9 đả kích đối với ĐCSTQ sau Hội nghị Trung ương 6
- Hách Bình
- •
Sau Hội nghị Trung ương 6 và Hội nghị Biden – Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố nghị quyết lịch sử thứ 3. Bản nghị quyết mới công bố chưa đến 10 ngày thì ĐCSTQ đã phải đối mặt với nhiều vấn đề cả trong nước và quốc tế.
(Giản lược bài viết của Hách Bình, thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)
Trong nước, đấu đá ở cao tầng trước Đại hội 20 diễn ra ngày càng kịch liệt: Vương Tiểu Hồng thay Triệu Khắc Chí đột nhiên thăng chức làm Bí thư đảng ủy Bộ Công an, tuyên bố mạnh mẽ “theo dõi sát người có vấn đề”, dự đoán sóng gió chỉnh đốn hệ thống “chuôi dao” sắp ập đến.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục đi xuống và tình hình ngày càng tồi tệ. Từ ngày 18 – 22/11, Thủ tướng Lý Khắc Cường tổ chức 2 lần hội nghị tọa đàm, nói thẳng rằng phát triển kinh tế của Trung Quốc gặp phải nhiều thách thức mới đan xen vượt khỏi dự tính. Tại một phương diện khác, sự đàn áp của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp tư nhân liên tục gia tăng, Alibaba, Tencent, Baidu đối mặt với khoản phạt nặng.
Trên quốc tế, xu hướng toàn cầu tẩy chay ĐCSTQ đang bùng nổ với cường độ cao, làn sóng nối tiếp nhau, kịch hay được trình diễn liên tục. Thống kê một cách qua loa, chỉ trong nửa tháng, ĐCSTQ đã bị vây chặn và đối mặt với 9 đả kích sau:
1. Sự kiện Bành Soái khiến nhiều nước tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh
Sự kiện cựu Thường ủy Bộ Chính trị ĐCSTQ Trương Cao Lệ xâm hại tình dục Bành Soái vẫn đang dậy sóng trên quốc tế. ĐCSTQ ở trong thế “lưỡng nan” cả về ngoại giao quốc tế và duy trì ổn định trong nước. Bành Soái “bị lên tiếng”, “bị lộ diện”, ngược lại còn khiến cộng đồng quốc tế nghi ngờ ĐCSTQ hơn. Hiệp hội Quần vợt Nữ Quốc tế (WTA) dẫn đầu lên tiếng, tuyên bố sẽ từ bỏ thị trường Trung Quốc, dẫn đến sóng gió nhiều quốc gia tẩy chay Olympic Bắc Kinh:
Ngày 18/11, Tổng thống Biden trả lời phỏng vấn của phóng viên đã cho biết Mỹ đang cân nhắc tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022;
Ngày 20/11, tờ New York Post đăng bài viết đặc biệt của ban biên tập “6 lý do ông Biden nên tẩy chay Olympic Bắc Kinh”. Bài viết liệt kê ra 6 tội của ĐCSTQ, trong đó ngoài sự kiện Bành Soái, còn bao gồm cả việc ĐCSTQ “mổ cướp nội tạng sống người tập Pháp Luân Công” và “đàn áp tự do nhân quyền Hồng Kông”;
Ngày 20/11, tờ The Times đưa tin, Anh đang cùng các đồng minh “Liên minh Ngũ nhãn” (Five Eyes) thảo luận tẩy chay ngoại giao đối với Olympic Bắc Kinh;
Ngày 20/11, cầu thủ Enes Kanter của NBA trực tiếp gửi thư cho Wall Street Journal, kêu gọi vận tẩy chay Olympic Bắc Kinh vì sự kiện Bành Soái, đồng thời cho rằng “Chính phủ độc tài ĐCSTQ trước giờ không phải là bạn bè, mà là một chính phủ độc tài tàn bạo”;
Ngày 22/11, Bộ Ngoại giao Canada cho biết đang cùng các quốc gia liên quan thảo luận về việc tẩy chay ngoại giao đối với Olympic Bắc Kinh 2022;
Ngày 25/11, tờ The Sydney Morning Herald tại Úc đưa tin, với những lời kêu gọi ngày càng tăng từ các nhà lập pháp, các chính trị gia từ các đảng cầm quyền và đối lập ở Australia đang thúc giục chính phủ liên bang tẩy chay ngoại giao đối với Olympic Bắc Kinh.
2. Nước nhỏ chí lớn Litva ‘vỗ mặt’ ĐCSTQ
ĐCSTQ luôn tin vào học thuyết ngoại giao quyền lực rằng “các nước yếu không có ngoại giao”, thực chất là sự phản ánh triết lý đấu tranh ở cấp độ ngoại giao. Tuy nhiên, chiến lược ngoại giao bá quyền được coi là tiêu chuẩn này của ĐCSTQ đã hoàn toàn bị lật đổ trên mảnh đất Lithuania (Litva) nhỏ bé.
Ngày 18/11, Bộ Ngoại giao Đài Loan tuyên bố “Văn phòng Đại diện Đài Loan tại Litva” chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Mặc dù Bộ Ngoại giao ĐCSTQ mạnh mẽ phản đối, nói rằng động thái này là mở ra tiền lệ “1 Trung Quốc, 1 Đài Loan”, nhưng lại không dám cắt đứt quan hệ ngoại giao với Litva mà chỉ hạ cấp quan hệ ngoại giao. ĐCSTQ ném ra hòn đá đe dọa Đài Loan và Litva “phải tự chịu hậu quả”, nhưng nó lại rơi trúng chân của họ.
Dân số Litva chỉ có 2,8 triệu người, tương đương với dân số của một quận của Bắc Kinh. Vì sao Litva lại dám nói “không” với ĐCSTQ? Điều này cũng đã chứng thực một câu nói của Khổng Tử: “Có đức thì không cô độc, ắt sẽ có người gần gũi”. Litva từng trải qua nỗi thống khổ của chủ nghĩa cộng sản, và dựa vào ý chí ngoan cường mà thoát ra được. Cách tẩy chay ĐCSTQ của Litva nhận được sự ủng hộ của Mỹ và Liên minh châu Âu, những người chính nghĩa trên toàn thế giới đều đồng tình ủng hộ.
Lần này đến lúc ĐCSTQ không dám nói “không” với Litva, sợ rằng sau khi 2 nước hoàn toàn lật mặt, thì Litva sẽ trực tiếp thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan. ĐCSTQ càng lo sợ sẽ mang đến hiệu ứng dây chuyền cho các nước châu Âu và trên thế giới. Đến lúc đó, ĐCSTQ không chỉ đơn giản là bị ‘vỗ mặt’ về ngoại giao, mà chính là thời khắc sụp đổ ngoại giao ập đến.
3. Ông Biden mở Hội nghị Dân chủ Quốc tế, thân Đài Loan, từ chối ĐCSTQ
Sau hội nghị Biden – Tập Cận Bình, truyền thông Trung Quốc dốc sức truyền tải thông tin sai lệch về mối quan hệ Mỹ – Trung, biên tạo giả tượng Trung Quốc mạnh lên, lần nữa lấy chủ đề “Đông lên, Tây xuống” để lừa người dân trong nước.
Trò lừa bịp này chỉ diễn được 3 ngày, sau đó không cách nào diễn tiếp được nữa. Ngày 17/11, Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố Trung Quốc là “nước xâm phạm tự do tôn giáo”; ngày 18/11, ông Biden tuyên bố cân nhắc tẩy chay Olympic Bắc Kinh; ngày 19/11, Mỹ cảnh báo ĐCSTQ không nên lừa dối Philippines; ngày 23/11, tàu khu trục USS Milius của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan theo quy định luật pháp.
Ngày 24/11, Mỹ công bố danh sách các nước được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ Quốc tế đầu tiên. Các nhà lãnh đạo và đại diện chính phủ của 110 quốc gia và khu vực, bao gồm cả Đài Loan và Litva, đã được đưa vào danh sách, nhưng ĐCSTQ đã bị loại.
Đây thực sự là một đả kích lớn đối với ĐCSTQ. Lá bài của ông Biden tại Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ Quốc tế là một mũi tên trúng 3 đích: Mỹ không hoan nghênh nền chính trị chuyên chế của ĐCSTQ; diễn giải một cách ung dung về “Chính sách một Trung Quốc” mà Mỹ theo đuổi; thể hiện sự trượng nghĩa và chính nghĩa cho Litva và thế giới. ĐCSTQ tức giận, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ biểu thị “kiên quyết phản đối”.
4. Úc nói “không” với ĐCSTQ tham gia CPTPP
Theo truyền thông Úc đưa tin, vào ngày 22/11, Thủ tướng Morrison đã nói rõ trong cuộc họp báo rằng việc ĐCSTQ cưỡng ép kinh tế đối với các đối tác thương mại là không phù hợp với việc tham gia “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP) có tiêu chuẩn cao.
Ông Morrison cũng cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida về vấn đề này.
Hai tháng trước, ĐCSTQ đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ĐCSTQ hiếm khi thực hiện cam kết của mình, và thu lợi từ WTO bằng cách phá hoại các quy tắc. Hiện nay, khi kinh tế ĐCSTQ ngày một đi xuống, ĐCSTQ muốn sao chép CPTPP thành mô hình WTO khu vực để tự tung tự tác.
Kể từ năm 2020, ĐCSTQ đã tiếp tục có những hành động đối kháng với Úc do vấn đề truy tìm nguồn gốc của dịch bệnh, đồng thời phát động các biện pháp trả đũa và trừng phạt thương mại đối với Úc. Trong hai tháng qua, Bộ trưởng Bộ Thương mại Úc đã nhiều lần nói về việc không chấp nhận ‘quốc gia uy hiếp kinh tế’ tham gia CPTPP, và chĩa mũi dùi vào ĐCSTQ.
Mặt khác, Úc tỏ ra rất thân thiện và yêu mến Đài Loan, Đài Loan cũng đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào tháng 9. Trước những hành động khiêu khích quấy rối Đài Loan tại khu vực eo biển Đài Loan của máy bay quân sự Trung Quốc, Úc đã tuyên bố rõ ràng rằng sẽ cùng tiến cùng lùi với Mỹ trong chính sách đối với Đài Loan. Theo phân tích, quan điểm của Úc về vấn đề CPTPP nhận thêm thành viên, nếu vẽ dấu gạch chéo lên ĐCSTQ, vậy ắt sẽ vẽ dấu tick đối với Đài Loan.
5. Hạ viện Hà Lan thông qua nghị quyết ủng hộ Đài Loan tham gia Interpol
Đại hội đồng Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) lần thứ 89 được tổ chức tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, từ ngày 23-25/11. Vào tháng 9, ông Hoàng Gia Lộc, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự Đài Loan, đã gửi thư cho chủ tịch Interpol, Kim Jong Yang, mong muốn được tham gia với tư cách quan sát viên, nhưng vẫn không được mời.
Theo Đài Á Châu Tự Do, hơn 30 quốc gia và 570 thành viên Quốc hội ủng hộ sự tham gia của Đài Loan vào Interpol. Trong số đó, 71 nghị sĩ Mỹ ủng hộ Đài Loan.
Ngày 24/11, Thời báo Tự Do (Liberty Times) tại Đài Loan đưa tin, Hạ viện Hà Lan đã thông qua một đề nghị với tỷ lệ áp đảo 149: 1 (1 phiếu vắng mặt) vào chiều 23/11, kêu gọi Chính phủ Hà Lan và các nước có cùng quan điểm ủng hộ Đài Loan tham gia Interpol. Lần đầu tiên, Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Ben Knapen công khai bày tỏ sự ủng hộ việc Đài Loan tham gia vào Interpol. Đây là lần thứ hai kể từ năm 2019, Hà Lan công khai ủng hộ Đài Loan gia nhập một tổ chức quốc tế.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Thời báo Hoàn Cầu hôm 24/11, Đại sứ của ĐCSTQ tại Hà Lan nói kiên quyết phản đối, hành động này của Hà Lan là đang can thiệp vào công việc nội bộ và ủng hộ Đài Loan độc lập. Đại sứ ĐCSTQ chỉ nói về lý do bề mặt khiến ĐCSTQ tức giận, còn nguyên nhân sâu xa đằng sau lại không nhắc đến.
Ông Thôi Hồng Kiện (Cui Hongjian), Giám đốc Viện Châu Âu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, tự tiết lộ về nỗi sợ hãi nhất của ĐCSTQ: “Đối với Trung Quốc Đại Lục, chúng ta nên ngăn chặn các hành động tương tự của Quốc hội Hà Lan, để các nước khác ở Châu Âu không bắt chước làm theo.”
Áp lực mà ĐCSTQ gây ra cho Đài Loan, đang là “trợ lực” để Đài Loan bước lên vũ đài quốc tế.
6. Tổng thống Philippines chọc giận ĐCSTQ
Philippines là đối tác ASEAN của ĐCSTQ. Ngày 16/11, ba tàu tuần duyên Trung Quốc bắn vòi rồng vào hai tàu tiếp tế đang tiến đến rạn san hô Thomas thứ hai trên Biển Đông để chuyển hàng cho binh sĩ Philippines, sự việc này đã khiến Manila phản đối mạnh mẽ.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Lochin cho biết trong một tuyên bố rằng “dùng những lời lẽ mạnh mẽ nhất” bày tỏ “sự tức giận, lên án và phản đối” với Đại sứ ĐCSTQ tại Philippines Hoàng Khê Liên và Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Vào ngày 22/11, tại “Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại Trung Quốc – ASEAN”, Tổng thống Philippines Duterte đã dùng tiếng Anh để chọc tức ông Tập Cận Bình: “Chúng tôi ghê tởm sự kiện xảy ra gần đây tại đảo Ayungin (Bãi Cỏ Mây) và quan ngại sâu sắc về những diễn biến tương tự khác.” Cảnh quay đoạn phát biểu này này đã bị chặn hoàn toàn trên các kênh truyền thông của ĐCSTQ.
Đài Á Châu Tự Do đưa tin, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh, ông Tập Cận Bình nói ĐCSTQ “không bao giờ mưu cầu bá quyền”, tuy nhiên các nước ở Biển Đông đã nghe thấy và nhìn thấy những gì ĐCSTQ làm, và uy tín của họ đã bị phá sản ở Đông Nam Á.
7. Bộ Thương mại Mỹ đưa ra danh sách chế tài doanh nghiệp công nghiệp quân sự của ĐCSTQ
Ngày 24/11, Bộ Thương mại Mỹ thông báo đã đưa 27 công ty Trung Quốc và Pakistan vào “danh sách thực thể” đe dọa an ninh quốc gia, trong đó có 12 công ty Trung Quốc. Chính phủ Mỹ tuyên bố rằng họ “tham gia vào các hoạt động vi phạm lợi ích của an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ” bao gồm cả việc trợ giúp các nỗ lực tính toán lượng tử của quân đội Trung Quốc.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin: “Nằm trong Danh sách thực thể của Bộ Thương mại Mỹ có nghĩa là các công ty Mỹ phải có sự cho phép đặc biệt thì mới được bán sản phẩm cho các công ty trong danh sách này, và đơn đăng ký cấp phép này rất có khả năng bị từ chối.”
Ngày 25/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Triệu Lập Kiên tuyên bố rằng “Trung Quốc có quyền thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết chống lại Mỹ”. Không biết Triệu Lập Kiên nói về những biện pháp đối phó mạnh mẽ nào, là muốn trục xuất hoàn toàn vốn đầu tư của Mỹ ra khỏi Trung Quốc chăng?
8. Liên minh châu Âu tiếp tục ném bom chấn động một lần, quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc
Ngày 24/11, Ủy ban các đại diện thường trực của các nước thành viên EU, do các đại sứ của các nước thành viên EU tổ hợp thành, đã trực tiếp thông qua một nghị quyết “mà không cần thảo luận” để mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức ĐCSTQ và một thực thể. Bao gồm cựu bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Tân Cương Chu Hải Luân và Phó bí thư Đảng ủy, kiêm Bí thư Đảng ủy Quân đoàn Xây dựng Vương Quân Chính, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Vương Minh Sơn và Giám đốc Sở Công an Trần Minh Quốc. Đơn vị bị xử phạt là Cục Công an thuộc Công đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương. Các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản và áp đặt lệnh cấm đi lại.
Quyết định này sẽ có tác động tiêu cực tương đối lớn đến “Hiệp định Đầu tư Toàn diện Châu Âu – Trung Quốc” được ký kết vào tháng 12/2020, và hiệp định đầu tư này khó có thể tồn tại. Vào tháng 3/2021, các lệnh trừng phạt của EU đối với Trung Quốc đã khiến thỏa thuận này bị bế tắc.
Trong quá trình giao thiệp với ĐCSTQ trong nhiều năm, EU cũng ngày càng trở nên lý trí và tỉnh táo hơn. Thủ tướng Ý Mario Draghi đã 3 lần sử dụng đạo luật chống sáp nhập trong năm nay để ngăn các công ty Trung Quốc mua lại các công ty trong ngành công nghiệp có ý nghĩa chiến lược quốc gia ở Ý; tờ Financial Times ngày 24/11 đưa tin, Ngoại trưởng Anh Elizabeth Truss đã thành lập cơ quan “Đầu tư quốc tế của Vương quốc Anh” để đầu tư vào các quốc gia ở Châu Á, Châu Phi và Caribe nhằm thay thế cho sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của ĐCSTQ.
9. Hải quân 5 nước diễn tập quân sự ở Biển Đông, nhắm vào ĐCSTQ
Từ ngày 21 đến 30/11, lực lượng liên hợp do Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản dẫn đầu, gồm hải quân của Úc, Canada, Đức, Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận quân sự chung đa phương. Cuộc tập trận này mang mật danh “ANNUALEX” ở vùng biển Philippines.
Ông John Aquilino, Tư lệnh của Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, tuyên bố rằng Mỹ và các đồng minh nên tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự hơn để đối phó với nhiều “mối đe dọa của ĐCSTQ”. Các chuyên gia phân tích, cuộc tập trận chung là cuộc tập trận phong tỏa nhắm vào tàu ngầm của ĐCSTQ xâm nhập bờ biển Ba Sĩ (Bashi) đến chuỗi đảo thứ nhất.
Điều đáng nói là tàu khu trục lớp Brandenburg của Đức FGS Bayern F-217 cũng tham gia cuộc tập trận chung, đây là cuộc tập trận đầu tiên của Hải quân Đức tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong 20 năm qua. Trung tướng Kay-Achim Schonbach, Tư lệnh Hải quân Đức cho biết, Hải quân Đức sẽ tiến hành hợp tác quốc phòng sâu rộng hơn với các đồng minh trong khu vực và tăng cường cam kết duy trì an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Sự tham gia của Đức vào cuộc tập trận cho thấy khả năng NATO chuyển trọng tâm sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và việc điều chỉnh định hướng chiến lược của NATO sẽ gây nhiều áp lực lên ĐCSTQ
Hách Bình
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)
Xem thêm:
Từ khóa Trương Cao Lệ Dòng sự kiện Tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Quan hệ Đài Loan - Litva Bành Soái Tẩy chay Olympic Bắc Kinh