Vụ cá suối chết ở Nghệ An: Nước thải quặng thiếc qua bể lắng tự chảy ra đầu nguồn suối
- Nguyễn Quân
- •
Mẫu nước mặt tại điểm thải ra đầu nguồn nước suối Bắc có cadimi vượt 18,56 lần; mangan vượt 23,7 lần; sắt vượt 16,34 lần mức cho phép.
Ngày 27/7, Truyền hình Nghệ An đưa tin Sở TN-MT tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả việc kiểm tra vụ cá chết bất thường ở suối Bắc (xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An).
Trước đó, Sở TN-MT Nghệ An từng gửi báo cáo đến UBND tỉnh Nghệ An nhưng chưa đầy đủ, đặc biệt là kết quả phân tích mẫu nước nên UBND tỉnh Nghệ An phải yêu cầu sở này báo cáo lại.
Theo báo cáo, ngày 3 và ngày 8/7, Sở TN-MT phối hợp UBND huyện Quỳ Hợp, UBND các xã Châu Thành, Châu Hồng phối hợp với Trung tâm Quan trắc TN-MT Nghệ An lấy mẫu nước thải từ hầm lò của Công ty TNHH Thiếc Hà An đang lưu tại bể lắng trước khi bơm xả thải (vào hang casto) và nước mặt tại điểm khu vực hang casto thải vào đầu nguồn nước suối Bắc (xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp).
Thời gian lấy các mẫu này cách thời điểm người dân phát hiện tình trạng nước suối đổi màu đỏ sẫm, cá chết (vào ngày 2/7) là 7 ngày.
Tại thời điểm lấy mẫu, Công ty Thiếc Hà An không thực hiện bơm nước thải từ hầm lò vào xử lý tại các bể lắng hoặc xả thải vào nguồn suối Bắc.
Kết quả lấy mẫu cho thấy đối với mẫu nước tại bể lắng trước khi bơm xả thải vào hang casto, so sánh với QCVN 40:2011/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, trong các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp khi xả thải vào nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt), có 2/16 thông số vượt quy chuẩn (Asen vượt 3,22 lần, Sắt vượt 3,22 lần); 14 thông số còn lại nằm trong quy chuẩn.
Trong các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp khi xả thải vào nguồn nước không dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt), có 1/16 thông số vượt quy chuẩn (Asen vượt 1,61 lần); có 15 thông số còn lại nằm trong quy chuẩn.
“Một số thông số vượt quy chuẩn cho phép do Công ty Thiếc Hà An bơm vào hang casto (moong khai thác quặng thiếc cũ của Công ty CP Kim Loại màu Nghệ Tĩnh), chảy ra đầu nguồn suối Bắc. Đây là một trong các nguồn đã làm ô nhiễm nguồn nước mặt ở khe suối tại thời điểm lấy mẫu” – theo báo cáo của Sở TN-MT Nghệ An.
Cụ thể, so sánh với QCVN 08:2023/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, đối với nhóm giá trị giới hạn tối đa các thông số ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, mẫu nước mặt tại điểm khu vực hang casto thải ra đầu nguồn suối Bắc có tới 5/8 thông số vượt quy chuẩn (so sánh với giới hạn tối đa các thông số ảnh hưởng tới sức khỏe con người). Trong đó, amoni vượt 1,71 lần; asen vượt 5,4 lần; cadimi vượt 18,56 lần; mangan vượt 23,7 lần; sắt vượt 16,34 lần. 3/8 thông số (chì, crom VI, thủy ngân) nằm trong quy chuẩn.
Đối với nhóm giá trị giới hạn các thông số trong nước mặt phục vụ cho việc phân loại chất lượng nước sông, suối, kênh, mương, khe, rạch và bảo vệ môi trường sống dưới nước, có 1/7 thông số (pH) vượt ngưỡng mức D – tức nước có chất lượng rất xấu, có thể gây ảnh hưởng lớn tới cá và các sinh vật sống trong môi trường nước do nồng độ oxy hòa tan thấp, nồng độ chất ô nhiễm cao.
Cadimi được xem là chất độc và chưa có phương pháp giải độc hữu hiệu. Nếu uống trực tiếp 1 lượng lớn từ 350mg, đủ để khiến 1 người tử vong. Nếu tiếp xúc với hàm lượng nhỏ, nó chủ yếu tích tụ ở thận trong thời gian tương đối dài 10 – 35 năm. Tình trạng nhiễm độc lâu ngày sẽ làm tổn thương các chức năng của thận, tạo sỏi thận, suy thận, gây ra các vấn đề về xương và hô hấp góp phần dẫn đến bệnh ung thư. Nguồn nước bị nhiễm Mangan màu đục, mùi tanh khó chịu, cặn màu đen, thường bám vào đáy và thành bồn chứa. Sử dụng nguồn nước bị nhiễm Mangan trong thời gian dài, nhiễm độc mangan từ nước uống làm giảm khả năng ngôn ngữ, giảm trí nhớ, giảm khả năng vận động của tay và chuyển động của mắt. Nếu nhiễm độc mangan lâu ngày có thể dẫn đến triệu chứng thần kinh không bình thường như dáng đi và ngôn ngữ bất thường. Nước bị nhiễm sắt khi đi vào cơ thể, nhẹ thì làm tăng nguy cơ nổi mụn, di ứng hay viêm da, gây tiêu chảy, đau bụng, ăn uống không ngon…, nặng thì tăng nguy cơ bị bệnh về máu, nhất là ung thư, làm tổn thương tim mạch, gan, tụy,… |
Xử lý ô nhiễm bằng cách xả thẳng nước thải ra đầu nguồn suối
“Việc Công ty TNHH Thiếc Hà An bơm nước thải từ hầm lò (sau khi xử lý lắng qua các bể lắng) thải vào hang casto (moong khai thác quặng thiếc cũ của Công ty CP Kim Loại màu Nghệ Tĩnh) và tự chảy ra ở đầu nguồn suối Bắc, xã Châu Thành còn bám màu vàng sẫm ở khe và mương thoát nước mưa của Công ty TNHH Hà An (đã được ghi nhận tại Biên bản ngày 02/7/2024 gồm đại diện UBND huyện Quỳ Hợp, xã Châu Thành và Công ty TNHH Hà An) là có thật” – Sở TN-MT Nghệ An kết luận.
Tại thời điểm kiểm tra, Công ty Thiếc Hà An khẳng định đang dừng hoạt động sản xuất từ ngày 30/1/2024 để hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan, khi chưa hoàn thiện hồ sơ về điều chỉnh mặt bằng tổng thể dự án gồm xây dựng thêm bãi thải quặng đuôi, khu xử lý nước thải sau tuyển, xưởng tuyển…
Tuy nhiên, công ty này đã điều chỉnh mặt bằng tổng thể dự án khai thác mỏ thiếc (xây dựng thêm bãi thải quặng đuôi, khu xử lý nước thải sau tuyển, xưởng tuyển…) mà không báo cáo cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, phê duyệt điều chỉnh.
Công ty Thiếc Hà An không tái sử dụng nước thải từ hầm lò như nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trước khi vận hành chính thức. Thay vào đó, nước thải sau khi được bơm lắng lọc sơ bộ, bơm xả vào hang casto và để tự chảy ra điểm đầu suối Bắc, nhập vào suối Nậm Huống tại cầu tràn Trung Thành (xã Châu Thành).
Hành vi bơm nước thải hầm lò thải vào hang casto, sau đó tự chảy ra đầu nguồn suối Bắc gây nước đục, có màu vàng sẫm đã được Phòng TN-MT huyện Quỳ Hợp và UBND xã Châu Thành kiểm tra ghi nhận tại Biên bản làm việc ngày 2/7/2024.
Ngoài ra, khu vực quặng đuôi của Công ty Thiếc Hà An chưa được lót đáy; các công trình, thu gom xử lý nước thải và bùn thải cũng có nguy cơ tràn bờ thoát ra ngoài môi trường, nhất là trong trường hợp có mưa lớn dài ngày.
Tại báo cáo xác định nguyên nhân vụ việc “cá chết bất thường trên suối Nậm Huống”, trong khi chờ chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN-MT yêu cầu Công ty Thiếc Hà An rà soát đánh giá nguồn nước thải từ hầm lò để có giải pháp thu gom, xử lý không gây ô nhiễm môi trường; chủ trì, phối hợp UBND huyện Quỳ Hợp lấy mẫu đánh giá chất lượng nguồn nước mặt tại khu vực suối Bắc, xã Châu Thành để có giải pháp khắc phục cải tạo làm sạch nguồn nước.
Sở TN-MT yêu cầu Công ty Thiếc Hà An thực hiện ngay các giải pháp đảm bảo an toàn, không để xảy ra sự cố nhất là tại các bãi thải quặng đuôi, công trình xử lý nước thải từ quá trình khai thác, chế biến quặng thiếc.
Từ khóa ô nhiễm nước quặng thiếc nguy cơ ung thư cá chết do công ty xả thải