Cục An ninh Quốc gia của Cảnh sát Hồng Kông đã công bố một loạt danh sách truy nã mới vào ngày 24/12, liên quan đến 6 người Hồng Kông ở nước ngoài. Hong Kong Watch, một tổ chức phi chính phủ của Anh luôn chú ý đến tình hình nhân quyền ở Hồng Kông, đã lên án mạnh mẽ hành vi đàn áp xuyên quốc gia của chính quyền Hồng Kông và kêu gọi chính phủ các nước Mỹ, Anh, Canada và Úc thực hiện các biện pháp trừng phạt có mục tiêu.

id13847389 Screenshot 2022 10 17 at 16.25.54 1 600x400 1
Một số nhân viên Lãnh sự quán ĐCSTQ tại Anh đã kéo một công dân Hồng Kông (giữa) vào trong Lãnh sự quán, và cảnh sát Anh đang cố kéo họ ra thì một người đàn ông tóc trắng được cho là là Lãnh sự ĐCSTQ Trịnh Hy Nguyên (Zheng Xiyuan) đã túm tóc công dân Hồng Kông lôi vào. (Ảnh chụp màn hình video)

Những người bị truy nã bao gồm nghệ sĩ giải trí Trịnh Kính Cơ (Cheng King-kee), cựu trợ lý giáo sư của Đại học Bách khoa Hồng Kông Chung Kiếm Hoa (PolyU Chung Kin-wah), người triệu tập “Phong trào sinh viên” Chung Hàn Lâm (Chung Han-lam), và cựu thành viên Hội đồng quận Hoàng Đại Tiên Lưu Gia Văn (Liu Jia Wen), các nhà báo Hà Lương Mậu (Victor Leung Mau Ho) và Trương Hy Tình (Cheung Hei Ching). Nhà chức trách chỉ ra rằng họ lần lượt dính líu đến tội kích động ly khai, lật đổ quyền lực nhà nước và thông đồng với nước ngoài hoặc lực lượng nước ngoài nhằm gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia; treo thưởng 1 triệu nhân dân tệ/ người cho ai cung cấp thông tin. Cục An ninh Quốc gia của Cảnh sát Hong Kong cho biết mỗi người đều bị nghi ngờ phản bội đất nước và coi thường lợi ích của người dân Hong Kong.

Theo truyền thông Hồng Kông đưa tin, cùng với 6 người nêu trên, Cục An ninh Quốc gia của Cảnh sát Hồng Kông đang truy lùng 19 người nước ngoài. Đầu tháng 7/2023, cơ quan này của Cảnh sát Hồng Kông thông báo rằng 8 người, bao gồm Quách Vinh Khanh (Dennis Kwok Wing-hang), Hứa Trí Phong (Ted Hui Chi-fung), La Quán Thông, Nhậm Kiến Phong (Kevin Yam), Lưu Tổ Địch (Finn Lau), Quách Phượng Nghi (Anna Kwok), Mông Triệu Đạt (Mung Siu Tat) và Viên Cung Di. Theo cảnh sát, họ đang ở Anh, Mỹ, Úc.

Ngoài ra, Cục trưởng An ninh Hồng Kông, Đặng Bính Cường đã thực thi quyền lực được trao bởi “Sắc lệnh duy trì và bảo vệ an ninh quốc gia” hôm thứ Ba để liệt kê 7 người, gồm Hứa Trí Phong, Quách Phượng Nghi, Viên Cung Di, Quách Vinh Khanh, Hứa Dĩnh Đình, Thiệu Lam, bỏ trốn vì tội ác gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Các biện pháp thực hiện bao gồm “cấm cung tiền, hoặc xử lý vốn, v.v.”, “cấm đối với một số hoạt động nhất định liên quan đến bất động sản”, “cấm liên doanh hoặc hợp tác liên quan đến những người bỏ trốn có liên quan” “thu hồi hộ chiếu Đặc khu”, v.v. Ông Quách Vinh Khanh và ông Nhậm Kiến Phong cũng bị “tạm thu hồi bằng cấp chuyên môn”, lệnh thu hồi có hiệu lực ngay lập tức.

Tại Brussels, Người phát ngôn Chính sách đối ngoại và an ninh của EU Anouar El Anouni cho biết trên mạng xã hội X: “Việc áp dụng Luật An ninh Quốc gia (Hồng Kông) ngoài lãnh thổ làm trầm trọng thêm mối lo ngại của chúng tôi và làm suy yếu sức hấp dẫn của Hồng Kông với tư cách là một trung tâm kinh doanh quốc tế”.

Ông Anouar El Anouni nói thêm: “EU kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các cam kết quốc tế và nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’. EU kêu gọi chính quyền Hồng Kông ngừng đàn áp các lực lượng dân chủ và bảo vệ các quyền tự do cơ bản được quy định ở Luật cơ bản của Hồng Kông”.

Tại London, Ngoại trưởng Anh David Lammy kêu gọi chính quyền Hồng Kông “ngưng nhắm mục tiêu vào các cá nhân ở Anh và những nơi khác ủng hộ tự do và dân chủ”.

Ông David Lammy nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không dung thứ cho những nỗ lực của các chính phủ nước ngoài nhằm ép buộc, đe dọa, quấy rối hoặc làm hại những người chỉ trích họ ở nước ngoài, đặc biệt là ở Anh”. Ông nói: “Chính phủ nhiệm kỳ này cam kết chắc chắn hỗ trợ tất cả các thành viên của cộng đồng Hồng Kông đã chuyển đến Vương quốc Anh”.

Tính cả những người bị truy nã năm ngoái, Cục An ninh Quốc gia của Hồng Kông cho đến nay đã truy nã tổng cộng 19 người, và mỗi người truy nã có mức treo thưởng 1 triệu đô la Hồng Kông.

Kêu gọi chính phủ Mỹ, Anh, Canada và Úc áp đặt các biện pháp trừng phạt

Hong Kong Watch hôm nay đã đưa ra một tuyên bố về hành động của chính quyền Hồng Kông. Ông Chris Patten, nhà tài trợ của tổ chức này và cựu Thống đốc Hồng Kông, cho biết: “Việc Chính phủ Hồng Kông đàn áp tàn bạo các nhà hoạt động dân chủ ở nước ngoài là một hành động vượt quá thẩm quyền một cách trắng trợn, phớt lờ các chuẩn mực quốc tế. ‘Luật An ninh Quốc gia’ và ‘Pháp lệnh Duy trì và bảo vệ An ninh Quốc gia’ không có thẩm quyền pháp lý bên ngoài Hồng Kông và không nên xâm nhập vào các quốc gia dân chủ được coi là nơi trú ẩn an toàn.”

Ông cũng tin rằng chính phủ Vương quốc Anh, Mỹ, Canada và Úc cần có hành động quyết đoán và phối hợp để “bảo vệ những nhà hoạt động xã hội này khỏi sự đàn áp xuyên quốc gia, đảm bảo an toàn cho họ, đồng thời chống lại những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu các giá trị dân chủ mà chúng ta xem trọng và yêu quý”.

Hong Kong Watch
Hong Kong Watch lên án mạnh mẽ sự đàn áp xuyên quốc gia của Chính phủ Hồng Kông và kêu gọi chính phủ các nước Mỹ, Anh, Canada và Úc thực hiện các biện pháp trừng phạt có mục tiêu. (Ảnh chụp màn hình trang web Hong Kong Watch)

Bà Megan Khoo, giám đốc chính sách của Hong Kong Watch, cho biết bà cực lực lên án hành động của Chính phủ Hồng Kông. Bà tin rằng những hành động này rõ ràng là sự đàn áp xuyên quốc gia nhằm trấn áp những người bất đồng chính kiến ​​và mở rộng phạm vi chuyên chế độc tài ở Hồng Kông ra nước ngoài.

Bà kêu gọi chính phủ các nước Mỹ, Vương quốc Anh, Canada và Úc khẩn trương ứng phó bằng cách “áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với các quan chức có liên quan (của Hồng Kông) và tăng cường các biện pháp chống lại hành vi đàn áp ở nước ngoài.” Đồng thời thực hiện hành động tập thể để “bảo vệ quyền lợi và tự do của người Hồng Kông lưu vong”.

Trung tâm Thông tin Nhân quyền Hồng Kông: Lạm dụng luật an ninh quốc gia làm suy yếu uy tín của hệ thống pháp luật

Trung tâm Thông tin Nhân quyền Hồng Kông lên án chính quyền coi quyền tự do ngôn luận và vận động chính trị ôn hòa là phạm tội, lạm dụng an ninh quốc gia làm cái cớ, vi phạm nhân quyền được bảo đảm bởi “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị”.

Trung tâm nhấn mạnh rằng các sáng kiến ​​​​hòa bình và quan điểm chính trị được Công ước bảo vệ. Ngay cả khi những ý kiến ​​này không được Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ Hồng Kông chấp nhận, chúng không tạo thành mối đe dọa an ninh quốc gia. Nhà cầm quyền không được lợi dụng những quan ngại về an ninh quốc gia để đàn áp các sáng kiến ​​dân chủ, nhân quyền cũng như những lời chỉ trích chính phủ và chế độ chính trị.

Trung tâm cũng lo ngại rằng chính quyền đã thu hồi trình độ chuyên môn của các luật sư Quách Vinh Khanh và Nhậm Kiến Phong. Trung tâm cho rằng hành động này gây tổn hại đến tính tự chủ chuyên môn của giới luật sư, đe dọa nền tảng pháp trị. Trung tâm chỉ trích động thái này của chính quyền Hồng Kông đã bỏ qua các cơ quan giám sát độc lập, phá vỡ tính tự chủ chuyên nghiệp, khiến dư luận quan ngại sâu sắc. Việc chính quyền Hồng Kông lạm dụng Luật An ninh Quốc gia không chỉ làm suy yếu lòng tin vào hệ thống pháp luật mà còn phơi bày thực trạng về tính độc lập của tư pháp và tính tự chủ chuyên môn của luật sư đang bị đe dọa bởi yếu tố chính trị.

Trung tâm Thông tin Nhân quyền Hồng Kông nhắc lại rằng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhiều ủy ban đại hội nhân quyền và nhiều báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền đã nhiều lần chỉ trích Luật An ninh Quốc gia là vi phạm nhân quyền, yêu cầu rút lại “Luật An ninh Quốc gia” và đình chỉ các cuộc truy tố liên quan, đồng thời kêu gọi Chính phủ Hồng Kông chấp nhận các khuyến nghị liên quan và có hành động khắc phục ngay lập tức.

Trí Đạt (t/h)