Mỗi ngày 52 vụ TNGT, hơn 22 người chết – Ai chịu trách nhiệm?
- Nguyễn Sơn
- •
9 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 14.346 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 6.113 người, bị thương 11.785 người.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương – Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác ATGT 9 tháng đầu năm 2017.
Cụ thể, số vụ tai nạn, số người chết và bị thương đã giảm khoảng 5%. 43 tỉnh, thành phố có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2016.
Mặc dù vậy, bình quân trong 9 tháng qua, mỗi ngày cả nước xảy ra khoảng 52 vụ TNGT, 22 người tử vong, bị thương 43 người. Cứ mỗi giờ trung bình 1 người chết, 2 người bị thương do TNGT.
Trong năm 2016, tổng 8.685 người chết, 19.280 người bị thương trong 21.589 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cả nước. Tính trong 5 năm, 2010 – 2015, Việt Nam xảy ra hơn 158.000 vụ TNGT, làm chết hơn 48.000 người, bị thương hơn 162.000 người. Bình quân mỗi năm hơn 9.600 người chết do TNGT. Tuy nhiên, theo ông Khuất Việt Hùng – Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết vào tháng 9/2017, đó là số liệu được cảnh sát giao thông ghi nhận tại hiện trường. Nếu đúng quy định quốc tế thống kê tử vong sau 30 ngày xảy ra vụ TNGT, thì như năm 2015 theo thống kê của Bộ Y tế có khoảng 15.386 người chết, lớn gấp nhiều lần. |
Cũng theo báo cáo, 15/63 tỉnh có số người chết vì TNGT tăng cao so với cùng kỳ 2016. Trong đó, 8 địa phương có số người chết tăng trên 10%, gồm Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Trị, Cần Thơ, Hải Phòng, Tuyên Quang, Hậu Giang, Lai Châu. Đặc biệt, 2 tỉnh có số người chết tăng trên 40% là Hậu Giang, Lai Châu.
Cà Mau, Cao Bằng, Quảng Ninh giảm trên 35% số người chết do TNGT.
Nói về tình trạng số vụ và số người chết tăng so với cùng kỳ, đại diện chính quyền TP Hải Phòng cho rằng QL 10 và QL 5 đang trong giai đoạn cải tạo, nâng cấp, là nguyên nhân làm tăng TNGT. Cụ thể, thành phố có đến 15.000 đầu xe container nhưng lại chủ yếu lưu thông trên QL 5 cũ, gây TNGT. TP này cho biết sẽ nghiên cứu các phương án để xe container chạy trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng bằng cách giảm giá phí, quản lý chặt chẽ quá tải trọng xe container chạy trên QL 5.
Theo số liệu của lực lượng CSGT, trong 9 tháng, có 150.624 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 728.211 trường hợp không đội mũ bảo hiểm. Tổng cộng 3.454.780 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Đáng chú ý, nhiều vụ TNGT xảy ra liên quan đến xe chở khách, đến “điểm đen”, đường sắt, nơi giao cắt nhau giữa đường bộ và đường sắt…
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết cho biết trong kế hoạch năm ATGT 2017 đã gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, một số nơi còn tình trạng cấp ủy, người đứng đầu chính quyền địa phương, đơn vị chức năng để tồn tại hiện tượng buông lỏng trong quản lý nhà nước và thực thi pháp luật; trên thực tế còn không ít vi phạm, tiêu cực, làm trái quy định, đặc biệt trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý xe ô tô chở khách theo hợp đồng, bến bãi đường bộ, bến thủy nội địa không phép, hành lang giao thông không an toàn, tự mở lối đi qua đường sắt…
Phó Thủ tướng lưu ý Ủy ban ATGT quốc gia sớm hoàn thiện Quy chế về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bảo đảm TTATGT; giao Bộ GTVT tiếp tục hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, xử lý các “điểm đen” điểm tiềm ẩn về mất ATGT trên hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ…
Đối với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, yêu cầu tiếp tục chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự ATGT; trong đào tạo sát hạch, cấp giấp phép lái xe; trong quản lý phương tiện; kiểm soát, chấm dứt xe quá tải hoạt động…
“Để chấn chỉnh việc này, trong thời gian tới cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, nơi nào để xảy ra tai nạn nhiều, người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm“, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nêu ý kiến.
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Từ khóa tai nạn giao thông 2017 nguyên nhân tai nạn giao thông