Theo Thanh tra Chính phủ, các dự án điện gió được UBND tỉnh Gia Lai cấp chủ trương đầu tư nhưng không thẩm định năng lực tài chính, các công ty sử dụng lao động nước ngoài không báo cáo cơ quan chức năng.

bo cong an yeu cau cung cap ho so lien quan den 4 nha may dien gio tai gia lai
Theo Thanh tra Chính phủ, các dự án điện gió được UBND tỉnh Gia Lai cấp chủ trương đầu tư nhưng không thẩm định năng lực tài chính, các công ty sử dụng lao động nước ngoài không báo cáo cơ quan chức năng. (Ảnh: baogialai.com.vn)

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa có công văn yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp thông tin, tài liệu về 4 nhà máy điện gió tại Gia Lai để phục vụ điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công thương và các tỉnh, thành phố.

Theo đó, tại Công văn số 2240/YC-ANDT-P3 của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp thông tin, tài liệu về 32 nhà máy điện gió, điện mặt trời tại các tỉnh, thành phố để phục vụ công tác điều tra vụ án.

Trong số 32 nhà máy bị điều tra, tại tỉnh Gia Lai có 4 nhà máy gồm: Nhà máy điện gió Hưng Hải (huyện Kông Chro), Nhà máy điện gió Cửu An (thị xã An Khê), Nhà máy điện gió Ia Le 1 (huyện Chư Pưh) và Nhà máy điện gió Ia Bang 1 (huyện Chư Prông).

Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Để phục vụ quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp toàn bộ hồ sơ đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện; hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu, công nhận ngày vận hành thương mại; hồ sơ kiểm định, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất hệ thống đo đếm điện năng và kiểm tra công suất lắp đặt thực tế tại các nhà máy điện trên.

Nhiều sai phạm tại các dự án điện gió ở Gia Lai

Theo Thanh tra Chính phủ, 5 dự án điện gió ở Gia Lai có tổng mức đầu tư hơn 20.300 tỷ đồng.

Các dự án điện gió được UBND tỉnh Gia Lai cấp chủ trương đầu tư nhưng không thẩm định năng lực tài chính, các công ty sử dụng lao động nước ngoài không báo cáo cơ quan chức năng.

Đối với dự án nhà máy điện gió Phát triển Miền núi do Công ty Cổ Phần Điện gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư (Công ty điện gió 1 – mức đầu tư 1.916 tỷ đồng) và dự án nhà máy điện gió Chế biến Tây nguyên do Công ty Cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư (Công ty điện gió 2 – mức đầu tư 1.917 tỷ đồng), được thực hiện tại huyện Chư Prông.

Cả 2 dự án điện gió 1 và 2 này thành lập vào tháng 4/2020 có trụ sở tại 18 Hùng Vương, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai; đều đăng ký vốn điều lệ là 25 tỷ đồng, cổ đông chi phối là bà Nguyễn Thị Sen – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần chè Bầu Cạn.

Hai dự án được Sở Kế hoạch – Đầu tư và các sở ngành không thẩm định năng lực tài chính mà tham mưu UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư (vào tháng 7/2020) trong khi chủ đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính. Do đó, sau khi được cấp chủ trương đầu tư, trong vòng 1 tháng, khi chưa hoàn thành thủ tục đất đai, chưa đầu tư (tháng 8/2020) đã bắt đầu chuyển nhượng cổ phần, đến ngày 6/11/2021 đã bán 99,7% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Điều đáng nói, hai dự án này được UBND tỉnh Gia Lai “ưu ái” điều chỉnh bổ sung phần diện tích đất tại xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông là không đúng vị trí được phê duyệt bổ sung quy hoạch theo văn bản của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, 2 dự án chậm tiến độ, hết thời hạn đầu tư (Công ty điện gió 1 mới hoàn thành thi công lắp đặt 10/15 turbine và Công ty điện gió 2 mới hoàn thành lắp đặt 02/15 turbine), nhưng cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, không tham mưu thu hồi tiền ký quỹ với số tiền hơn 16 tỷ đồng.

Ngoài ra, hai dự án còn xây dựng khi chưa được bàn giao đất ngoài thực địa, chưa thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công là vi phạm Luật Xây dựng năm 2014.

Dự án Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai (Công ty Hưng Hải) do Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển phong điện Gia Lai làm chủ đầu tư được xây dựng tại huyện Kông Chro, có nguồn vốn hơn 3.700 tỷ đồng. Điều đáng nói, dự án không nằm trên các xã Yang Bắc, xã An Thành, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ, nhưng các sở ngành tham mưu UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư bổ sung phần diện tích các xã trên mà không xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, để một phần dự án xây trên đất không có quy hoạch năng lượng. Ngoài ra, có hơn 26 ha đất không có xác nhận thuê đất nhưng chủ đầu tư vẫn triển khai xây dựng là vi phạm Luật Đất đai 2013.

Chủ đầu tư khởi công xây dựng khi chưa được UBND tỉnh cho thuê đất (là hành vi chiếm đất bị nghiêm cấm), chưa được bàn giao đất ngoài thực địa, chưa phê duyệt thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công và không thực hiện lập kế hoạch bảo vệ môi trường trước khi thực hiện dự án nhưng cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng vi phạm Luật Đất đai 2013, Luật Xây dựng năm 2014, Luật bảo vệ môi trường 2014 và Luật Đầu tư năm 2020.

Thanh tra Chính phủ kết luận, trách nhiệm của các vi phạm trên thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Lao động, Thương binh và xã hội; Chủ tịch và Phó Chủ tịch các huyện Chư Prông, Kông Chro.

Hồi tháng 5, UBND tỉnh Đắk Nông có văn bản hỏa tốc chỉ đạo sở, ngành liên quan chuẩn bị hồ sơ các dự án điện gió để cung cấp theo yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ một số sai phạm trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với một số dự án nhà máy điện gió tại tỉnh này.

Các sai phạm tập trung vào việc cho thuê đất trên đất quy hoạch khoáng sản; việc khởi công, nghiệm thu và vận hành thương mại các dự án nhà máy điện gió trên tỉnh Đắk Nông.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu để xem xét, điều tra liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư 5 dự án điện gió (trừ Dự án điện gió Asia Đắk Song 1 do chưa xây dựng) chồng lấn trên đất quy hoạch.

Trong số 6 dự án điện gió tại Đắk Nông, chỉ có Dự án điện gió Đắk Hòa, công suất 50MW đã đưa vào vận hành thương mại từ tháng 11/2021.

Năm 2023, Dự án điện gió Đắk Hòa phát được khoảng 153,7 triệu kWh vào hệ thống điện quốc gia, đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 27 tỷ đồng.

Phạm Toàn