Chứng khoán Hồng Kông và Đại Lục đều tăng sau tin ông Giang Trạch Dân qua đời
- Chính Hâm
- •
Cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân qua đời vì bệnh vào ngày 30/11, nhưng thị trường chứng khoán Hồng Kông và Đại Lục cũng như tỷ giá hối đoái RMB (nhân dân tệ) lại tăng lên – biểu hiện được xem là khác thường.
Theo truyền thông ĐCSTQ, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã qua đời tại Thượng Hải vào lúc 12:13 ngày 30/11, hưởng thọ 96 tuổi, nguyên nhân do bệnh bạch cầu và suy đa tạng.
Vào ngày giao dịch cuối của tháng 11 (30/11), thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến ở Trung Quốc có mức giá mở cửa thấp, nhưng sau khi có tin chính thức về cái chết của ông Giang Trạch Dân thì thị trường đã nhanh chóng tăng điểm vào cuối phiên giao dịch, theo đó cả ba chỉ số chính đều chuyển sang màu đỏ.
Qua ngày 1/12, ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến ở Trung Quốc mở cửa đã ở mức cao hơn; biến động tăng đến thời điểm đóng cửa chỉ số Thượng Hải tăng 0,45%, chỉ số Thâm Quyến tăng 1,4%, chỉ số ChiNext tăng 1,53 %; hơn 3100 cổ phiếu tại các sàn ở hai thành phố lớn của Trung Quốc này đã tăng mạnh mang về doanh thu vượt 1.000 tỷ RMB sau nửa tháng.
Ngày 1/12, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đóng cửa tăng 0,75% và chỉ số Công nghệ Hang Seng tăng 1,08%. Cổ phiếu bán lẻ và cổ phiếu ô tô tăng nhiều nhất, cổ phiếu bất động sản Đại Lục và cổ phiếu than giảm nhiều nhất. Hầu hết các cổ phiếu công nghệ đều tăng: Xiaopeng Motors tăng hơn 12%, Weilai tăng hơn 8%, AEON tăng hơn hơn 7%, Baidu tăng hơn 5%, Alibaba và Bilibili tăng hơn 3%.
Trước đó vào chiều 30/11, thị trường chứng khoán Hồng Kông còn tăng mạnh hơn, nhiều cổ phiếu tiêu dùng và công nghệ tăng vọt khiến Hang Seng Index tăng mạnh vào buổi chiều, tính đến cuối phiên Hang Seng Index tăng 2,16%.
Tỷ giá hối đoái của RMB cũng tăng nhanh, tăng gần 1000 điểm. Ngày 30/11, tỷ giá hối đoái của RMB trong và ngoài nước so với đồng USD đều tăng cao, tính đến 20:30 tỷ giá hối đoái của RMB tại Trung Quốc so với USD tăng khoảng 1,34%; tỷ giá hối đoái của RMB ở nước ngoài so với USD tăng khoảng 0,92%.
Sang ngày 1/12, tỷ giá hối đoái của RMB vẫn tiếp tục tăng, lúc 13:09 tỷ giá hối đoái của RMB nước ngoài so với USD ở mức 7,0570, tăng 4,30% so với mức thấp 7,3748 vào ngày 25/10; tỷ giá hối đoái của RMB trong nước so với USD được báo là 7,0649 đã tăng 3,59% so với mức thấp 7,3280 vào ngày 1/11.
Trái với thông lệ
Biểu hiện của thị trường chứng khoán Đại Lục và Hồng Kông cùng tỷ giá hối đoái của RMB tăng sau tin ông Giang Trạch Dân qua đời được xem như khác với hoạt động của thị trường thường thấy trong những dịp có nguyên thủ quốc gia qua đời.
Chẳng hạn vào khoảng 11:30 (giờ Nhật Bản) ngày 8/7 khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị bắn gục trong lúc đang đọc diễn văn trên đường phố ở thành phố Nara và được trực thăng đưa đến bệnh viện để cấp cứu, nhưng cuối cùng đã thiệt mạng (ở tuổi 67). Bị ảnh hưởng bởi vụ ám sát Shinzo Abe, thị trường chứng khoán Nhật Bản ngày 8/7 lao dốc trong hoảng loạn, chỉ số Nikkei 225 từng tăng khoảng 1,5% vào đầu phiên giao dịch thì biên độ tăng khi đóng phiên chỉ còn 0,1%.
Ngày 8/9 (giờ tại Anh) khi Nữ hoàng Elizabeth II của Anh qua đời tại lâu đài Balmoral – Scotland (thọ 96 tuổi) thì hôm đó đồng bảng Anh bị sụt giá. Qua ngày 7/9, tỷ giá hối đoái của đồng bảng Anh so với đồng USD đã chạm mức thấp nhất trong 37 năm.
Diễn biến của thị trường chứng khoán Trung Quốc, Hồng Kông và tỷ giá hối đoái của RMB sau cái chết của ông Giang Trạch Dân cũng khác với khi “Phong trào Giấy trắng” nổ ra ở Trung Quốc trước đó.
Tờ WSJ có nhận định điều này là đáng ngạc nhiên, vì bối cảnh Trung Quốc gia tăng các ca nhiễm COVID-19 khiến tình hình kinh tế bất ổn cũng như các cuộc biểu tình gần đây của người Trung Quốc chống ‘Zero COVID’ đang gây tâm lý bất an cho giới đầu tư.
Chứng khoán ở Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông đều giảm trong ngày 29/11 sau khi các cuộc biểu tình phản đối chính sách phòng chống dịch bệnh ‘Zero COVID’ leo thang. Hang Seng của Hồng Kông vốn bị chi phối bởi chứng khoán Trung Quốc Đại Lục đã giảm hơn 4% sau khi mở cửa, chỉ số này có khôi phục chút trong ngày nhưng vẫn giảm khoảng 1,6% vào giữa buổi chiều, trong khi chỉ số CSI 300 của Trung Quốc Đại Lục đóng cửa giảm 1,1%.
Trong tuần trước, người dân ở một số thành phố lớn tại Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Vũ Hán… đã tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn (gọi là “Phong trào Giấy trắng”) hiếm thấy ở Trung Quốc. Các cuộc biểu tình là hệ quả từ vụ hỏa hoạn (ngày 24/11) tại chung cư ở Urumqi thủ phủ của Tân Cương gây chết nhiều người. Dư luận cho rằng chính vấn đề phong tỏa chống dịch nghiêm ngặt làm công tác chữa cháy bị chậm trễ và nhiều người không thể chạy thoát thân.
Từ khóa Giang Trạch Dân chứng khoán Trung Quốc Dòng sự kiện Thị trường Chứng khoán Hồng Kông Giang Trạch Dân qua đời kinh tế Trung quốc