Khảo sát tại TP.HCM: Cây xanh trong trường bị cắt tỉa gây nguy hiểm
- Nguyễn Sơn
- •
Đa số cây xanh trong trường học được khảo sát đang được chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, gây hại cho cây và nguy hiểm cho con người. Theo đó, giải pháp là cần trồng cây, chăm sóc cây đúng cách thay cho cách trồng và chăm sóc cây gây hại, theo Sở Xây dựng TP.HCM.
Việc khảo sát được thực hiện tại 21 trường học ở các quận 1, 3, 4, 5, 10 và Bình Thạnh. 21 trường học có 431 cây xanh, chủ yếu là phượng, bàng, bằng lăng, sọ khỉ (xà cừ), bò cạp nước, dầu, me tây… Đa số cây xanh trong trường do trường tự quản lý, chăm sóc và tự cắt tỉa khoảng 1 lần/năm. Đa số các trường thuê cá nhân, đơn vị thực hiện cắt tỉa, đốn hạ cây xanh khi cần.
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng TP, các cây xanh được cắt tỉa chưa đúng kỹ thuật (nhiều trường hợp cây bị cắt trụi cành nhánh – gây mất mỹ quan và sức sống của cây). Các cành nhánh sẽ mọc nhiều tại chỗ cắt, các cành nhánh này dễ gãy gây nguy hiểm cho học sinh, nhất là đối với các cây cao (sọ khi, me tây…).
Bên cạnh đó, đa số các cây được trồng trong các bồn xây cao (bồn cao khoảng 30-60cm), thường được sử dụng làm chỗ ngồi cho các em học sinh. Một số cây trong bồn gốc cây cao có hệ rễ sẽ bị bó trong bồn, rễ khó mọc lan ra bên ngoài. Trong tự nhiên, cây sẽ trụ vững hơn khi hệ rễ ăn lan rộng trong đất.
Theo đó, các giải pháp được đề nghị là cần trồng cây, chăm sóc cây đúng cách thay cho cách trồng và chăm sóc cây gây hại. Sở Xây dựng TP đề nghị Sở GD-ĐT, Sở Y tế hướng dẫn các quận huyện thực hiện các giải pháp an toàn cây xanh.
Các trường nên ký hợp đồng với các đơn vị có năng lực, có chuyên môn chăm sóc cắt tỉa, đốn hạ đúng kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra, lưu ý các cây bị sâu bệnh, sam, mục thân, rễ cây bị bó trong bồn, bị cắt rễ, khi thực hiện cải tạo sân trường, làm lại bồn gốc cây…
Một số loại cây cần được chú ý theo dõi như các cây phượng có kích thước lớn, cây bị sâu bệnh, cây trồng trên 20 năm, cây trồng trong bồn cao…; theo dõi cây bàng; các cây cao lớn như sọ khỉ (xà cừ), dầu, me tây… cần được kiểm tra thường xuyên, cắt tỉa tán cây và lấy nhánh khô kịp thời.
Sở lưu ý việc trồng bổ sung hoặc thay thế cây xanh đã đốn hạ cần nghiên cứu kỹ đặc tính của chủng loại cây (phù hợp với điều kiện, vị trí dự kiến trồng) để cây phát triển an toàn.
Cây xanh trước khi đem trồng phải còn nguyên hệ rễ chính, thân cây thẳng, tán lá, cây không có biểu hiện sâu bệnh, bị thương. Cây được trồng cần được chống giữ chắc chắn, hố trồng cây rộng, dinh dưỡng đầy đủ; nên kiểm tra, chăm sóc thường xuyên để cây sinh trưởng tốt.
Ngoài ra, tùy vào điều kiện của từng trường, bồn gốc cây nên được xây rộng, độ cao không nên quá 20cm hoặc có thể hạ thấp bằng mặt đất.
Sau sự việc cây phượng bị đổ khiến một học sinh tử vong, 17 học sinh bị thương tại trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM) ngày 26/5, nhiều trường học đã đốn hạ hàng loạt cây xanh trong sân trường, hoặc chặt hết cành lớn của cây, không trồng thêm cây mới…
Nhiều cá nhân trong xã hội, tổ chức phi lợi nhuận đã lên tiếng cho hay giải pháp cực đoan trên không giúp trường học trở nên an toàn hơn mà ngược lại, còn gây tổn thương đến sự phát triển về thể chất và tinh thần cho học sinh, gây tác động tiêu cực đối với môi trường.
Các ý kiến cho hay cây xanh không phải là nguồn gốc gây nguy hiểm, mà con người cần thay đổi cách trồng cây, chăm sóc cây sao cho đúng kỹ thuật, thuận tự nhiên để giữ cây được an toàn.
Từ khóa chặt cây xanh cây xanh trong trường học