Xem xét tư cách tư vấn giám sát dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
- Trần Tâm
- •
Nợ tiền thuế và BHXH hàng chục tỷ đồng, Bí thư TP.HCM yêu cầu xem xét tư cách giám sát dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Meinhardt.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân vừa có văn bản yêu cầu Sở Tư pháp, Cục thuế thành phố có ý kiến cụ thể về việc nợ thuế kéo dài của Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Meinhardt (Công ty Meinhardt, trụ sở đặt tại số 23-25 Trần Nhật Duật, quận 1) và xem doanh nghiệp này có hay không đủ tư cách thực hiện các hợp đồng tư vấn.
Công ty Meinhardt là đơn vị trong Liên danh được chọn làm tư vấn giám sát quá trình triển khai hợp đồng BT dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của thành phố.
Theo Cục Thuế TP.HCM, Công ty Meinhardt nợ lãi chậm nộp và tiền phạt nợ đọng thuế khoảng 27 tỷ đồng.
Cục Thuế TP.HCM đã nhiều lần có văn bản tạm ngưng sử dụng hóa đơn tài chính của công ty Meinhardt với mỗi lần tạm ngưng kéo dài một năm. Trong thời gian bị tạm ngưng, nếu có nhu cầu sử dụng hóa đơn, công ty Meinhardt phải nộp khoảng 18% số tiền nợ thuế.
Còn theo công bố từ Cục thuế Hà Nội, Công ty Meinhardt – nhà thầu chính tư vấn giám sát thi công tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng còn nợ tiền thuế hơn 33,6 tỷ đồng.
Ngoài nợ thuế, BHXH TP.HCM cũng cho hay đến đầu tháng 9, công ty Meinhardt còn nợ hơn 4 tỷ đồng.
Trong tình trạng nợ thuế như vậy nhưng đầu năm 2017, Công ty Meinhardt vẫn đứng ra thành lập liên danh với Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng công trình Hàng hải và Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và chuyển giao công nghệ Thăng Long 12 để được nhận chỉ định thầu gói Tư vấn giám sát hợp đồng chống ngập trị giá khoảng 33 tỷ đồng từ UBND thành phố.
Trước đó, công ty Meinhardt đã có báo cáo gửi UBND thành phố về việc Tập đoàn Trung Nam – chủ đầu tư dự án 10.000 tỷ đồng đã có sai phạm như sử dụng thép Trung Quốc thay thế thép Nhật Bản, G7; làm tăng chi phí công trình lên hàng trăm tỷ đồng; việc thay đổi vật tư chưa thông qua thành phố mà mới thông qua Sở NN&PTNT,…
Sau đó, tại buổi giải trình từ phía chủ đầu tư vào ngày 13/9, ông Nguyễn Tâm Tiến – Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam đã bác toàn bộ những thông tin trên và cho rằng Tập đoàn không sai khi sử dụng thép Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Tiến cũng cho biết ông đã có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng thay đổi đơn vị tư vấn vì không đủ năng lực.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ chính thức dừng hoạt động vào tháng 4. Đây là một trong những dự án trọng yếu cho chương trình đột phá giảm ngập nước của thành phố. Dự án sẽ giúp kiến tạo sự đổi thay hạ tầng và nâng cao chất lượng sống cho gần 7 triệu người dân của khu vực 570 km2 thuộc bờ hữu sông Sài Gòn (quận 1, 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh, Nhà Bè).
Tính đến ngày 31/7, dự án đã thi công đạt 72% khối lượng. Tư vấn giám sát hợp đồng đã xác nhận giải ngân 3.483 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 3.232 tỷ đồng (tương đương 46,5%). Giá trị đã giải ngân (bao gồm tạm ứng) là 4.840 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 803 tỷ và vốn vay là 4.037 tỷ) và giá trị khối lượng hoàn thành là 5.690 tỷ đồng. Giá trị chưa được giải ngân là 850 tỷ đồng.
Ngoài vướng mắc về vốn, dự án còn gặp vấn đề trong giải phóng mặt bằng. Dự án ảnh hưởng tới 236 hộ gia đình và 29 tổ chức, doanh nghiệp nhưng đến nay mới có 154 hộ và 25 tổ chức đã bàn giao mặt bằng.
Nguyên nhân tạm dừng là do Ngân hàng BIDV – chi nhánh Nam Sài Gòn đã dừng giải ngân cho dự án do UBND TP.HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân để thực hiện thủ tục tái cấp vốn.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho biết việc ngừng thi công dự án gây thiệt hại rất lớn, ước tính 17-20 tỷ đồng/tháng, trong đó bao gồm chi phí cho thiết bị, máy móc, nhân công, lãi ngân hàng,…
Liên quan đến vụ việc, ông Phạm Văn Long – Trưởng tư vấn thiết kế của dự án trên đã đưa ra cảnh báo dự án xây dựng trên vùng đất yếu, bị tác động bởi triều cường, thi công phức tạp nên nếu không tuân thủ điểm dừng theo thiết kế thì tiềm ẩn nguy cơ sập móng. Trong 6 cống, cống Phú Định có nguy cơ cao nhất do đào sâu làm tường vây trên nền đất yếu. Hiện nay, dự án không đổ bê tông. Vì vậy, nếu để lâu thì có khả năng bị sập. “Nền đất yếu, nếu đào ra mà để càng lâu thì sức kháng cát của đất sẽ giảm, hệ số an toàn giảm xuống và có khả năng bị sập gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Khi sửa lại thì rất tốn thời gian, tiền bạc” – ông Long cho hay. |
Trần Tâm
Xem thêm:
Từ khóa TP.HCM dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng công ty Meinhardt