Vụ chuyến bay ‘giải cứu’ ở Bộ Ngoại giao: TGĐ của công ty hàng không bị bắt
- Minh Long
- •
Cơ quan điều tra khởi tố bị can Hoàng Diệu Mơ vì liên quan vụ án nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước, xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Mở rộng điều tra vụ án “nhận hối lộ” tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, ngày 25/3, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự “đưa hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Đồng thời, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Hoàng Diệu Mơ (42 tuổi), Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình (công ty An Bình), có trụ sở tại Hà Nội, về tội “đưa hối lộ”.
Công ty An Bình được thành lập theo Quyết định số 0105491556 do Sở KH&ĐT TP. Hà Nội cấp ngày 09/09/2011.
Theo lời tự giới thiệu, Công ty An Bình là đơn vị thuộc top 10 có doanh số cao nhất của Vietnam Airlines – Chi nhánh Miền Bắc, thành đơn vị thuộc Top 1 của hãng Air France và Kenya Airways, American Airlines, Korean Air, Cathay Pacific, Qatar Airways…
Công ty An Bình cho biết công ty này được cung cấp dịch vụ hàng không cho các cơ quan thuộc Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ – Ban – Ngành cùng các Tập đoàn kinh tế lớn và các tổ chức,đoàn thể trong hệ thống chính trị Việt Nam, các khách hàng tiềm năng.
Trước đó, hồi cuối tháng 1, Bộ Công an điều tra đã khởi tố, bắt giam 4 lãnh đạo, cán bộ tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), gồm: Nguyễn Thị Hương Lan (sinh năm 1974, tại Hà Nội, là Cục trưởng); Đỗ Hoàng Tùng (sinh năm 1980, tại Hà Nội, là Phó Cục trưởng); Lê Tuấn Anh (sinh năm 1982, tại Hưng Yên, là Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự); Lưu Tuấn Dũng (sinh năm 1987, tại Hà Nội, là Phó phòng Bảo hộ công dân).
Theo Bộ Công an, nhóm bị can trên liên quan đến việc đưa và nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.
Liên quan tới vụ án, ngày 19/2, Cơ quan An ninh điều tra đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước không trả phí (chuyến bay “giải cứu”), và chuyến bay có trả phí (chuyến bay “combo”) được thực hiện từ thời điểm nào.
Cơ quan điều tra cũng đề nghị cung cấp tài liệu làm rõ căn cứ tiêu chí, cơ sở nào để Bộ GTVT tải xét, duyệt cấp chuyến bay; quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay “combo”, “giải cứu” như thế nào, cũng như điều kiện để công dân được về nước theo các chuyến bay này.
Cùng với đó là danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay và các công ty, doanh nghiệp đã được cấp phép triển khai các chuyến bay “giải cứu”, “combo”; kế hoạch và văn bản phê duyệt; danh sách công dân đã được đưa từ nước ngoài về trên các chuyến bay này; hợp đồng, chi phí thanh toán của từng chuyến bay…
Chuyến bay đầu tiên đưa công dân Việt Nam từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc về nước vào đầu tháng 2/2020. Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao tổ chức 173 chuyến bay, đưa hơn 50.000 công dân thuộc diện ưu tiên về nước, cách ly tập trung tại các cơ sở do quân đội quản lý.
Bộ Ngoại giao phối hợp với bộ, ngành để tổ chức hơn 400 chuyến bay đưa về nước hơn 70.000 người, cách ly tại cơ sở dân sự theo hình thức tự nguyện trả phí. Tổng số chuyến bay về nước gần 800 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước.
Từ khóa Bộ Ngoại giao chuyến bay giải cứu