Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang sụp đổ, kinh tế Mỹ tương đối mạnh nên chiếm ưu thế trên bàn đàm phán. Dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn trì hoãn đi đến thỏa thuận, nhưng Mỹ vẫn có tiềm lực mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến thương mại này.

Kudlow
Ngày 06/8 cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kudlow cho biết, trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, thiệt hại của Trung Quốc vượt xa Mỹ. Nền kinh tế Trung Quốc đang sụp đổ (Ảnh: Gage Skidmore – Flickr)

Nền kinh tế Trung Quốc đang sụp đổ.” Kudlow chia sẻ với chương trình “Squawk on the Street” của CNBC hôm 06/8.

Ông giải thích thêm, bất kỳ biểu đồ đầu tư hoặc chỉ số kinh tế dài hạn nào của Trung Quốc cũng cho thấy xu hướng nền kinh tế Trung Quốc suy thoái.

Kudlow cũng ám chỉ, dù ĐCSTQ có thể phóng đại chỉ số GDP, nhưng rất khó để ngăn chặn thực tế đang ngày càng sụt giảm. “GDP của họ có thể được thổi phồng lên vài điểm phần trăm, nhưng hiện đang ngày càng đi xuống.” Kudlow cho biết.

ĐCSTQ trì hoãn thỏa thuận? Mỹ còn làm hay hơn

Kudlow cho biết, chính quyền Trung Quốc có thể muốn trì hoãn thỏa thuận, nhưng ông nhấn mạnh, so với họ thì Mỹ có khả năng chịu đựng tốt hơn trước những suy thoái kinh tế.

Kudlow nhận định rằng trong cuộc chiến thương mại thì kinh tế Trung Quốc chịu thiệt hại nhiều hơn Mỹ. “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) bị thiệt hại đáng kể, vượt xa chúng ta”, Kudlow chỉ ra, “Nền kinh tế Mỹ quá mạnh. Trung Quốc không thể sánh được.”

Theo báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ công bố tuần trước, trong tháng Bảy, Mỹ đã tăng thêm 164.000 việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp là 3,7%, đồng thời tổng số việc làm tại Mỹ hiện đạt tới mức cao kỷ lục chưa từng thấy trong lịch sử với 163 triệu việc làm.

ĐCSTQ lên kế hoạch mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 là 6% đến 6,5%, theo dữ liệu mới nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc nửa đầu năm nay là 6,3%. Còn theo công bố của ĐCSTQ về tăng trưởng kinh tế quý II của Trung Quốc cho thấy mức tăng trưởng đã giảm đến mức thấp nhất trong gần 30 năm qua.

Điều này cũng thể hiện rõ ở thị trường chứng khoán Trung Quốc: chỉ số giá chứng khoán tổng hợp của Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã giảm hơn 15% so với mức đỉnh cao vào năm ngoái. Còn nhìn vào chỉ số S&P 500 lại chỉ thấp hơn 5% so với mức cao điểm của năm ngoái, trong năm 2019 tăng gần 15%.

Reuters: Trung Quốc sụt giảm cả nhập và xuất khẩu

Kết quả khảo sát mới nhất của Reuters cho thấy, do những ảnh hưởng như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu, tình hình xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Bảy có thể giảm tháng thứ hai liên tiếp, còn tình hình nhập khẩu cũng đã giảm đáng kể. So với cùng kỳ năm ngoái, dự kiến tình hình xuất khẩu ​​sẽ sụt giảm 2%, còn nhập khẩu giảm 8,3%.

Theo Reuters đưa tin, trong báo cáo của ngân hàng đầu tư CICC (China International Capital Corporation) hàng đầu của Trung Quốc chỉ ra: “Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn căng thẳng, do tính bất ổn của nhu cầu bên ngoài nên có thể tiếp tục gây ức chế tăng trưởng xuất khẩu, đồng thời tình hình cũng kéo theo mức tăng trưởng nhập khẩu trong tháng Bảy.”

Ông Trương Du (Zhang Yu), nhà phân tích kinh tế vĩ mô hàng đầu của công ty chứng khoán Hoa Sang (Huachuang Securities) nhận định, nhu cầu ở nước ngoài tiếp tục suy yếu, cho dù cơ cấu xuất khẩu trong nước đã dần được điều chỉnh, tình hình xuất khẩu trong tháng Bảy có thể được cải thiện chút ít, nhưng xu hướng tiếp tục đi xuống.

Ngày 08/8, sau khi Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD (đô la Mỹ) hàng hóa Trung Quốc, giới phân tích của Citibank nhận định rằng, sau khi đợt thuế quan mới có hiệu lực sẽ khiến xuất khẩu của Trung Quốc suy giảm 2,7%, và tính tổng cộng mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc bị sụt giảm 50 điểm cơ bản. Đây là tính toàn diện về tổng thiệt hại kinh tế mà Trung Quốc phải chịu từ tất cả các đợt thuế quan.

Hôm 06/8, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Gary Locke chia sẻ với CNBC, “Trung Quốc vẫn quá bị phụ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ. Khối lượng xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc lớn hơn tất cả các nước châu Âu gộp lại.”

Phân tích chỉ ra, điều khó tránh nhất mà cuộc chiến thương mại gây ra cho xuất khẩu của Trung Quốc là, ngoài nước Mỹ ra thì việc tìm được nơi xuất khẩu mới đáp ứng nhu cầu của giới xuất khẩu Trung Quốc là quá nan giải. Bởi vì không nền kinh tế nào hùng mạnh sánh được Mỹ để đáp ứng mức tiêu thụ sản lượng hàng hóa khổng lồ mà Trung Quốc bán cho Mỹ.

“Hiện nay trên thế giới không có quốc gia nào sẵn sàng thay thế Mỹ để chịu mức thâm hụt gần 400 tỷ USD mỗi năm trong thương mại hàng thành phẩm với Trung Quốc.” tờ New York Times dẫn quan điểm của ông Brad Setser, từng là quan chức Bộ Tài chính thời cựu Tổng thống Obama, hiện là chuyên gia của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (Council on Foreign Relations) trụ sở tại New York.

Ông chỉ ra, ngay cả khi Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại mới với các nước khác, họ vẫn sẽ phải đối mặt với áp lực lớn trong việc tìm thị trường cho lượng lớn khổng lồ hàng hóa mà họ sản xuất.

Ví dụ: trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nửa đầu năm 2019 xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 8,5%, trong khi xuất khẩu của Trung Quốc sang các khu vực khác nhau của thế giới chỉ tăng 2,1%. Điều này có nghĩa, dù việc tiêu thụ ở các nơi khác nhau trên thế giới tăng lên thì cũng không thể so sánh bằng mức tiêu thụ của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc, nếu Mỹ không mua hàng của Trung Quốc thì nơi nào sẽ tiêu thụ  tương xứng số hàng khổng lồ được sản xuất tại các doanh nghiệp ở Trung Quốc?

Hoàng Lan

Xem thêm: