TGĐ Công ty CP Sữa Hà Lan nói gì về 29.400 hộp sữa kém chất lượng?
- Sơn Nguyên
- •
Công ty Cổ phần (CP) Sữa Hà Lan – thương hiệu sữa được giới thiệu dành cho trẻ em mọi lứa tuổi và người cần bổ sung dinh dưỡng (người gầy, phụ nữ mang thai và cho con bú) bị phát hiện không lưu mẫu sản phẩm, không có phòng thí nghiệm riêng, không gửi sản phẩm kiểm nghiệm định kỳ. Trong 29.400 hộp sữa kém chất lượng bị phát hiện, hơn 2.000 hộp đã được bán ra hiện vẫn chưa thể thu hồi.
Ngày 19/12, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05, Bộ Công an) xác nhận đơn vị này vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” xảy ra tại Công ty CP Sữa Hà Lan (địa chỉ tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) và các chi nhánh, kho hàng trực thuộc.
Công ty CP Sữa Hà Lan do ông Nguyễn Trung Vương (SN 1983, trú tại phường Cổ Nhuế, TP. Hà Nội) làm Tổng giám đốc và là người đại diện pháp luật.
Theo cơ quan chức năng, sau khi xây dựng Nhà máy Holland Milk (địa chỉ tại Km39 Quốc lộ 18, phường Cộng Hòa, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương), Công ty CP Sữa Hà Lan đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và được cấp hồ sơ công bố sản phẩm.
Trên website halanmilk.com, Halan Milk được giới thiệu là “thương hiệu sữa tiêu chuẩn quốc tế của Công ty Cổ phần sữa Hà Lan – công ty chuyên sản xuất các sản phẩm sữa chất lượng cao cho thị trường Việt Nam”.
Vẫn theo lời giới thiệu, thương hiệu sữa Halan Milk dành cho trẻ em mọi lứa tuổi và người cần bổ sung dinh dưỡng. Sản phẩm sữa Halan Milk bao gồm các dòng chính như: sữa bột cho trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, chậm tăng cân; sữa bột cho trẻ phát triển chiều cao và trí não; sữa bột cho người cần bổ sung canxi; sữa bột dành cho người gầy, người muốn tăng cân; sữa bột cho bà mẹ mang thai và cho con bú; bột dinh dưỡng ăn dặm; thức ăn đóng lọ; nước trái cây’ váng sữa… “Các sản phẩm dinh dưỡng Halan Milk đáp ứng đầy đủ các nhu cầu dinh dưỡng RNI được đề nghị bởi WHO/FAO” – công ty này khẳng định.
Theo tin do phía công an công bố, sau khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), ngày 24 và 25/8, Phòng 6 C05 đồng loạt kiểm tra 4 địa điểm gồm: trụ sở, chi nhánh, kho hàng trực thuộc của Công ty CP Sữa Hà Lan.
Kết quả kiểm nghiệm xác định 65/67 lô hàng chỉ đạt chỉ tiêu dưới 70% so với công bố và ghi trên nhãn hộp, tương đương với số lượng 29.400 hộp sữa đã vi phạm tiêu chuẩn công bố. Tổng giá trị số hàng theo hóa đơn xuất bán là 4,1 tỷ đồng, tương đương mức giá bán bình quân khoảng trên 150.000 đồng/hộp.
Đoàn kiểm tra tạm giữ 25.667 hộp sản phẩm để xử lý; 2.011 hộp đã bán ra thị trường với trị giá khoảng 320 triệu đồng hiện vẫn chưa thu hồi được. Số hàng này được bán qua nhiều kênh, trong đó có các kênh bán hàng thông qua các tổ chức công đoàn, các hội thảo giới thiệu sản phẩm, qua các trang mạng xã hội…
Hiện cơ quan công an chưa công bố các hộp sản phẩm vi phạm tiêu chuẩn thuộc các dòng sản phẩm nào của Công ty CP Sữa Hà Lan.
C05 cho biết ông Vương khai nhận các sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng chỉ đạt dưới 70% so với tiêu chuẩn công bố và ghi trên nhãn hộp là do sai sót trong khâu sản xuất.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy Công ty CP Sữa Hà Lan không lưu mẫu sản phẩm, không có phòng thí nghiệm riêng, không gửi sản phẩm kiểm nghiệm định kỳ.
Ông Vương là người quyết định lựa chọn nguyên liệu, nhà cung cấp, số lượng, chủng loại và thanh toán kinh phí, đồng thời cũng là người tự đưa ra công thức phối trộn, thay đổi thành phần, thêm bớt tỷ lệ các loại nguyên liệu so với hồ sơ công bố và chỉ đạo nhân viên thực hiện theo công thức đã có sẵn.
Theo C05, ông Vương là người có trình độ đại học dược, nhận thức rõ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm có chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% so với mức công bố sẽ làm cho sản phẩm không còn tính năng, tác dụng, công dụng như hồ sơ công bố, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, nhất là nhóm đối tượng trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi và người cao tuổi có bệnh lý nền, sản phẩm kém chất lượng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Ông Vương biết rõ việc này là vi phạm pháp luật nhưng vẫn làm để tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, thu lợi nhuận cao.
Ngoài trực tiếp điều hành mọi hoạt động của Công ty CP sữa Hà Lan, ông Vương cũng đứng sau 3 công ty khác do ông này nhờ người đứng tên gồm: Công ty CP dinh dưỡng Hoa Kỳ HD; Công ty CP sữa Y tế – Nhà máy Laxdomax; Công ty CP sữa Y tế – Nhà máy Medical Milk.
Đối với các đơn vị gia công tại Nhà máy Holland Milk gồm 4 công ty – Công ty CP dược phẩm Fukuoka; Công ty CP tập đoàn Panda Việt Nam, Công ty CP Nutriday Việt Nam và Công ty CP tập đoàn dinh dưỡng 24h Việt Nam, ông Vương có tham gia cổ phần nhưng chỉ chịu trách nhiệm khâu sản xuất, còn việc kinh doanh do các công ty trên độc lập thực hiện.
Hiện ngoài việc khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Công ty CP sữa Hà Lan, Cục Cảnh sát môi trường ra quyết định xử phạt hành chính 985 triệu đồng đối với 8 công ty liên quan về các hành vi vi phạm pháp luật vềATTP.
Sản phẩm sữa non, sữa dinh dưỡng thực vật bị làm giả kết quả kiểm nghiệmNgoài những dấu hiệu sai phạm của Tổng giám đốc Công ty CP sữa Hà Lan, nhân viên Đỗ Minh Thu (Công ty CP Sữa Hà Lan) bị phát hiện đã tự ý cắt ghép 2 phiếu kết quả kiểm nghiệm rồi đem xác nhận sao y bản chính để làm hồ sơ công bố cho dòng sản phẩm The Beautiful Life sữa non và dòng sản phẩm dinh dưỡng y học sữa thực vật Enzym Milk Oganic để được phép lưu thông ra thị trường. Tổng số sản phẩm đã sản xuất của 2 dòng sản phẩm trên kể từ khi được cấp hồ sơ công bố là hơn 6.000 hộp, có giá trị là gần hơn 600 triệu đồng. |
Sơn Nguyên
Từ khóa Công ty CP Sữa Hà Lan sữa kém chất lượng