Việt Nam ghi nhận ca sốc phản vệ nặng nhất sau tiêm vắc-xin COVID-19 AstraZeneca
- Nguyễn Quân
- •
Sáng 15/3, giới hữu trách Việt Nam công bố thêm 2 người bị phản ứng nặng trong đợt tiêm chủng vắc-xin ngừa viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) của hãng AstraZeneca tại Việt Nam.
Cổng thông tin Chính phủ sáng 15/3 dẫn báo cáo của giới chức y tế cho biết theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, trong ngày 14/3, ghi nhận thêm 2 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin COVID-19 AstraZeneca.
Trong đó, trường hợp thứ nhất có dấu hiệu chóng mặt, bồn chồn, khó chịu xuất hiện trong vòng 30 phút sau tiêm.
Trường hợp thứ hai được chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 với dấu hiệu ban đầu sốt, rét run kèm theo co quắp, tê bì tay xuất hiện 8 giờ sau tiêm. Đây là ca sốc phản vệ nặng nhất ghi nhận tại Việt Nam sau tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.
Cũng theo tin công bố, cả hai trường hợp được phát hiện và xử trí kịp, hiện tại sức khỏe đã ổn định.
Ngày 12/3 trước đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã gửi công văn khẩn tới 3 tỉnh, thành phố gồm Gia Lai, TP.HCM và Hải Phòng, yêu cầu điều tra nguyên nhân các trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc-xin COVID-19.
Theo báo cáo của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong thời gian từ ngày 8 – 12/3, trong 1.585 người đã tiêm, có 410 người có phản ứng thông thường (chiếm 25,8%); 11 trường hợp phải xử trí tại bệnh viện như nổi mày đay, phù mạch tại chỗ tiêm, khó thở, kẹt huyết áp… (chiếm 0,7%).
11 ca sốc phản vệ nặng này gồm 6 người tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, 4 người tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng và 1 người tại Gia Lai).
Ngày 12/3, thêm 3.663 người qua tiêm, ghi nhận thêm 1 ca sốc phản vệ sau tiêm ở Hải Phòng.
Còn theo thông tin từ bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc – giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tỉnh Gia Lai, thì tại đây có 9 người (là nhân viên y tế tại bệnh viện) xuất hiện phản ứng sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vào ngày 9/3, Tuổi Trẻ ngày 12/3 đưa tin.
Trong đó, 8 người có phản ứng thể nhẹ (cấp độ 1) với các biểu hiện mày đay, ngứa, phù mạch; 1 trường hợp nặng nhất là một nữ điều dưỡng (có tiền sử hen phế quản), sau khi tiêm khoảng 5 phút thì bị tê quanh miệng, nôn mửa, chóng mặt và tức ngực, khó thở, phải hồi sức cấp cứu, theo dõi.
Cũng theo bản tin của Tuổi Trẻ, ông Phúc cho biết việc “tiêm vắc-xin gây phản ứng là bình thường” và “đây là phản ứng tạo miễn dịch trong cơ thể”.
Tính đến hết ngày 14/3, tổng cộng 11.605 người đã tiêm loại vắc-xin trên, phân bố tại 12 tỉnh/TP:
- Tỉnh Hải Dương: 7.276 người
- TP Hà Nội: 163 người
- Tỉnh Hưng Yên: 1.008 người
- Tỉnh Bắc Ninh: 312 người
- Tỉnh Bắc Giang: 1.230 người
- TP Hải Phòng: 205 người
- TP.HCM: 774 người
- Tỉnh Gia Lai: 200 người
- Tỉnh Long An: 193 người
- TP Đà Nẵng: 117 người
- Tỉnh Hòa Bình: 32 người
- Tỉnh Khánh Hòa: 95 người
Sáng nay, 15/3, Bộ Y tế Việt Nam cho biết không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới.
Theo Bộ Y tế, phản ứng phản vệ được chia thành 4 mức độ như sau: 1. Nhẹ (độ 1): Có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch. 2. Nặng (độ 2): có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan: a) Mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh. b) Khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi. c) Đau bụng, nôn, ỉa chảy. d) Huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp. 3. Nguy kịch (độ 3): biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như sau: a) Đường thở: tiếng rít thanh quản, phù thanh quản. b) Thở: thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở. c) Rối loạn ý thức: vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn. d) Tuần hoàn: sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp. 4. Ngừng tuần hoàn (độ 4): Biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Việt Nam: Thêm 1 ca COVID-19; bắt đầu tiêm vắc-xin COVIVAC vào ngày mai
Từ khóa sốc phản vệ Dòng sự kiện vắc-xin AstraZeneca tác dụng phụ của vắc-xin AstraZeneca