Học sinh đến từ 5 tỉnh rủi ro cao (high risk) tại Việt Nam gồm: Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Hải Dương bị ĐH Wollongong (Australia) từ chối nhận hồ sơ.

hon 122 000 thi sinh bo nhap hoc dai hoc du trung tuyen
Một trường ĐH Úc dừng nhận học sinh đến từ 5 tỉnh của Việt Nam. (Ảnh minh họa: baochinhphu.vn)

Một số công ty tư vấn du học Việt Nam cho biết đã nhận thông báo từ ĐH Wollongong (ở bang New South Wales, Australia) về việc xét hồ sơ với học sinh Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 15/8 cho đến khi có thông báo mới.

Cụ thể, Đại học Wollongong và Cao đẳng Wollongong không nhận hồ sơ học sinh đến từ 5 tỉnh rủi ro cao (high risk) tại Việt Nam gồm: Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Hải Dương.

Trường này cũng sẽ không cung cấp lộ trình học tiếng Anh kết hợp với khóa học chuyên môn cho sinh viên Việt Nam nói chung, ngoại trừ các bạn đến từ TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.

Trường có thể xét GS ngay trong giai đoạn ứng viên nhận thư mời nhập học có điều kiện, nếu điều kiện đó liên quan đến học thuật, như chờ bảng điểm lớp 12 hay bằng ĐH, để đẩy nhanh tiến trình xét hồ sơ của sinh viên.

Hồi tháng 2/2024, Sở Giáo dục bang Nam Australia cũng thông báo tạm dừng nhận đơn đăng ký của học sinh ở 3 tỉnh gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình vào các trường phổ thông công lập (lớp 1-12).

Nguyên nhân được cho là do nhiều em học sinh thuộc 3 tỉnh này liên tục mất tích. Trong đó, em Sunnie Nguyễn (17 tuổi, quê Quảng Bình) mất tích bí ẩn tại Úc sau bữa ăn tối tại nhà gia đình giám hộ người bản xứ. Em là du học sinh Việt thứ 5 mất tích từ tháng 12/2023. Các em đều học ở Trường trung học Hamilton (TP. Adelaide, bang Nam Úc), mỗi em mất tích vào một thời điểm khác nhau và cảnh sát nhận định không có mối liên hệ nào giữa các trường hợp mất tích.

Theo nhà chức trách, đến nay, không có thông tin hoặc bằng chứng nào cho thấy bốn học sinh gặp nguy hiểm và họ “dường như chủ động lẩn trốn chính quyền”.

Tính đến tháng 10/2023, hơn 31.600 du học sinh Việt ở Australia, xếp thứ 6 về số sinh viên quốc tế, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Colombia và Philippines. Số này bao gồm sinh viên hệ phổ thông, đại học, cao đẳng, các chương trình học nghề hay tiếng Anh.

Khánh Vy (t/h)