‘Ngân hàng Nhà nước khuyến khích người dân không nắm giữ vàng’
- Minh Long
- •
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng khi người dân nắm giữ vàng thì số tiền đó không sử dụng được, nếu chuyển ra VND sẽ có cơ hội để kinh doanh, đầu tư vào các lĩnh vực khác… nên cần thiết kế các chính sách để hạn chế người dân nắm giữ vàng.
Sáng ngày 11/11, Quốc hội thực hiện chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Hạn chế người dân nắm giữ vàng
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cho rằng việc trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi đại biểu Quốc hội, các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc liên quan quản lý thị trường vàng được xác định là chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành VND để đầu tư sản xuất kinh doanh. Vàng nằm im trong dân là vàng chết, trong khi nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh rất lớn. Đại biểu hỏi cần có giải pháp để vàng trở thành nguồn lực của nền kinh tế?
Trả lời, bà Hồng nói đây là câu hỏi rất hay và trong phần trả lời trước đã nêu vấn đề này. Cụ thể, theo bà Hồng khi chống vàng hóa, đô la hóa thì không khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Bởi khi nắm giữ vàng có thể giá trị rất lớn nhưng khi nắm giữ như vậy thì số tiền đó người dân không sử dụng được.
Nếu tiền đó chuyển ra VND sẽ có cơ hội để kinh doanh, đầu tư vào các lĩnh vực khác. Như gửi tiền vào ngân hàng để ngân hàng dùng tiền đó cho vay sản xuất kinh doanh. Hay đầu tư vào các cổ phần, cổ phiếu, chứng khoán để phục vụ sản xuất kinh doanh.
“Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích người dân không nắm giữ vàng, nhất là vàng miếng. Bởi vàng miếng giá trị cao. Chính vì thế, có chính sách Nhà nước độc quyền, xuất nhập khẩu vàng miếng, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng”, bà Hồng nói.
Để không khuyến khích người dân mua vàng, theo bà Hồng, có rất nhiều giải pháp theo kinh nghiệm của các nước. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá tổng kết Nghị định 24 theo hướng thiết kế các chính sách để hạn chế người dân nắm giữ vàng.
Dân mua vàng miếng từ ngân hàng, lúc cần tiền ‘bán hoài không mua’
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt câu hỏi “ngân hàng chỉ bán vàng miếng mà không mua, nếu người dân muốn bán vàng để lấy tiền mặt thì bán ở đâu? Việc bán vàng chỉ diễn ra ở Hà Nội và TP.HCM, sao không bán khắp cả nước để cho người dân thuận lợi khi có nhu cầu?”.
Trả lời, bà Hồng cho biết thị trường vàng tại Việt Nam thời gian qua có nhiều biến động, đây cũng là diễn biến chung của thị trường thế giới.
Đến tháng 6/2024, trước tình hình giá vàng tăng, chênh lệch giá vàng giữa Việt Nam và thế giới tăng cao, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các biện pháp can thiệp cần thiết để ổn định thị trường.
Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng. Ban đầu. chính sách này được đánh giá là rất hiệu quả. Nhưng sau đó, giá vàng quốc tế vẫn rất cao, giá chênh lệch vẫn lớn.
Để thực hiện cân bằng nhanh giá vàng giữa trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước chuyển sang bán trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Nhờ vậy, chênh lệch giá vàng từ 15 – 18 triệu đồng mỗi lượng đến nay chỉ còn 3 – 4 triệu đồng mỗi lượng.
Tuy vậy, thị trường vàng thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam lại là quốc gia không sản xuất vàng. Việc can thiệp sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu vàng quốc tế, nên rất khó lường. Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát để đưa ra các chính sách phù hợp, bà Hồng nói.
Riêng việc chỉ bán mà không mua vàng miếng, bà Hồng cho hay trước bối cảnh nhu cầu vàng gia tăng, Ngân hàng Nhà nước chủ yếu thực hiện biện pháp tăng nguồn cung, thông qua việc bán vàng, chứ không mua lại.
Hiện nay đối với thị trường kinh doanh vàng miếng, có 22 tổ chức tín dụng, 16 doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng. Các đơn vị này vẫn thực hiện mua bán bình thường. Còn việc có đơn vị nào đó không mua vàng của cá nhân thì có thể vì một vài lý do, trong đó có yếu tố cân đối tài chính.
Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp phép đối với doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng chứ không quy định bắt buộc phải bán ở địa điểm nào. Việc bán ở đâu sẽ do tự các tổ chức tín dụng cân nhắc, quyết định. Tuy nhiên, qua tổng hợp cho thấy nhu cầu mua chủ yếu là ở Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn.
Sau khi bà Hồng trả lời, đại biểu Phạm Văn Hòa tiếp tục chất vấn rằng nếu ngân hàng chỉ bán mà không mua vàng miếng sẽ dẫn tới việc mua bán trên “chợ đen”.
Ông Hòa nói người dân đã mua vàng miếng của ngân hàng rồi, giờ cần tiền bán lại thì ngân hàng phải mua để họ có thể sử dụng tiền phục vụ cho các nhu cầu cá nhân. “Đằng này bán hoài không mua, cũng không biết đến thời điểm nào ngân hàng có khả năng bán hoài hết hay không, trong khi lượng vàng trong dân rất nhiều”, ông Hòa nói.
Trả lời, bà Hồng cho rằng vàng không như ngoại tệ, muốn mua thì phải kiểm định chất lượng, hàm lượng vàng. Trong khi việc này rất khó khăn, các tổ chức tín dụng sẽ phải đầu tư trang thiết bị, con người để tránh rủi ro. Tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc đề xuất các giải pháp để có thể xử lý những việc này.
Hiện nay 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng có chi nhánh mua bán, giao dịch ở nhiều nơi. Việc mua hay không mua vàng có thể do nhiều nguyên nhân, nhất là trong bối cảnh thị trường vàng biến động, giá tăng, giảm theo từng giờ. Mỗi doanh nghiệp bán hay mua vàng từ người dân sẽ phải cân nhắc rất thận trọng để phòng ngừa rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước luôn khuyến cáo đây là mặt hàng biến động rất khó lường, phức tạp, việc đầu tư mặt hàng này sẽ có rủi ro nhất định.
Có lập sàn giao dịch vàng không?
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) nêu qua nghiên cứu cho thấy so với thị trường bất động sản Trung Quốc, dư nợ thị trường bất động sản Việt Nam mới chiếm tỷ lệ 20%, Trung Quốc có thời điểm cao hơn là 30%. Như vậy vẫn còn dư địa cho vay bất động sản ở Việt Nam. Ông đề nghị cho biết quan điểm của Thống đốc về vấn đề này thế nào?
Ông Khánh cũng hỏi trên thế giới có nhiều nước phát triển cho thành lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn lực vàng, mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước. Ông hỏi về quan điểm và có kế hoạch gì đề xuất với Thủ tướng thành lập sàn này?
Trả lời, bà Hồng cho biết dư nợ tín dụng đối với bất động sản tại Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 20-21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Như đại biểu có nêu, tại Trung Quốc, dư địa tỷ lệ này khoảng 30% thì như vậy Việt Nam còn dư địa hay không.
Theo thống đốc, việc các tổ chức tín dụng cấp tín dụng vào lĩnh vực nào và tỷ lệ là bao nhiêu là tùy thuộc vào quyết định của tổ chức tín dụng đó. Trên cơ sở phụ thuộc vào nguồn vốn mà tổ chức tín dụng huy động.
Với mỗi một ngân hàng, theo Thống đốc, huy động của người dân để cho vay, mỗi ngân hàng huy động kỳ hạn khác nhau. Có ngân hàng huy động được nhiều vốn dài hạn, nhưng cũng có tổ chức tín dụng huy động được vốn ngắn hạn. Do đó, khi cấp tín dụng bất động sản là tín dụng trung, dài hạn thì các ngân hàng phải cân đối.
“Toàn hệ thống Việt Nam có thể nói rằng huy động chủ yếu là ngắn hạn. 80% là vốn ngắn hạn cho nên khả năng cho vay tiếp tục của thị trường bất động sản phải đảm bảo nguyên tắc hoạt động, đảm bảo an toàn. Việc này, để người dân rút tiền vẫn đảm bảo sẵn sàng khả năng chi trả. Nên khó có thể nói dư địa mà mỗi tổ chức tín dụng phải an toàn và cả hệ thống phải an toàn”, bà Hồng nói.
Bà Hồng nêu rõ Ngân hàng Nhà nước không có quy định cấm cho vay bất động sản. Nhiều tổ chức tín dụng thời gian qua cũng đã có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Về thành lập sàn vàng, bà Hồng cho hay ở một số nước trên thế giới có thành lập sàn vàng như Trung Quốc có một sàn vàng rất lớn ở Thượng Hải. Đây là một trong những sàn vàng lớn thứ nhất, thứ nhì trên giới. Tuy nhiên, trong khu vực hiện cũng còn có một số quốc gia không thành lập sàn vàng.
Việc thành lập sàn cũng sẽ có một số điểm tích cực như các giao dịch sẽ được minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn. Nhưng đi kèm với đó, để thành lập được sàn cũng đòi hỏi sự đầu tư về cơ sở hạ tầng và Việt Nam không phải quốc gia sản xuất vàng như Trung Quốc là nước sản xuất vàng rất lớn.
Cho nên, vàng để giao dịch giữa các chủ thể trong thị trường cũng phải nhập từ quốc tế.
Để thành lập sàn đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước kết hợp với các Bộ ngành đánh giá kỹ lưỡng các tác động, tham mưu đề xuất với Chính phủ ở một thời điểm phù hợp.
Việc ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước là rất khó khăn
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho biết xu hướng lãi suất của các nước lớn trên thế giới giảm và đồng tiền mạnh có xu hướng gia tăng gây áp lực lên tỷ giá của VND, áp lực lên giá cả các mặt hàng nhập khẩu, tăng giá thành. Từ đó, ông đề nghị Thống đốc cho biết giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, đặc biệt tỷ giá và giải pháp tiếp tục giảm lãi suất để doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn tín dụng, có thể thực hiện việc mua nhà ở xã hội.
Trả lời, bà Hồng cho hay diễn biến trên thị trường tiền tệ quốc tế biến động rất phức tạp. Trước mặt bằng lãi suất tăng lên nhưng hiện nay FED, một số ngân hàng Trung ương trên thế giới đang ở chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ và một số ngân hàng trung ương giảm lãi suất.
Đồng tiền như USD cũng biến động phức tạp, có thời gian giảm rất mạnh nhưng trong quý 3 lại tăng lên và hiện đang biến động rất cao. Đây là những diễn biến tác động rất mạnh với thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước. Nên việc ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước là câu chuyện rất khó khăn bởi phụ thuộc vào cung cầu thực, tức là những cung – cầu nhu cầu ngoại tệ chi ra cho nền kinh tế và nguồn thu có được.
Tuy nhiên, theo bà Hồng, thị trường ngoại hối của Việt Nam vẫn còn tình trạng đô la hóa thì còn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng rất nhiều. Khi tâm lý kỳ vọng thì các tổ chức có ngoại tệ không bán hay chưa cần ngoại tệ lại ra mua. Đây là thách thức với điều hành.
Về quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, bà Hồng nói bám sát mục tiêu theo luật định là góp phần kiểm soát lạm phát từ đó góp phần ổn định VND và điều hành tỷ giá vàng ngoại hối theo hướng phù hợp với diễn biến linh hoạt của thị trường với biên độ +-5%.
“Chúng tôi theo theo sát diễn biến, trong trường hợp tỷ giá có biến động quá lớn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ kịp thời can thiệp, bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cho người dân. Đồng thời, cũng sẽ chú trọng truyền thông để doanh nghiệp, người dân hiểu rõ”, bà Hồng nêu.
Về việc giảm lãi suất, bà Hồng nói cũng rất khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu giảm lãi suất nhưng nếu giảm lãi suất quá thì tác động làm tăng tỷ giá, có thể gây ra câu chuyện tạo tâm lý, thậm chí tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài nếu tỷ giá không được ổn định.
Từ khóa thị trường vàng ổn định giá vàng mua bán vàng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tỷ giá ngoại tệ chất vấn quốc hội