Hàng trăm quan chức Trung Quốc bị đưa vào danh sách “khống chế biên giới” đầu năm 2018
- Tuyết Mai
- •
Giới truyền thông ngoài nhà nước Trung Quốc có chỉ ra, nhằm ngăn chặn vấn nạn quan chức tham nhũng và giới siêu giàu Trung Quốc chạy ra nước ngoài, trước khi kết thúc năm 2017 chính quyền Trung Quốc đã hoàn thành việc nâng cấp hệ thống quản lý xuất nhập cảnh, phần cốt lõi quan trọng nhất là làm mới hệ thống “danh sách đen”. Theo thông tin, bước vào năm mới 2018 đã có gần 100 đối tượng bị đưa vào danh sách “khống chế biên giới”.
Chiến dịch “đả hổ” chống tham nhũng của nhà cầm quyền Trung Quốc đã tạo ra “kịch bản ngày tận thế” với làn sóng tham quan tìm đường chạy trốn ra nước ngoài. Ngày 4/1, trang Dwnews của Hồng Kông đưa tin, trước khi kết thúc năm 2017, Trung Quốc Đại Lục đã hoàn thành việc nâng cấp hệ thống xuất nhập cảnh, vào năm mới 2018 đã có gần 100 đối tượng bị đưa vào danh sách “khống chế biên giới”. “Danh sách đen” này bao gồm các quan chức có vấn đề, giới siêu giàu, ngôi sao văn nghệ và thể thao, những nhân sĩ nổi tiếng, và thậm chí những người bất đồng chính kiến và những đối tượng trọng điểm đang bị theo dõi.
Bài viết dẫn ý người cung cấp thông tin cho rằng, đợt nâng cấp hệ thống lần này có quy mô lớn nhất xưa nay, nhằm chặn đứng đường thoát thân của những đối tượng kể trên, tất cả địa điểm hải quan đều được nâng cấp thay đổi hệ thống nhận dạng khuôn mặt và camera giám sát; tất cả các sản phẩm công nghệ trang bị được sản xuất, bố trí và kiểm định dưới giám sát của hệ thống quốc an và quân đội, có thể chống lại hacker…
Thông tin cũng chỉ ra, khi quan chức tham nhũng muốn bỏ trốn, ngoài vấn đề sau khi sự việc bại lộ phải tạm thời ra quyết định, đều phải qua quá trình chuẩn bị chu đáo. Trong đó, đặc biệt quan trọng là chuẩn bị hộ chiếu, nhưng những đối tượng này làm giả hộ chiếu không giống bọn tội phạm và người muốn vượt biên, các quan chức tham nhũng thường dùng hộ chiếu thật. Thậm chí một số kẻ có nhiều hộ chiếu và đã thay đổi tên họ, những hộ chiếu này cũng do cơ quan an ninh cấp phát.
Trước đó, thành phố Bắc Kinh cũng có quy định mới quản lý toàn bộ hộ chiếu của quan chức để ngăn chặn tình trạng bỏ trốn. Ngày 5/12/2017, tờ Tin mới Bắc Kinh (Bjnews) của Trung Quốc đưa tin, Cơ quan Tài nguyên nhân lực và Bảo vệ xã hội thành phố Bắc Kinh đã công bố biện pháp quản lý “Giấy xuất cảnh vì việc riêng”, theo đó quy định toàn bộ nhân viên nhà nước đương chức trong biên chế phải nộp “Giấy xuất cảnh vì việc riêng” để quản lý tập trung…
Tháng 9/2017, Tạp chí Tranh Minh (Hồng Kông) đưa tin, theo một cuộc họp nội bộ của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc, tính đến cuối tháng 6/2016 đã có hơn 7.000 quan chức Trung Quốc cấp quận/huyện trở lên (gồm quan chức đương nhiệm, đã nghỉ hưu, cán bộ cấp cao doanh nghiệp nhà nước) tự khai báo vi phạm kỷ luật và giao nộp lại tài sản phi pháp, trong đó có hơn 2.000 quan chức cấp bộ và tỉnh. Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, số tài sản giao nộp có giá trị thị trường hơn 10 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,54 tỷ Đô la Mỹ).
Thông tin cũng đề cập việc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương Trung Quốc đề ra 5 quy định đối với những quan chức tham nhũng tự thú, trong đó quy định thứ 5 là nộp lại giấy tờ xuất cảnh cho Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương quản lý, bao gồm cả giấy chứng nhận thông hành đặc khu Hồng Kông – Ma Cao, hộ chiếu công tác.
Trong những năm gần đây, tình trạng các quan chức Trung Quốc tham nhũng trốn ra nước ngoài ngày càng nghiêm trọng hơn. Tháng 8/2017, Báo Giám sát Kiểm tra Kỷ luật Trung Quốc tiết lộ câu chuyện, quan chức Quách Vĩnh Quân là Phó Chủ nhiệm thường trực Phòng không Nhân dân của một huyện tại tỉnh Chiết Giang nộp lại hộ chiếu giả mà quan chức này đã dùng để ra nước ngoài nhiều lần nhưng không bị phát hiện. Người nhà của quan chức này làm kinh doanh ở châu Âu. Sau khi Ban Kiểm tra Kỷ luật của huyện vào cuộc điều tra, quan chức này đã nhanh chóng làm được hộ chiếu thật và lên kế hoạch chạy ra nước ngoài, nhưng bị tóm ngay tại sân bay.
Ngày 16/5/2015, ông Vương Yến Văn cựu Trưởng ban Tuyên truyền và Ủy viên Thường vụ tỉnh Giang Tô đã có bài viết thừa nhận trong quan trường Trung Quốc hiện nay nhiều kẻ đã cho người nhà (vợ/con) và tẩu tán tài sản ra nước ngoài, đã sẵn sàng để đào tẩu.
Tạp chí Động Hướng (Aboluowang) số tháng 10/2017 có bài viết chỉ ra, trước Đại hội 19 Trung Quốc đã có cuộc điều tra về số quan chức có vợ/con thường trú nước ngoài, tính được số lượng này gần gấp ba so với đánh giá ban đầu (300.000), lên đến hơn triệu người.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Quan trường Trung Quốc giới quan chức quan chức Trung quốc tham nhũng Đả hổ diệt ruồi