Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài 6 phút ghi lại cảnh một nữ sinh lớp 8 ở Quảng Trị đã bị một nhóm học sinh chửi bới, đánh, xé áo trong nhà vệ sinh khiến người xem phẫn nộ.

Ông Nguyễn Văn Nghệ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị), cho biết sự việc xảy ra vào chiều 25/4.

Nhóm học sinh gồm các học sinh khác lớp và khác trường với em học sinh bị đánh. Do mâu thuẫn trên mạng xã hội từ trước, nhóm học sinh này đã kéo bạn vào nhà vệ sinh của trường rồi đánh bạn. Nhiều em khác đứng xung quanh cổ vũ, quay video rồi đăng lên mạng.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gio Linh đã xác minh vụ việc, và đề nghị công an thị trấn Gio Linh phối hợp điều tra.

Một người dùng MXH bình luận: “Tôi là người ngoài nhìn vào thấy thật tội nghiệp quá đau lòng..!”

Theo thống kê của Bộ Giáo dục & Đào tạo, mỗi năm cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, cứ 5.200 học sinh lại có 1 vụ đánh nhau.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc kỷ luật học sinh vi phạm hiện gồm ba hình thức: nhắc nhở, khiển trách và tạm dừng học có thời hạn.

Trong các vụ việc được biết đến, hầu hết học sinh đánh bạn bị đình chỉ học 2-4 tuần, duy nhất một nữ sinh lớp 10 ở Hà Tĩnh bị khởi tố vì tội làm nhục người khác.

Các vụ bạo lực học đường có thể gây hậu quả nghiêm trọng về thể chất và tinh thần của người bị hại. Tại Nghệ An mới đây đã xảy ra một vụ việc một nữ sinh lớp 10 đã tự vẫn nghi do bạo lực học đường, tiếp tục thu hút sự quan tâm của xã hội về vấn nạn này.

Có độc giả của Trí Thức VN cho rằng, có lẽ đã đến lúc nhà trường và mỗi từng cha mẹ, cần thực sự suy nghĩ nghiêm túc và thấu đáo vào vấn đề gốc rễ là giáo dục lương tri, đạo đức cho học sinh liên tục từ tấm bé, giáo dục cho các em biết yêu thương và tôn trọng phẩm giá, thân thể người khác, đó mới là cái gốc của kỷ luật học đường, chứ không phải đến khi sự việc xảy ra mới tìm cách để giải quyết, bởi dù biện pháp có cứng rắn đến đâu, thì cũng chỉ là cố gắng chữa phần ngọn và sự việc nhất thời.

Diệp Liên (t/h)