Tất cả các tỉnh, thành phải hủy bắn pháo hoa đêm giao thừa
- Sơn Nguyên
- •
Sau khi dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bùng phát bất thường tại TP.HCM, chiều 8/2, Chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh nhiều hoạt động trên toàn quốc, trong đó có việc hạn chế tối đa tập trung đông người trong dịp Tết và yêu cầu các tỉnh chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết cho các tình huống xấu nhất.
Thông báo 26/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ mới đây cụ thể hóa các kết luận do ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại cuộc họp vào chiều 8/2.
Trong đó, đại diện Chính phủ yêu cầu tất cả các Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng yêu cầu thực hiện nguyên tắc 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế), trước hết là đeo khẩu trang, không tụ tập đông người; các trường hợp vi phạm bị xử lý nghiêm.
Chính quyền các tỉnh, thành được yêu cầu hạn chế đến mức tối đa việc tập trung nhiều người tại lễ tang, lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tiệc mừng cuối năm, đám cưới; dừng bắn pháo hoa nhân dịp năm mới.
Ngoài ra, khuyến cáo người dân hạn chế tối đa việc đi lại trong dịp Tết Nguyên đán; vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, công nhân viên tổ chức làm việc trong dịp Tết, sinh hoạt tại chỗ…
Chính quyền các tỉnh, thành cần rà soát, chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết (nhân lực, vật tư, sinh phẩm, công cụ, phương tiện, kể cả bệnh viện dã chiến), sẵn sàng cho các tình huống dịch bệnh, kể cả tình huống xấu nhất có thể xảy ra; hỗ trợ các lực lượng trực tiếp phòng ngừa dịch, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.
Các đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng được chủ động quyết định các biện pháp phòng ngừa dịch; chuẩn bị kỹ lưỡng theo các kịch bản có thể xảy ra, sẵn sàng cho tình huống có đông người mắc bệnh.
Các Bộ liên quan và UBND các địa phương được yêu cầu chỉ đạo sản xuất, cung ứng, không để xảy ra thiếu, khan hiếm các loại vật tư, sinh phẩm phòng, chống dịch và các loại hàng hóa phục vụ nhân dân.
Hà Nội và TP.HCM được yêu cầu chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa cần thiết bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân trong bối cảnh có dịch bệnh.
Thời gian cách ly tập trung rút xuống 14 ngày, thay cho 21 ngày như đã áp dụng kể từ khi dịch bùng phát từ hôm 28/1. Vào hôm 5/2, Bộ Y tế cho biết theo các kết quả nghiên cứu, tuy chủng virus mới có hệ số lây cao hơn, thời gian khởi phát nhanh hơn nhưng thời gian ủ bệnh của tất cả các biến thể của virus nCoV đều vào khoảng từ 14 ngày nên đề nghị điều chỉnh thời gian cách ly.
Về phía TP.HCM, trong cuộc họp sáng 9/2, chính quyền TP.HCM nhận định tình hình dịch bệnh hiện đang diễn biến phức tạp vì chưa xác định được nguồn lây nhiễm cũng như thời điểm khởi đầu, trong đó có khoảng 80% ca bệnh không có triệu chứng, do đó có thể còn lây nhiễm ra cộng đồng trong thời gian tới.
Kể từ 12h ngày 9/2 cho tới khi có thông báo mới, toàn TP thực hiện giãn cách xã hội, cụ thể, tạm dừng toàn bộ các dịch vụ không thiết yếu (rạp phim, karaoke, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu…); dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được khuyến cáo tăng hình thức giao hàng, không phục vụ quá 30 người trở lên cùng một lúc, chỗ ngồi giữa 2 người phải từ 1m trở lên; mọi người phải đeo khẩu trang nơi công cộng; các hoạt động du xuân bị hạn chế về quy mô và mật độ người; người đi du xuân tháo khẩu trang để chụp ảnh cũng bị phạt.
Các hoạt động thiết yếu (cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, xăng dầu, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh) vẫn được hoạt động nhưng cần tuân theo các quy định về ngừa bệnh.
Sơn Nguyên
Xem thêm:
Dịch COVID-19 bùng phát bất thường, TP.HCM chính thức giãn cách xã hội toàn TP
Từ khóa Dòng sự kiện hủy bắn pháo hoa COVID-19 TP.HCM