Ước tính 8,4 tỷ đồng khắc phục đoạn kè vừa thi công bị sạt lở
- Nguyễn Sơn
- •
Bờ sông Ô Môn (TP Cần Thơ) tiếp tục bị sạt lở. Đoạn sạt lở nằm ngay vị trí vừa được thi công đóng khoảng 40 cọc bê tông, chuẩn bị đổ bê tông làm kè…
Ngày 2/5, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ – ông Võ Thành Thống và Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ – ông Nguyễn Thanh Dũng kiểm tra điểm sạt lở bờ sông Ô Môn (phía bờ phải) tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn.
Trước đó, rạng sáng ngày 24/4, tại khu vực này xảy ra 1 điểm sạt lở với chiều dài 60 m, lấn sâu khoảng 5 m, làm 11 căn nhà bị sập đổ một phần xuống sông, không có thiệt hại về người. Đoạn sạt lở này nằm trong phạm vi xây dựng tuyến Kè chống sạt lở sông Ô Môn- Khu vực Thới An đang triển khai thi công.
Qua khảo sát hiện trường, đại diện Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết có 3 nguyên nhân dẫn đến sạt lở, gồm: Điểm sạt lở gần vị trí sạt lở cũ (tháng 5/2018) nên lớp đất yếu dễ bị xói lở; vận tốc dòng chảy thay đổi và địa chất tại vị trí này có sự bất thường, yếu dần theo độ sâu do có túi bùn phía dưới.
Từ đó, Viện đề xuất giải pháp điều chỉnh tăng kích thước chiều rộng bảng đáy thêm 0,5 m, từ 4,5 m như thiết kế trước đây lên 5 m. Chiều dài cọc đóng tăng thêm 7 m, tức từ 23 m lên 30 m. Ước tính chi phí khắc phục khoảng 8,4 tỷ đồng.
Hiện nay, Viện đang tiến hành thực hiện thí nghiệm địa chất cụ thể xác định rõ hơn nguyên nhân sạt lở. Dự kiến khoảng 10 ngày sau sẽ có kết quả, có báo cáo hoàn chỉnh đến UBND TP Cần Thơ về nguyên nhân, giải pháp xử lý và chi phí cụ thể.
Tại buổi khảo sát ngày 2/5, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống giao Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng theo dõi và xử lý các vấn đề liên quan khắc phục và đảm bảo tiến độ dự án Kè chống sạt lở sông Ô Môn – Khu vực Thới An, quận Ô Môn. Yêu cầu chủ đầu tư dự án phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng làm việc về vấn đề này và tham mưu UBND thành phố xử lý hiệu quả.
Theo ông Thống, nếu phương án xử lý làm tăng kinh phí nhưng đảm bảo an toàn, chủ đầu tư và Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố phải tham mưu UBND thành phố về nguồn vốn bố trí thực hiện. Ngoài xử lý điểm sạt lở, cần đảm bảo tiến độ chung của dự án trước khi mùa lũ về. Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ hộ dân bị ảnh hưởng theo quy định.
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, Dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn có tổng chiều dài 4.331 m, tổng mức đầu tư trên 416,7 tỷ đồng, được chia làm 3 giai đoạn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện từ năm 2009-2020.
Giai đoạn 1 từ cầu Ô Môn đến rạch Tắc Ông Thục; giai đoạn 2 từ rạch Tắc Ông Thục đến Rạch Gốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Giai đoạn 3 từ Rạch Gốc đến Rạch Ranh (1.750 m) đang thi công, ước đạt khoảng 90% tổng khối lượng công trình, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng đợt 30/4/2019.
Kè chống sạt lở khu vực Thới An (phía bờ phải) có chiều dài 430 m, vốn dự toán xây dựng trên 45,7 tỷ đồng. Công trình được giới hạn từ rạch Vàm Điểm đến Vàm Thới An, với hạn mục tường kè, vỉa hè, cầu thang, đường giao thông sau kè, cấp thoát nước… Hiện công trình đang thi công, dự kiến hoàn thành trước khi mùa lũ năm 2019 về.
Theo thống kê của quận Ô Môn, trong tháng 4 và 5/2018, khu vực Thới Lợi xảy ra 3 lần sạt lở với tổng chiều dài 75 m, ăn sâu vào bờ 10 m khiến 34 căn nhà bị ảnh hưởng. Vụ sạt lở xảy ra vào ngày 21/5 khiến 19 căn nhà bị thiệt hại và 15 căn khác bị ảnh hưởng, phải chi 6,3 tỷ đồng khắc phục sự cố. Vào thời điểm tháng 6/2018, quận Ô Môn có 5/7 phường đã xảy ra sạt lở, với tổng chiều dài gần 1,3 km.
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Cần Thơ sạt lở bờ sông