Hồ tích nước hơn trăm tỷ đồng khởi công đã chục năm nhưng vẫn chưa có nước
- Minh Long
- •
Hồ Soài Chek và hồ Ô Thum (tỉnh An Giang) được đầu tư hơn 100 tỷ đồng để tích trữ nước, khởi công tới nay đã chục năm nhưng hiện vẫn còn ngổn ngang.
Hồ Soài Chek (thuộc ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) là công trình thủy lợi cấp 4, diện tích 50,9ha, tổng mức đầu tư hơn 119 tỷ đồng, có dung tích 293.000m3.
Dự án thuộc chương trình Ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), được triển khai xây dựng từ năm 2014, theo dự kiến hoàn thành và bàn giao cho địa phương tháng 6/2016.
Công trình hồ Ô Thum có diện tích 23ha, có dung tích 270.000m3 nước, được triển khai từ năm 2014 và đưa vào khai thác 2016.
Tổng kinh phí xây dựng các hạng mục của hai hồ tích trữ nước này là hơn 100 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách.
Sau khi ngân sách đầu tư các hạng mục như đường vào hồ, bờ kè để tích trữ nước, đến năm 2018, UBND tỉnh An Giang tiếp tục phê duyệt thêm hạng mục “Dự án nạo vét, nâng cấp sức chứa hồ Soài Chek và hồ Ô Thum” được thực hiện theo hình thức xã hội hóa.
Hạng mục được phê duyệt thêm này, đối với dự án nạo vét, nâng cấp sức chứa hồ Soài Chek có tổng mức đầu tư 13,2 tỷ đồng và hồ Ô Thum là 13,5 tỷ đồng, mục tiêu hoàn thành vào năm 2020.
Tuy nhiên, đến nay, dự án nạo vét, nâng cấp sức chứa của 2 công trình hồ Soài Chek và hồ Ô Thum vẫn đang tạm dừng và chưa biết đến khi nào mới đưa vào hoạt động để có nước phục vụ người dân và sản xuất nông nghiệp.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, việc triển khai dự án xây dựng hồ Soài Chek có ảnh hưởng đến việc sản xuất, canh tác 320 ha xung quanh khu vực; đối với hồ Ô Thum ảnh hưởng 400 ha đất xung quanh hồ.
Nhà thầu chỉ chú tâm khai thác cát và cao lanh
Dự án nạo vét, nâng cấp sức chứa Soài Chek được giao cho đơn vị thi công là Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Hải Đến thực hiện.
Quy mô khu vực nạo vét, thu hồi khoáng sản gồm 2 vùng (vùng I, II) với tổng diện tích 22,40ha. Tổng khối lượng khoáng sản thu hồi là 400.283m3, công suất được phép thu hồi 220.000m3/năm, độ cao được phép nạo vét thu hồi, khoáng sản là vùng I nạo vét đến +17,5m và vùng II nạo vét đến +16,5m.
Dự án nạo vét, nâng cấp sức chứa hồ Ô Thum được giao cho đơn vị thi công là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Khai thác khoáng sản An Bình thực hiện.
Quy mô khu vực nạo vét, thu hồi khoáng sản gồm 3 vùng (vùng I, II, III) với tổng diện tích 10,887ha. Tổng khối lượng khoáng sản thu hồi là 371.962m3. Trong đó khối lượng cát thu hồi là 260.373m3, khối lượng đất thu hồi là 111.589m3. Công suất được phép thu hồi là 200.000m3/năm. Độ cao được phép nạo vét thu hồi, khoáng sản là vùng I nạo vét đến +19,5m; vùng II và III nạo vét đến +18,5m.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, 2 doanh nghiệp trên tập trung vào việc khai thác khoáng sản (cát và cao lanh) để kinh doanh, dẫn đến tiến độ dự án bị chậm nhiều năm so với kế hoạch đề ra. Trong năm 2020, doanh nghiệp 2 lần xin gia hạn từ chính quyền tỉnh An Giang để hoàn thành dự án, nhưng vẫn tiếp tục bị chậm tiến độ.
Tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng nạo vét Hồ Ô Thum là 300.000m3 (tiến độ nạo vét so với khối lượng được cấp phép đạt 81%); khối lượng nạo vét hồ Soài Chek là 220.480m3 (tiến độ nạo vét so với khối lượng được cấp phép đạt 56%).
Trước việc doanh nghiệp nhiều lần xin gia hạn nhưng vẫn chậm tiến độ dự án, năm 2023 chính quyền tỉnh An Giang đã không chấp nhận cho việc doanh nghiệp xin gia hạn thêm, hiện công trình phải tạm ngưng để chờ kết luận từ cơ quan chức năng.
“Việc thực hiện đầu tư nạo vét, nâng sức chứa của 2 hồ Soài Chek và hồ Ô Thum không đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra. Các đơn vị thi công chỉ chú trọng vào việc tận thu vật liệu nạo vét, chưa quan tâm đến việc khắc phục các tồn tại trong quá trình nạo vét. Hiện nay, đối với đề nghị của địa phương tiếp tục vận chuyển vật liệu nạo vét ra khỏi khu vực hồ là không có cơ sở xem xét. Đồng thời, UBND tỉnh thống nhất theo đề nghị của các sở ngành: không cho chủ trương gia hạn thời gian tiếp tục thực hiện nạo vét 2 hồ Soài Chek và hồ Ô Thum”, theo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy tại buổi họp kiểm tra rà soát quá trình thực hiện đầu tư, nạo vét nâng sức chứa hồ Soài Chek và hồ Ô Thum ngày 30/10/2023.
Từ khóa Hồ Soài Chek hồ Ô Thum An Giang hồ chứa nước