‘Hành vi tham nhũng có tử hình cũng chưa đảm bảo công bằng xã hội’
- Phạm Toàn
- •
ĐBQH Nguyễn Quốc Hận cho rằng có nhiều quan chức tham nhũng tới cả chục nghìn tỷ đồng. Với hành vi này, ông Hận cho rằng cá nhân gây ra sự bức xúc này là tội đồ, tử hình cũng chưa đảm bảo công bằng cho xã hội.
Hôm nay (30/5), Quốc hội bước vào 1,5 ngày thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội, ngân sách năm 2018 và kế hoạch năm 2019, quyết toán ngân sách 2017.
Tại buổi thảo luận, liên quan đến vấn đề giá điện tăng là 8,36%, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng vấn đề cử tri không quan tâm đến đúng quy trình hay không vì Chính phủ đã điều hành là phải đúng quy định.
Cử tri muốn Chính phủ đánh giá cụ thể hơn như việc tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến kinh tế, xã hội và đời sống người dân. Tăng giá điện, tăng giá xăng dầu làm tăng chi phí đầu vào và kết tinh vào chi phí giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước.
“Trong khi tiền lương của cán bộ công chức và người lao động không tăng thì hàng loạt các chi phí thiết yếu đều tăng như điện, học phí, xăng dầu,…làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tôi đề nghị Quốc hội đưa giá điện vào danh mục cần kiểm toán” – ông Hận nói.
Cá nhân tham nhũng có tử hình cũng chưa đảm bảo công bằng xã hội
Về lĩnh vực phòng chống tham nhũng, ĐB Hận đề cập thực tế, việc thu hồi triệt để tài sản liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng còn hạn chế . Nghịch lý là khi điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn, nhiều công trình hạng mục cấp thiết ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tính mạng của người dân không đủ vốn đầu tư thì các vụ án kinh tế, tham nhũng được phanh phui làm thất thoát hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng.
“Các cá nhân gây ra sự bức xúc này là tội đồ, đáng bị lên án và đáng bị pháp luật xử lý nghiêm minh. Hành vi gây thất thoát ấy, dù có phải nhận bản án cao nhất là tử hình cũng chưa đảm bảo tính răn đe, chưa bảo đảm công bằng cho xã hội. Với số tiền ấy nếu không bị thất thoát, tham nhũng thì chúng ta sẽ có thêm vốn đầu tư cho các kè sạt lở bờ sông, xây dựng các công trình phòng chống lũ quét, lũ ống, góp phần làm giảm đáng kể số người thiệt mạng vì thiên tai trong thời gian qua” – ông Hận nói.
Vì thế, theo ông Hận, ngoài chế tài nặng thì nội dung thu hồi tài sản thất thoát cũng rất quan trọng và có tính răn đe cao, tránh tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, bố chấp nhận ngồi tù vài chục năm nhưng vợ con được sống an nhàn, sung túc cả đời.
Xã hội hiện có quá nhiều điều bất an
Cũng tại buổi thảo luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng xã hội hiện có quá nhiều điều bất an khiến người dân rất lo lắng, khi chỉ mới trong vài tháng của năm 2019, hàng loạt vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, thương tâm liên quan đến ma túy, ngáo đá đã xảy ra.
Ông Hạ lấy dẫn chứng như vụ cô gái giao gà ở Điện Biên bị sát hại, vụ một cán bộ ngân hàng truy sát cả nhà ở Nghệ An, vụ 3 bà cháu bị sát hại bởi chính con đẻ, bố đẻ ở Long An và gần đây nhất là vụ con trai ra tay sát hại mẹ cùng những người thân trong gia đình ở TP.HCM.
Cũng theo ông Hạ, tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, nhiều vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy với số lượng lớn, quy mô xuyên quốc gia, thủ đoạn và hoạt động hết sức tinh vi.
Ông Hạ đưa số liệu chỉ trong quý I/2019 mà số vụ ma túy phá được lên tới hơn 6.500 vụ (lớn hơn cả năm 2018), trong đó có những vụ án lớn như vị triệt phá tập đoàn ma túy thu hơn 1 tấn ma túy ở TP.HCM, vụ cả tấn ma túy đá bị vứt bên lề đường ở Nghệ An. Tính riêng tháng 4/2019, hơn 6 tấn ma túy đã bị phát hiện, bắt giữ.
Ông Hạ đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn và có cam kết trước cử tri về việc đẩy lùi vấn nạn này. Đồng thời đề nghị Quốc hội cần tổ chức hoạt động giám sát về công tác phòng chống ma túy trong giai đoạn hiện nay.
Phạm Toàn
Xem thêm:
Từ khóa ĐBQH Nguyễn Quốc Hận tham nhũng