đã công bố tình huống thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn cấp độ 1 và 2.
Xâm nhập mặn và hạn hán sẽ khốc liệt hơn
Năm 2016, ảnh hưởng của hạn – mặn gay gắt nhất vào cuối tháng 3; hạn hán ảnh hưởng đến tất cả 13 tỉnh ĐBSCL, trong khi xâm nhập mặn ảnh hưởng đến 9/13 tỉnh.
Năm 2020, theo Bộ NN-PTNT, tính đến giữa tháng 2, 12/13 tỉnh, thành tại khu vực ĐBSCL đã bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. TS Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia Biến đổi khí hậu cho hay xâm nhập mặn đã diễn ra từ đầu tháng 12 và đạt mốc lịch sử mới từ giữa tháng 1. Theo đó, hạn mặn năm 2020 diễn ra trước 2 tháng và đã phá mốc lịch sử 2016.
Người dân cho biết hạn mặn tới sớm, đúng vào thời điểm lúa đang lên đòng nên cây chết hoặc hạt lép, gây thiệt hại lớn hơn năm 2016 khi hạn mặn về lúc lúa có nơi đã chín. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết tính đến hiện tại, miền Tây có khoảng 20.000 ha lúa bị mất trắng do hạn mặn, bằng khoảng 7% so với năm 2016. Hơn 150.000 ha cây ăn trái, hoa màu… bị khô trái, rụng lá vì thiếu nước.
Ông Huy nhận định xâm nhập mặn và hạn hán sẽ khốc liệt hơn trong tháng 3 và tháng 4, ngay cả khi ĐBSCL đón những cơn mưa trái mùa vào tháng 4. Lý do vì đất đang khô, háo nước nên mưa xuống không đủ ngấm vào đất nên cũng không đủ tạo ra tích trữ.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo ngày 8/3, độ mặn trên hệ thống vùng kẹp giữa hai sông Vàm Cỏ (chủ yếu thuộc tỉnh Long An) dao động từ 0,0 ÷ 18,1‰, trong đó độ mặn cao nhất 18,1‰ tại khu vực ngã ba sông Vàm Cỏ Đông-Vàm Cỏ Tây.
Trong tháng 3, dòng chảy sông Mekong từ thượng lưu về ĐBSCL có khả năng vẫn ở mức rất thấp, kéo theo xâm nhập mặn rất nghiêm trọng.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 3, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục diễn ra gay gắt, đặc biệt từ ngày 11-15/3.
Dự báo, từ ngày 7-15/3, ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu 100-110 km trên sông Vàm Cỏ; 60 km trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại. Trên sông Hàm Luông, nước mặn 4‰ xâm nhập sâu 78 km; sâu 70 km trên sông Cổ Chiên và sông Hậu; sâu 62-65 km tại sông Cái Lớn.
Chỉ riêng sông Cái Lớn có mức xâm nhập mặn tương đương với đợt hạn mặn năm 2016; các sông còn lại đều cao hơn từ 3-8 km.
Vĩnh Long
Xem thêm:
Từ khóa hạn mặn lịch sử nguy cơ hạn hán ĐBSCL