Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã phát biểu báo cáo công tác của chính phủ tại Kỳ họp thứ 5 của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Đại hội Toàn quốc) khóa 13. Trong phần trình bày của mình, ông đã dành nhiều lời khen ngợi quá mức cho ông Tập Cận Bình. Theo phân tích bên ngoài, ý định của ông Lý Khắc Cường là mở đường cho nhiệm kỳ mới của ông Tập Cận Bình lên nắm “quyền lực tuyệt đối”.

621f065dc6d09c94ab95b747
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trình bày Báo cáo công tác của Chính phủ tại cuộc họp khai mạc kỳ họp thứ tư của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 13 tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 5 tháng 3 năm 2021 (Ảnh: www.gov.cn)

Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khai mạc vào ngày 5/3. Ông Lý Khắc Cường đã báo cáo về công tác của chính phủ. Toàn bài vẫn lấy sự “ổn định” do Chủ tịch Tập Cận Bình đặt định làm trục điều hành chính, và gần như “bỏ qua” các yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc hoàn thành mục tiêu như chiến tranh Nga-Ukraine.

Trong những đoạn điểm lại công việc và công tác ngoại giao năm qua, có nhiều lời khen ngợi quá mức dành cho ông Tập Cận Bình. Ví dụ, trong báo cáo của mình, ông Lý Khắc Cường yêu cầu chính quyền các cấp phải “nhận thức sâu sắc” ý nghĩa của “2 xác lập”, để đạt được “2 duy hộ”, và duy trì “mức độ nhất quán cao” với “Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà đồng chí Tập Cận Bình làm nòng cốt.”

“2 xác lập” chỉ việc xác lập ông Tập Cận Bình làm nòng cốt của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ và nòng cốt của toàn ĐCSTQ; đồng thời xác lập quan điểm chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới. Kỳ thực là nhằm tâng bốc “thành quả chính trị quan trọng” từ Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ đến nay.

“2 duy hộ” là khẩu hiệu mà ông Tập đưa ra trong thời gian cầm quyền của mình, đề cập đến việc giữ vững vị trí nòng cốt của ông Tập trong Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ và trong toàn Đảng; đồng thời giữ vững quyền lực và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ.

Trong báo cáo công việc của chính phủ do ông Lý Khắc Cường đưa ra lần này, ông đề cập rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế dự kiến ​​cho năm nay là khoảng 5,5%. Đây là mức thấp nhất trong kế hoạch kinh tế của ĐCSTQ trong nhiều thập kỷ. Năm ngoái nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng vẫn được đặt ở mức 6%.

Một số kênh truyền thông cho rằng đánh giá từ bài phát biểu của ông Lý Khắc Cường cho thấy, việc ông Tập Cận Bình tái đắc cử dường như đã không thành vấn đề.

Theo phân tích của “New York Times”, ngoài nỗi lo toàn cầu về cuộc chiến đang nhấn chìm Ukraine, Trung Quốc đã đặt nền kinh tế năm 2022 của mình trên con đường mở rộng ổn định, ưu tiên tăng trưởng, tạo việc làm và tăng phúc lợi xã hội. Trong đó dường như có ẩn ý rằng:

Trung Quốc có thể vượt qua tình trạng hỗn loạn ở châu Âu và cam kết ổn định nền kinh tế trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 20 quan trọng của ĐCSTQ vào mùa thu này. Ông Tập Cận Bình gần như chắc chắn sẽ kéo dài thời gian cầm quyền của mình vào khi đó.

Ông Lý Khắc Cường cho biết trong báo cáo công tác của chính phủ rằng cần tăng cường huấn luyện quân đội và khả năng sẵn sàng chiến đấu; đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý và hậu cần quân đội.

Quân đội ĐCSTQ đang phát triển nhiều loại vũ khí, từ máy bay chiến đấu tàng hình đến hàng không mẫu hạm. Theo báo cáo ngân sách do chính phủ ĐCSTQ đệ trình, chi tiêu quốc phòng năm nay là 1.450,4 tỷ nhân dân tệ (NDT, tương đương 229,5 tỷ USD), tăng 7,1%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với mức tăng của năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2019.

Tờ “New York Times” cho rằng trước tình hình bất ổn toàn cầu do dịch bệnh và cuộc chiến ở Ukraine gây ra, báo cáo nhấn mạnh chính phủ chú trọng việc duy trì sự tăng trưởng. Ông Lý Khắc Cường đã khiến những người nghĩ rằng ông sẽ lên tiếng về Ukraine cảm thấy thất vọng. Nhưng ngân sách quân sự tăng 7,1% dường như cũng cho thấy rằng họ đang chuẩn bị cho một thế giới ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.

Trang BBC tiếng Trung dẫn lời ông Takashi Kawakami, giáo sư tại Viện Các vấn đề hải ngoại thuộc Đại học Takushoku của Nhật Bản, đã phân tích rằng bước tiếp theo mà ngoại giới chú ý là cách Hoa Kỳ phản ứng với sự tăng trưởng chi tiêu quân sự của Trung Quốc, nhưng ông mô tả tình hình hiện tại “dường như đã hình thành một cuộc chạy đua vũ trang.”

Một mối quan tâm khác trong báo cáo công tác chính phủ của ông Lý Khắc Cường là cách diễn đạt bằng văn bản liên quan đến Hồng Kông và Đài Loan. Ông Lý Khắc Cường nói rằng năm nay Trung Quốc sẽ thực hiện quản trị toàn diện đối với Hồng Kông và Ma Cao.

Về Đài Loan, ông cho rằng công tác về Đài Loan cần quán triệt theo “chiến lược tổng thể của đảng về giải quyết vấn đề Đài Loan trong thời kỳ mới”, tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc”“Đồng thuận năm 1992”, thúc đẩy “phát triển hòa bình và thống nhất” các mối quan hệ xuyên eo biển, và kiên quyết “phản đối hành động ly khai Đài Loan độc lập” “sự can thiệp của các thế lực bên ngoài.”

Ông Lý Khắc Cường không nêu tên các thế lực bên ngoài, nhưng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan đã trở nên thân thiết trong những năm gần đây. Ủy ban các vấn đề Đại lục của Đài Loan đã đưa ra một tuyên bố về báo cáo công việc của ông Lý Khắc Cường, đặc biệt đề cập đến tuyên bố “giải quyết vấn đề Đài Loan”, rằng nếu chính quyền Bắc Kinh không phản ứng cụ thể, cộng đồng quốc tế sẽ cảnh giác trước mối đe dọa của họ đối với an ninh của eo biển Đài Loan, và bất kỳ cuộc thảo luận chính sách, thiết lập lý luận, hay nền pháp chế đơn phương nào, v.v. đều là vô căn cứ.