Số ca mắc mới tăng, Việt Nam đẩy nhanh tiêm vắc-xin COVID-19 với người lớn, trẻ em
- Nguyễn Quân
- •
Trong 7 ngày qua (từ ngày 29/10-4/11), 44,6% số ca COVID-19 mắc mới là ca cộng đồng; 142 xã, phường công bố chuyển sang vùng “cam, đỏ”. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin COVID-19 cho người trên 18 tuổi và trẻ em từ 12-17 tuổi.
40.490 ca COVID-19 mắc mới trong 7 ngày
Tại cuộc họp trực tuyến chiều 5/11, Bộ Y tế cho biết trong 7 ngày qua (từ ngày 29/10-4/11), Việt Nam ghi nhận 40.490 ca COVID-19 mắc mới, tăng 12.632 ca so với 7 ngày trước, bình quân 5.784 ca/ngày.
Trong đó, có 18.073 ca mắc trong cộng đồng, chiếm 44,6% tổng số ca mắc mới và tăng 6.324 ca so với 7 ngày trước.
Theo cách phân vùng dịch (cấp độ 1 – tương ứng màu xanh, bình thường mới; cấp độ 2 – vàng, nguy cơ trung bình; cấp độ 3 – cam, nguy cơ cao; cấp độ 4 – đỏ – nguy cơ rất cao) áp dụng theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, trên tổng thể cả nước, tính đến ngày 17h ngày 4/11, 7.161 xã, phường của Việt Nam công bố ở cấp độ 1 (67,5%); 3.087 xã, phường cấp độ 2 (29,1%); 247 xã, phường cấp độ 3 (2,3%); 106 xã, phường cấp độ 4 (1%).
Tuy nhiên, về diễn biến chuyển vùng, trong vòng 1 tuần qua, số vùng xanh vàng giảm, vùng cam, đỏ tăng.
Cụ thể, 142 xã, phường cấp độ 1, 2 (tức vùng xanh, vàng) chuyển sang cấp độ 3, 4 (tức vùng cam, đỏ). Trong đó, giảm 103 xã, phường cấp độ 1; giảm 39 xã, phường cấp độ 2; tăng 102 xã, phường cấp độ 3; tăng 39 xã, phường cấp độ 4.
Số xã, phường tăng cấp độ 4 xảy ra ở 4 khu vực trên phạm vi cả nước, tuy nhiên, truyền thông Nhà nước không nêu rõ 4 khu vực nêu trên.
Trong cuộc họp vào tối muộn cùng ngày giữa Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ với các Bộ, Văn phòng Chính phủ… do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, 8 tỉnh gồm Cần Thơ, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Tiền Giang, Đắk Lắk, Gia Lai cho hay tại đây số ca đang tăng nhanh, trong đó Cần Thơ (440 ca/ngày), Bạc Liêu (414 ca/ngày), An Giang (355 ca/ngày)…
Nguyên nhân số ca mắc tăng cao chủ yếu do người trở về từ các vùng có dịch (2% tổng số người trở về các địa phương); các địa phương nới lỏng giãn cách để phát triển kinh tế – xã hội; lượng người dân di chuyển lớn với tâm lý chủ quan; một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất trở lại nhưng vẫn chưa thực hiện đầy đủ hướng dẫn của Bộ Y tế…
Trước tình hình dịch trên, Sóc Trăng cho hay chủ trương sàng lọc, xét nghiệm nhanh trong cộng đồng, đặc biệt ở khu vực nguy cơ cao; từ đó, phong tỏa hẹp để tiếp tục sàng lọc để kiểm soát dịch bệnh trên quy mô xã, huyện; An Giang thì tăng cường thành lập Bộ phận phản ứng nhanh tại xóm/ấp/khu dân cư để phát hiện nhanh, quản lý từng hộ dân để truy vết, khoanh vùng… Tỉnh cho hay đang thí điểm điều trị F0 tại nhà có Kiên Giang, Tiền Giang.
Tại cuộc họp này, nói về những vướng mắc, bất cập khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, Quyết định 4800 của Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng “quán triệt” nguyên tắc “các quy định của Nghị quyết 128 được áp dụng thống nhất trên toàn quốc”, nhưng các địa phương cũng có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể để bổ sung nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân”.
“Có thể, tình hình dịch trên toàn tỉnh ở cấp độ 2 nhưng nhiều huyện lại ở cấp độ 1. Tương tự, linh hoạt đánh giá cấp độ dịch các xã, phường để có biện pháp ứng phó phù hợp, bám sát tình hình thực tế”, ông Tuyên nói.
Đã tiêm hơn 800.000 liều vắc-xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi
Theo thông tin công bố tại cuộc họp chiều 5/11, Việt Nam đã tiêm 86.438.153 liều vắc-xin COVID-19, trong đó, 32,5 triệu người đã tiêm 1 mũi và 26,9 triệu người tiêm 2 mũi.
Trong tuần từ ngày 27/10-3/11), 7,6 triệu liều vắc-xin đã được đưa vào tiêm đại trà. Tuy số lượng giảm khoảng 300.000 liều so với tuần trước đó nhưng số mũi tiêm trung bình vẫn ở mức gần 1,1 triệu liều/ngày.
Những tỉnh thành đã và đang tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi là TP.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Ninh Bình… Hơn 800.000 liều vắc-xin đã được đưa vào tiêm cho trẻ em trong nhóm tuổi này.
Hiện tỷ lệ tiêm 1 mũi vắc-xin tại Việt Nam là 81,2% và tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc-xin là 37,3% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Bộ Y tế: Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin COVID-19
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các địa phương thực hiện Công điện 1700 ngày 25/10, tiếp tục rà soát tất cả người đi về từ các tỉnh, thành phố có số mắc cao (như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…); giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những điểm có người về từ các tỉnh thành trên và các vùng dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh; xử lý nhanh chóng các ổ dịch COVID-19…
Ngoài ra, các tỉnh thành cần phê duyệt phương án phòng chống dịch để doanh nghiệp đảm bảo sản xuất, trong đó lưu ý hướng dẫn việc xét nghiệm của công nhân theo tiêu chí “phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí”.
Ông Tuyên đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên (sẽ tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên), tăng tốc nhập dữ liệu tiêm chủng. Ngoài ra, các tỉnh thành sẽ triển khai tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian; tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi.
“Trong tiêm chủng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh để lẫn các loại vaccine, phải tuân thủ “3 tra, 5 chiếu”‘, ông Tuyên nói, giữa bối cảnh sự việc “tiêm nhầm vắc-xin COVID-19 cho 18 trẻ tại Hà Nội” đang được Bộ này yêu cầu xác minh nguyên nhân và người có trách nhiệm liên quan.
Việt Nam sẽ tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 3 tuổi, lên kế hoạch tiêm mũi 3, 4Ngày 1/11, truyền thông Nhà nước công bố Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP đưa ra nhu cầu và kế hoạch tiêm vắc-xin COVID-19 trong cộng đồng, trong đó có kế hoạch tiêm mũi 3, 4 với người đã tiêm đủ liều, tiêm cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên. Cụ thể, các tỉnh, TP đẩy nhanh tiêm vắc-xin mũi 1 và bao phủ vắc-xin cho người từ 50 tuổi trở lên; rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo các nhóm tuổi: 3-11 tuổi, 12-15 tuổi, 16-17 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng vắc-xin cho những nhóm tuổi này. Ngoài ra, các tỉnh thành sẽ xây dựng kế hoạch sử dụng vắc-xin COVID-19 năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn, trong đó bao gồm việc tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 cho người đã tiêm đủ liều. Những kế hoạch trên sẽ là cơ sở cho việc phân bổ vắc-xin trong tháng 11 và 12/2021 và xây dựng kế hoạch tiêm chủng năm 2022. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Trương Quốc Cường bị đề nghị kỷ luật
Từ khóa tiêm vắc-xin cho trẻ em Nghị quyết 128 virus vũ hán ca nhiễm cộng đồng