Hơn 90 cán bộ thuộc Trung ương quản lý bị kỷ luật vì liên quan đến tham nhũng
- Hoàng Minh
- •
Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho hay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
TTCP vừa có báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri về vấn đề tham nhũng gửi sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, TTCP cho biết trong những năm qua việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế.
Theo TTCP, nguyên nhân chủ yếu là do số tiền thu hồi lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc dài, tài sản đã bị tẩu tán, che giấu hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng; vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản, làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án; trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp hình sự còn gặp nhiều khó khăn…
Đối với việc xử lý cán bộ tham nhũng, cán bộ đứng đầu, TTCP cho hay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Năm 2021, toàn ngành thanh tra đã thực hiện 6.809 cuộc thanh tra hành chính và 177.245 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 179.034 tỷ đồng, 9.258 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 22.698 tỷ đồng và 811 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 156.336 tỷ đồng, 8.447 ha đất; ban hành 132.319 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 3.694 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.341 tập thể và 6.244 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 437 vụ, 259 đối tượng.
TTCP cũng cho biết các ngành, các cấp thực hiện giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tập trung kiểm tra tại 10.310 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 251 đơn vị vi phạm; tiến hành 5.463 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 365 vụ vi phạm, 556 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 107,2 tỷ đồng; có 43 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 26 người.
Ban Bí thư kỷ luật 14 cán bộ lãnh đạo của tỉnh Bình Thuận
Ngày 25/3, báo chí nhà nước cho biết đoàn kiểm tra của UBKTTW đã có buổi làm việc với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, đoàn kiểm tra của UBKTTW đã tiến hành công bố các kết luận của UBKTTW (đoàn kiểm tra số 189) về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu sai phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận và một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt thuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận trong hai nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020.
Kết luận kiểm tra của đoàn công tác kiến nghị Ban Bí thư kỷ luật 14 cán bộ cấp cao của tỉnh Bình Thuận, trong đó có các nguyên lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo tỉnh đương nhiệm. Hiện danh tính của những người này chưa được báo chí công bố.
Trước đó, tại kỳ họp ngày 2-4/3, UBKTTW đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2015-2020.
UBKTTW nhận thấy Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Ban cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, thực hiện một số dự án; một số cán bộ, đảng viên trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt của tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Đến hôm 10/2, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 5 bị can, gồm Nguyễn Ngọc Hai (SN 1962 ở Phan Thiết, Bình Thuận), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Lương Văn Hải (SN 1960) nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Hồ Lâm (SN 1960), nguyên Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Thuận; Lê Nguyễn Thanh Danh (SN 1980), nguyên Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Thuận; Ngô Hiếu Toàn (SN 1977), nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận.
Cả 5 bị can đều bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (3 lô đất số 18,19,20), thuộc quỹ đất hai bên đường 706B (nay là đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thông) phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Từ khóa cán bộ bị kỷ luật thanh tra chính phủ