Sai phạm rõ ràng, triển lãm thi thể người còn tiếp tục bị bỏ ngỏ?
- Xuân Tường
- •
Sau gần 2 tuần mở cửa, triển lãm thi thể người nhựa hóa “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” (Mystery Of Human Body) bị tạm ngừng do vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ công chúng. Tuy nhiên, hơn 1 tuần trôi qua sau quyết định tạm ngừng triển lãm, vẫn chưa có hướng xử lý đối với vụ việc dù cuộc triển lãm có nhiều sai phạm cả về phương diện đạo đức lẫn pháp luật.
Cục từ chối, Sở thông qua
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 2/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), đề cập tới cuộc triển lãm thi thể người nhựa hóa gây nhiều tranh cãi, bà Trần Thị Thu Đông – Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) cho biết bất cập nằm ở việc thiếu nghị định quản lý triển lãm. Nghị định về triển lãm văn hóa nghệ thuật đang trong giai đoạn soạn thảo, chờ Chính Phủ thông qua. Đây không phải là triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật mà là triển lãm nội tạng và các bộ phận cơ thể người. Do đó, nội dung triển lãm này không thuộc lĩnh vực quản lý của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.
Thực tế, trước khi sự kiện được tổ chức tại TP.HCM, đơn vị đã đến xin tổ chức tại Hà Nội (cụ thể là ở tòa nhà Keangnam), tuy nhiên Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm từ chối cấp phép vì nhận thấy tính phản cảm qua những hình ảnh trong hồ sơ xin cấp phép.
Tuy nhiên, sau khi bị từ chối cấp phép tại Hà Nội, triển lãm này lại được Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) TP.HCM cấp phép tổ chức triển lãm tại TP.HCM.
Trước chất vấn về việc vì sao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (cơ quan quản lý ở trung ương) từ chối cấp phép, song Sở VH-TT TP.HCM (cơ quan quản lý ở địa phương) lại cho phép tổ chức – liệu có sự “vênh nhau” giữa các cơ quan quản lý, đại diện phát ngôn, Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Thái Bình không trả lời trực tiếp, thay vào đó, cho biết cần chờ báo cáo của Sở.
Báo cáo của Sở: Đơn vị tổ chức sai phạm
Ngày 10/7, Phó giám đốc sở VH-TT TP.HCM Võ Trọng Nam cho biết Sở đã gửi văn bản báo cáo Bộ VH-TT&DL về quá trình cấp phép triển lãm theo yêu cầu trước đó từ lãnh đạo Cục.
Ông Nam cho biết trong báo cáo, Sở không phát hiện thêm các sai phạm khác ngoài hai sai phạm mà Sở đã chỉ ra trong thông cáo báo chí công bố tối 6/7 yêu cầu ban tổ chức tạm dừng triển lãm từ ngày 7/7.
Cụ thể, đơn vị tổ chức có hai sai phạm: thứ nhất, thời gian tổ chức triển lãm (từ ngày 21/6 – 31/12/2018) không đúng theo văn bản chấp thuận của Sở VH – TT TP.HCM (từ ngày 1/11/2017 đến 1/9/2018).
Thứ hai, trong hồ sơ xin cấp phép, chất liệu của các mẫu vật trưng bày là nhựa, song thực tế là những mẫu vật cơ thể người thật được xử lý bằng phương pháp nhựa hóa.
Điều đáng bàn là cả hai thông tin về thời gian và mẫu vật là thi thể người thật đều được đại diện truyền thông của đơn vị triển lãm phát đi công khai trong các tin tức giới thiệu, và trong buổi họp báo diễn ra vào ngày 14/6. Khoảng cách từ Nhà Văn hoá Thanh niên TP.HCM đến Sở VH-TT TP.HCM chỉ 1 km, và hơn 20 ngày là khoảng thời gian quá dài để những sai phạm so với hồ sơ cấp phép được nhận ra.
Từ việc Cục từ chối, song Sở thông qua đến việc Sở không hay không biết về những sai phạm rõ rệt của đơn vị triển lãm so với hồ sơ cấp phép, những điều này không thể không khiến dư luận đặt dấu hồ nghi về tính minh bạch của hệ thống quản lý.
Tuy nhiên, sai phạm hồ sơ cấp phép chưa phải là tất cả. Các phân tích cho thấy các đơn vị tổ chức và cấp phép triển lãm đã vi phạm cả về đạo đức lẫn pháp luật Việt Nam.
Vi phạm cả luật, cả đạo đức khi trưng bày nội tạng và cơ thể người
Quyền nhân thân (Personality rights) là một quyền có giá trị phổ quát quan trọng. Mọi nền văn hóa bắt đầu từ hành vi tôn trọng sinh mạng, tôn trọng không gian sinh hoạt và điều kiện sinh tồn của con người.
Hiệu lực của quyền nhân thân có thể tồn tại kể cả sau cái chết của cá nhân, với quyền về thừa kế và hiến tặng, với mức độ khác nhau tùy thuộc vào thẩm quyền và luật pháp của mỗi quốc gia.
Mặc dù đã diễn ra tại một sốnước, việc trưng bày nội tạng và cơ thể người bị nhựa hóa cũng đồng thời bị phản đối mạnh mẽ ở nhiều quốc gia. Tại Pháp, Séc, Israel và một số bang của Mỹ, triển lãm bị cấm. Tại Úc, cuộc triển lãm làm dấy lên làn sóng phản đối từ công chúng, chủ yếu vì vấn đề đạo đức và nguồn gốc thi thể không rõ ràng.
Đối với cuộc triển lãm được cấp phép diễn ra tại Việt Nam, có những dấu hiệu cho thấy các quy định về quyền nhân thân, như quyền quyết định về thân thể và cấm khai thác thương mại đối với bộ phận cơ thể người, thi thể người đang bị vi phạm.
Về quyền quyết định về thân thể, trong luật pháp Việt Nam, Điều 5, Luật Hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”.
Tuy luật Việt Nam chưa có chế định riêng về “Khái niệm người” nhưng khi cụ thể hóa quan hệ pháp luật thì Bộ luật Dân sự 2015 đã xác định khái niệm “con người” dưới góc độ pháp lý: một sinh linh được coi là “con người” với tư cách là chủ thể pháp luật là khi “đã thành thai nhưng chưa sinh ra”.
Như Điều 660 quy định về việc phân chia di sản theo pháp luật: “Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng“.
Tư cách chủ thể này được khẳng định trong nhiều điều khoản khác trong bộ luật, như Khoản 2, Khoản 3 Điều 593; Điều 613; Khoản 2 Điều 646.
Theo đó, việc đặt câu hỏi về nguồn gốc thi thể đối với cuộc triển lãm không phải là sự khắt khe về mặt đạo đức như nhiều người lầm tưởng. Điều này liên quan tới tính công bằng về quyền nhân thân đối với những thi thể đang được trưng bày, khai thác thương mại.
Minh bạch về nguồn gốc thi thể không chỉ là hành vi pháp luật mà đơn vị tổ chức có nghĩa vụ thực hiện. Đó còn là đòi hỏi chính đáng từ phía dư luận, trên tư cách một cộng đồng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc triển lãm, qua việc lan truyền tin tức, hình ảnh qua truyền thông, không kể một bộ phận lớn đã tới tham gia triển lãm, chủ động hay thụ động chịu tác động về mặt tâm lý.
Ngoài ra, tính tự nguyện của người quá cố là điều cần xét tới. Theo luật định, việc “hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác” phải do chính chủ thể đủ 18 tuổi trở nên quyết định. Cuộc triển lãm được cấp phép tổ chức tại TP.HCM diễn ra với rất nhiều mẫu vật là các bào thai, từ vài tuần tuổi đến vài tháng tuổi, cặp thi thể mẹ và thai nhi trong tình trạng đã mở khoang bụng và tử cung của người mẹ… đặt dấu hỏi về về sự vi phạm quyền nhân thân theo pháp luật Việt Nam.
Bởi việc hiến mô, bộ phận cơ thể là một quyền nhân thân quan trọng, việc hiến mô, bộ phận cơ thể phải do chính chủ thể quyết định, không ai được làm thay, kể cả bố mẹ của thai nhi. Do đó, cho dù các thi thể thai nhi đó được cung cấp bởi bất kể phương pháp nào, đó cũng là hành vi vi phạm pháp luật ở Việt Nam.
Về việc cấm khai thác thương mại đối với bộ phận cơ thể người, thi thể người, Luật Hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 đã quy định rõ:
Khoản 3 Điều 4 quy định: “Không nhằm mục đích thương mại” đối với các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.
Khoản 4 Điều 11 xác định: “lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại” là một trong các hành vi bị nghiêm cấm.
Cuộc triển lãm thi thể người nhựa hóa tại TP.HCM được tổ chức với mục tiêu khai thác thương mại, với giá vé 200.000 đồng/lượt, các mức ưu đãi: 180.000 đồng/lượt đối với sinh viên, 160.000 đồng/lượt đối với học sinh, miễn phí đối với trẻ em cao dưới 90 cm.
Vì luật đã quy định rõ về tính bất khả xâm phạm đối với mô, bộ phận cơ thể người và thi thể hiến tặng, việc triển lãm thi thể vì mục tiêu lợi nhuận là hành vi vi phạm pháp luật ở Việt Nam.
Theo đó, việc cấp phép cho đơn vị tổ chức thực hiện triển lãm, khai thác thương mại đối với các các cơ quan nội tạng và cơ thể người là hành vi vi phạm pháp luật.
Mặc dù các mẫu vật được tạm nhập vào Việt Nam từ nước ngoài để phục vụ cho cuộc triển lãm, nhưng những chế định hình sự hoàn toàn phải tuân thủ “nguyên tắc lãnh thổ”. Quyền tài phán của một quốc gia về hình sự là bất khả xâm phạm. Vậy nên, nếu một hành vi bị coi là vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam, xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam thì cơ quan chức năng Việt Nam có trách nhiệm làm rõ và xử lý. Điều này là nhằm bảo vệ tính an toàn cho công dân sở tại. Vì mặc dù việc thu thập, nhựa hóa thi thể người diễn ra tại nước ngoài, nhưng hệ quả tác động xảy ra tại Việt Nam, đối với công dân Việt Nam thì tòa án có quyền tuyên bố việc triển lãm là trái pháp luật và không được diễn ra trong phạm vi lãnh thổ quốc gia.
Việt Nam lựa chọn ra sao?
Năm 2010, Tòa án tối cao Pháp tuyên bố triển lãm thương mại cơ thể người là bất hợp pháp, và đã đóng cửa tất cả các triển lãm kiểu này. Hai năm sau, Tòa án tối cao Israel cũng ra phán quyết tương tự. Tại một số bang của Mỹ như Hawaii, Seattle, các triển lãm này bị cấm. Tại Séc, triển lãm cũng bị cấm.
Mới đây nhất, sau khi một trong những cuộc triển lãm này được tổ chức tại Sydney (Úc), giới trí thức bao gồm các luật sư, học giả, nhà hoạt động đạo đức và nhân quyền thuộc tổ chức Liên minh Thế giới Chống Lạm dụng Cấy ghép tại Trung Quốc (ETAC) đã gửi thư ngỏ tới Chính phủ yêu cầu đóng cửa triển lãm. Giáo sư Vaughan Macefield (ĐH Western Sydney), một trong những người ký tên phản đối, bày tỏ lo ngại về nguồn gốc hợp pháp của những cơ thể người. Ông cho hay những cơ thể hiến tặng từ các trường y khoa thường là của người già, trong khi đó những xác người được trưng bày dường như là người trẻ. Tại Úc, việc sử dụng tử thi không rõ danh tính là bất hợp pháp.
Đầu năm 2017, New York Times dẫn tin cho hay Jan Cizinsky – trưởng quận Praha 7 (Cộng hòa Séc) đã yêu cầu chôn cất khoảng 50 đến 100 thi thể và một số bộ phận thi thể người từ triển lãm thi thể người nhựa hóa tại nghĩa trang thành phố. Đó là trách nhiệm của mỗi người theo luật pháp Cộng hòa Séc – ông Cizinsky nói.
“Những mẫu vật tại triển lãm là cơ thể người thật. Trước đây, họ cũng từng sống, có gia đình và có câu chuyện cuộc đời riêng. Chúng ta không biết họ là ai và liệu họ có muốn trưng bày cơ thể mình công khai như vậy” – Stano Župa, phát ngôn của Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo bảo thủ (KDH) của Slovakia cho hay.
“Với công nghệ hiện đại, kỹ thuật in 3D thời nay, chúng ta hoàn toàn có thể có những hình ảnh chân thực và chi tiết về cơ thể con người, thay vì lạm dụng thi thể người đã chết” – ông Stano nói.
Trở lại với hệ quy chiếu đạo đức và pháp luật Việt Nam, việc nhựa hóa và trưng bày nội tạng và thi thể người vì mục đích thương mại không chỉ phạm luật mà còn vi phạm quyền con người cơ bản, dẫn xã hội đi lệch chuẩn mực đạo đức và xúc phạm sự kính ngưỡng đối với vong linh.
Dù các triển lãm thi thể người nhựa hóa đã được bắt đầu từ giữa những năm 1990 và ngày càng bị đưa tới nhiều quốc gia, điều đó không có nghĩa đây là hành vi đúng đắn. Thực tế, sự phản đối đang ngày càng lan rộng tại nhiều quốc gia, với những phán quyết độc lập song cùng đi tới một kết luận rằng cuộc triển lãm cần phải bị cấm nhằm bảo toàn những giá trị đạo đức đúng đắn và tính thượng tôn pháp luật, đã và đang định ra một phán quyết chung đối với hình thức kiếm lợi biến dị này.
Phải chăng vì đi ngược lại các giá trị đạo đức và pháp luật, nên cuộc triển lãm thi thể người nhựa hóa mới bị từ chối tại Hà Nội, và tiếp tục bị chỉ ra các sai phạm dù đã được cấp phép và diễn ra 2 tuần tại TP.HCM? Việc tạm ngừng triển lãm mới chỉ là giải pháp bước đầu. Sự việc càng không nên tiếp tục để ngỏ khi các sai phạm đã được các cơ quan chức năng chỉ ra và triển lãm bị nhiều chuyên gia trong ngành luật, y học cùng lúc bày tỏ quan điểm về tính phản cảm, đi ngược lại các giá trị đạo đức, và luật định.
Với làn sóng phản đối mà triển lãm này gây ra trên phạm vi toàn cầu, việc các cơ quan chức năng của Việt Nam đưa ra ứng xử ra sao sẽ không chỉ là việc khu biệt trong phạm vi một quốc gia mà còn định nên sự nhìn nhận của dư luận quốc tế đối với Việt Nam.
Xuân Tường
Xem thêm:
Từ khóa vi phạm pháp luật đạo đức xã hội nhựa hóa cơ thể người đóng cửa triển lãm thi thể người