Chuyên gia Hồng Kông: Trung Quốc dùng chiến thuật “lấy quần chúng đấu quần chúng”
- Tuyết Mai
- •
Ngay sau ngày chiến dịch “tam bãi” (bãi công, bãi thị, bãi học) phản đối dự luật dẫn độ Hồng Kông 05/8, Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Macao đã tổ chức buổi họp báo lần thứ hai trong tuần để trả lời về phong trào bãi công và thị uy đang bùng nổ ở Hồng Kông. Tại cuộc họp, những câu hỏi được quan tâm nhất là ĐCSTQ có huy động quân đội không, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga có từ chức không. Phát ngôn viên Dương Quang (Yang Guang) của Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Macao đã trả lời bằng bốn câu ngắn gọn tổng kết quan điểm của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Dương Quang cho biết, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là lực lượng đáng tin cậy và hùng mạnh; quân đội là “chí sĩ văn minh”, sẽ theo quy định liên quan của “Luật cơ bản” để hành động; thứ ba, ông cũng đề cập đến “sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền trung ương và nhân dân toàn quốc, bao gồm đông đảo đồng bào Hồng Kông, Chính phủ Đặc khu Hồng Kông và lực lượng cảnh sát Hồng Kông hoàn toàn có khả năng trừng phạt tội phạm bạo lực, khôi phục trật tự xã hội và khôi phục sự ổn định xã hội”.
Cuối cùng ông nói: “Chính phủ trung ương sẽ không để xảy ra tình hình mạo phạm vào ranh giới nguyên tắc một nước hai chế độ mà không bị trừng phạt, cũng không bỏ mặc tình hình rối loạn ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Hồng Kông, gây nguy hiểm cho sự thống nhất và an ninh quốc gia.”
Bốn câu tổng kết của Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Macao
Liên quan đến phản hồi của ông Dương Quang, chuyên gia vấn đề Hồng Kông Thần Chung (Chen Zhong) cho biết, bốn câu này tổng kết thông điệp mà ĐCSTQ muốn bày tỏ qua cuộc họp báo này:
Thứ nhất là tinh thần “vĩ đại – vinh quang – chính xác” nhất quán của ĐCSTQ.
Thứ hai là hàm nghĩa sẽ không để quân đội can thiệp bất chấp quy tắc, có thể tạm xem như là ĐCSTQ sẽ không cho phép quân đội can thiệp, vì tình hình quốc tế hiện nay, đặc biệt là vấn đề đàm phán thương mại Mỹ – Trung, nếu để quân đội can thiệp khiến Mỹ tăng cường trừng phạt làm ĐCSTQ tràn ngập nguy cơ là rất bất lợi.
Thứ ba là cho phép huy động một số thế lực tại Hồng Kông nhằm phục hồi tình trạng mất khả năng kiểm soát Hồng Kông, đây lại là ngõ cụt đối với Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đồng thời không khác gì bật đèn xanh cho bà ta xử lý tình hình theo hướng cứng rắn. Điều này hàm nghĩa có khả năng tương lai sẽ thay thế quân đội bằng các thế lực khác tại Hồng Kông. Ý cuối cùng mà ông Dương Quang bổ sung đã nhấn mạnh ranh giới của ĐCSTQ.
Chuyên gia: ĐCSTQ sử dụng thế lực bên ngoài để bình ổn
Nhà bình luận thời sự Trình Tường (Cheng Xiang) cho rằng, qua bài phát biểu của Dương Quang có thể hiểu rằng ĐCSTQ sẽ không cho quân đội dính vào Hồng Kông, “Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không sử dụng lực lượng bên ngoài chế độ, chúng ta đều biết có một số loại vũ khí mà ĐCSTQ có thể dùng: thế lực báng súng, thế lực cán dao, giới xã hội đen. Thế lực báng súng là lực lượng Giải phóng quân danh chính ngôn thuận, thế lực cán dao là cảnh sát vũ trang và công an, ngoài ra còn những nhóm côn đồ, và hơn nữa là sử dụng giới xã hội đen.”
Ông chỉ ra, từ sự kiện Yuen Long ngày 21/7 cho thấy rõ rằng ĐCSTQ đã sử dụng thế lực bạo lực bên ngoài chế độ để thay họ làm những việc mà họ không thuận tiện để làm. Ông nhắc nhở người dân Hồng Kông: “Người dân Hồng Kông nên cẩn thận, đừng nghĩ rằng không có quân đội can thiệp thì yên ổn, vì cái giá phải trả của việc dùng quân đội là quá lớn, cộng đồng quốc tế sẽ biết rằng ĐCSTQ đã phá hủy nguyên tắc một nước hai chế độ, vì vậy trong tình hình bình thường sẽ không can thiệp bằng quân đội; nhưng hiện đang thúc đẩy để người Hồng Kông ủng hộ bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, giống như thông qua sự kiện Yuen Long đã xuất hiện một số người đứng lên ủng hộ, tôi lo lắng sẽ có chiến thuật dùng quần chúng chống lại quần chúng để áp chế phe phản kháng tại Hồng Kông. Thực tế gần đây cho thấy nhiều người biểu tình đã lên tiếng họ phát hiện tại khu North Point có bang Phúc Kiến thân ĐCSTQ chuẩn bị phản công. Nhưng do số người biểu tình quá đông nên nhóm người kia bỏ cuộc.”
Ông Trình Tường cho biết, ngày 06/8, ông cũng nhận được tin nhắn có nhóm người Phúc Kiến huy động đông đảo người đồng hương Đại lục đi đến trấn giữ khu North Point làm nhiều cửa hàng ở North Point đến Quarry Bay phải đóng cửa, vụ việc làm ông lo ngại có thể là thủ đoạn “dùng quần chúng đấu quần chúng”. Ông cho rằng việc ĐCSTQ cổ vũ niềm tin vào bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga có khả năng xử lý tình hình Hồng Kông, nhưng lại xác định tình hình hiện tại ở Hồng Kông mang màu sắc cách mạng, qua đó vấn đề trở thành sự kiện cướp chính quyền, điều này có thể được hiểu là cho phép bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga dùng nhiều thủ đoạn để đàn áp “cách mạng”, bật đèn xanh cho bà Lâm dùng thủ đoạn cực đoan để đối phó với những người biểu tình ôn hòa ở Hồng Kông.
“Bề ngoài nội dung họp báo này dường như cho biết không để quân đội can thiệp, nhưng thực tế ngụ ý rằng sẽ tăng cường sức mạnh trấn áp từ Chính phủ Hồng Kông và cảnh sát. Thật đáng tiếc nếu ĐCSTQ nhìn Hồng Kông mang màu sắc như cuộc cách mạng, muốn giành quyền cai quản Hồng Kông. Từ góc nhìn của người dân Hồng Kông thì thực tế vấn đề không phải vậy. Bản thân Hồng Kông là thuộc Trung Quốc, làm gì có chuyện chiếm đoạt Hồng Kông, mọi người chỉ phản đối dự luật dẫn độ sai lầm, không có bất kỳ biểu hiện nào giành quyền quản trị đối với Hồng Kông, kể từ khi bắt đầu chiến dịch biểu tình đến nay không có hiện tượng nào đòi Hồng Kông độc lập,” ông Trình Tường chỉ ra.
ĐCSTQ thiếu cơ chế tự phản tỉnh
Ông phân tích rằng phong trào chống dự luật dẫn độ ở Hồng Kông diễn biến cho đến ngày nay bởi vì ĐCSTQ không có cơ chế phản tỉnh tình hình nhanh chóng khi có vấn đề phát sinh, do đó một số vấn đề nhỏ đã phát triển thành vấn đề lớn: “Từ sự kiện này có thể thấy, dưới chế độ độc tài không bị sức mạnh nào kiềm chế sẽ không có cơ chế điều chỉnh kịp thời khi có vấn đề xảy ra, vì bản thân hệ thống thiếu cơ chế tự điều chỉnh. Do đó, những sai lầm khi bắt đầu có thể nhỏ và dễ giải quyết, nhưng dần dần khi không thể giải quyết được thì vấn đề đã trở thành ngày càng nghiêm trọng.”
Ông cho biết, vào ngày 09/6 nổ ra biểu tình của cả triệu người, nếu bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga thu hồi dự luật dẫn độ thì đã không có xung đột vào ngày 12/6, sau xung đột ngày 12/6 thì ý chí của đông đảo người dân càng mạnh hơn trong yêu cầu trách nhiệm, đòi thành lập ủy ban điều tra độc lập. Khi đòi hỏi của người dân mạnh mẽ hơn, nếu sau ngày 12/6 mà ý dân được đáp ứng thì vấn đề có thể đã sớm được giải quyết, sẽ không có chuyện hai triệu người xuất hiện. Nhưng sau khi hai triệu người xuất hiện cũng không thể giải quyết vấn đề. Bởi vì trong hệ thống quyền lực độc đoán không có cơ chế tự sửa chữa sai lầm, vấn đề sẽ ngày càng tồi tệ hơn, cho đến bây giờ lại cần trung ương can thiệp, muốn dùng cỗ máy bạo lực để hỗ trợ.
Sự tức giận của người dân Hồng Kông bắt nguồn từ việc chính quyền bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga thờ ơ trước đòi hỏi mạnh mẽ của công chúng, còn họp báo của ĐCSTQ hôm 06/8 rõ ràng đã ủng hộ chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga tiếp tục nắm quyền.
Ông Trình Tường nói: “Lý do Lâm Trịnh Nguyệt Nga có thể cứng rắn được là vì phía sau có cỗ máy độ độc tài lớn nhất thế giới yểm trợ, nếu không nhờ cỗ máy độc tài khổng lồ của thế giới này thì bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga hay bất cứ ai khác cũng phải từ chức trước làn sóng phản đối khủng khiếp như vậy!”
Ông Trình Tường cho rằng việc Bắc Kinh ủng hộ bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga là cách làm đảo lộn ngọn nguồn, “Phân tích khách quan thì Lâm Trịnh Nguyệt Nga là nguyên nhân của toàn bộ vụ việc, chính bản thân bà ta cũng nói rằng công việc của mình hoàn toàn thất bại, là cú vấp ngã, vậy thì tại sao vẫn bất kể lý lẽ ủng hộ quyết định sai lầm của bà ấy, khiến cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông ngày càng leo thang? Bắc Kinh cần kiểm thảo lại kỹ lưỡng.”
“Vì vậy, từ sự kiện này cho chúng ta bài học, khi một hệ thống thiếu cơ chế tự điều chỉnh sai lầm thì hệ thống này rất nguy hiểm. Vì thế sự kiện lần này cho chúng ta thấy rõ hơn rằng, đòi hỏi của người Hồng Kông về bầu cử cả chức vụ Trưởng đặc khu và toàn bộ ủy viên Hội đồng lập pháp là hợp lý, hợp pháp và chính đáng, nếu không thể đạt được mục đích này thì chế độ ở Hồng Kông không thể có được cơ chế tự điều chỉnh sai lầm.” ông phân tích.
Tương lai Hồng Kông dựa vào thức tỉnh của người Hồng Kông
Hồng Kông đang ở ngã tư đường của thời đại, người Hồng Kông nên rẽ hướng nào? Nhà quan sát Trình Tường cho biết: “Trước hết, tôi cảm thấy rằng cuộc đấu tranh của người Hồng Kông phải dựa trên sự thức tỉnh của chính người Hồng Kông. Sự hỗ trợ quốc tế có quan trọng không? Rất quan trọng, nhưng không phải gốc rễ vấn đề, gốc rễ là sự thức tỉnh của chúng ta. Nếu người Hồng Kông u mê thì dù quốc tế có hỗ trợ như thế nào cũng không thể cứu vãn được Hồng Kông, vì vậy số phận và tương lai của Hồng Kông phụ thuộc vào sự thức tỉnh của người dân Hồng Kông.”
Trước việc ĐCSTQ không dám động binh, nhưng lại dùng “tay ngang”, “thủ đoạn lưu manh”, thế lực đen để giúp bình ổn tình hình, người Hồng Kông phải làm gì? Ông Trình Tường cho biết, diễn dàn internet “Liên Đăng” (Lihkg.com) có một khẩu hiệu là “be water”, đây là một sách lược rất tốt, nghĩa là nếu phải đối mặt với một lực lượng ổn định khổng lồ như vậy, chúng ta phải giống như nước. Đừng quên câu của Lão Tử: “Thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước; nhưng lại công phá được tất cả những gì cứng rắn.” (Thiên hạ nhu nhược mạc quá ư thủy, nhi công kiên cường giả mạc chi năng thắng).
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa biểu tình ở Hồng Kông Dòng sự kiện Dự luật dẫn độ Hồng Kông