Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức cho biết nhiều hóa chất, vật tư tại bệnh viện đang cạn kiệt, có hóa chất chỉ đủ dùng trong 7 ngày nữa. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng thường xuyên thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác…

hoa chat vat tu can kiet hang loat benh vien keu troi
Tọa đàm “Ngành y vượt khó“. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Vấn đề “cấp cứu của cấp cứu”

Sáng ngày 23/2, tại cuộc tọa đàm “Ngành Y vượt khó”, những người đứng đầu các bệnh viện lớn và uy tín nhất trong nước như Việt Đức, Bạch Mai ở Hà Nội hay Chợ Rẫy ở TP.HCM đồng loạt “kêu trời” trước tình hình cạn kiệt hóa chất, vật tư, thiết bị rất cần thiết cho việc khám chữa bệnh.

GS-TS Trần Bình Giang (Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức) cho biết: “Tôi biết rằng, nhiều bệnh viện đã thông báo tới tất cả các khoa phòng, trong vòng 1 tuần nữa, bệnh viện sẽ hết hóa chất xét nghiệm, chỉ thực hiện theo cấp cứu. Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức cũng có thể rơi vào nguy cơ đó. Chính vì vậy, tôi cho rằng, đây là việc “cấp cứu của cấp cứu”, rất mong các cấp lãnh đạo kịp thời tháo gỡ. Chúng ta chỉ còn khoảng 1-2 tuần nữa, nếu không tháo gỡ sớm thì các bệnh viện sẽ không hoạt động được”.

Cũng theo ông Giang, từ năm 2015, bệnh viện này hầu như không có tiền cung cấp từ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động chi không thường xuyên, mua máy móc.

Ngoài ra, nhiều vật tư tiêu hao phục vụ mổ chỉ đủ dùng trong 1 tháng, nhưng hầu hết giấy phép của những sản phẩm này vẫn chưa được gia hạn.

Từ ngày 1/3 tới, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức sẽ phải hạn chế mổ phiên, ưu tiên duy trì mổ cấp cứu.

Trong cuộc tọa đàm, GS-TS Đào Xuân Cơ (Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết bệnh viện hiện đang thiếu trang thiết bị y tế.

Nguyên nhân chính của tình trạng thiếu hụt thuốc men, vật tư y tế là do “sợ sai”. Lãnh đạo các bệnh viện không muốn bị dính đến chuyện đấu thầu, nếu có sai sót thì phải chịu trách nhiệm. Có những chuyện đôi khi hôm nay đúng, ngày mai lại sai, cho nên cứ đùn đẩy, không ai dám mạnh dạn mua sắm.

Sự thận trọng trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế là cần thiết, bởi vì nếu sơ sẩy là “thân bại danh liệt”. Chính vì điều đó, những việc trước đây có thể làm như vay mượn đơn vị cung cấp, nay không ai dám.

Một nguyên nhân khác là quy trình đấu thầu gồm lập dự toán, kế hoạch, thẩm định giá, thực hiện đấu thầu, quá nhiều khâu, kéo dài thời gian. Thực hiện xong một gói thầu phải vài tháng trời thì lấy đâu ra thuốc men, vật tư y tế để phục vụ điều trị, chăm sóc bệnh nhân kịp thời.

Để tháo gỡ, đại diện các cơ sở y tế đều đưa ra yêu cầu, đó là ban hành các quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch, khoa học, để dễ dàng thực hiện đấu thầu, mua sắm.

Bệnh viện Chợ Rẫy phải chuyển bệnh nhân sang những cơ sở khác

Trong một diễn biến liên quan, truyền thông trong nước đưa tin ông Nguyễn Tri Thức (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy) vừa có văn bản trình Bộ Y tế Việt Nam về những khó khăn trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, bảo trì.

Theo văn bản này, hiện không có đủ 3 báo giá đấu thầu mua sắm, bảo trì thiết bị y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác.

Ông Thức nêu từ 1/1/2022 khi Nghị định 98/2021 có hiệu lực thi hành đến nay, việc thu thập đầy đủ các báo giá cũng như tham khảo giá kê khai, công khai trên cổng thông tin gặp rất nhiều khó khăn.

“Hầu hết các trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như máy chụp cắt lớp vi tính (CT scanner), máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm doppler màu… đều không có đủ 3 báo giá theo quy định để thực hiện đấu thầu mua sắm mới trang thiết bị y tế cũng như sửa chữa, bảo trì.

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Bệnh viện thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh”.

Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị việc quản lý giá trang thiết bị y tế (bao gồm cả vật tư y tế, hóa chất,…), linh kiện thay thế sửa chữa, bảo trì phải đảm bảo tính công khai khách quan với giá trị thực của thiết bị, công khai giá. Đồng thời khẩn trương cấp mới/cấp lại/gia hạn số lưu hành, giấy phép nhập khẩu được quy định tại Nghị định 98 để nhanh chóng có vật tư y tế, hóa chất phục vụ điều trị người bệnh.

“Về lâu dài cần thiết xây dựng Luật đấu thầu riêng cho ngành y tế hoặc bổ sung chương đấu thầu cho ngành y tế trong Luật Đấu thầu”, ông Thức nêu.

Khánh Vy (t/h)