TQ: ‘Chiến thuật’ mới của chính quyền Hà Nam sau vụ biểu tình lớn hôm 10/7
- Trí Đạt
- •
Hôm 10/7, gần 3.000 người gửi tiền đã tập trung bên ngoài chi nhánh Trịnh Châu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi của mình. Họ đã bị cảnh sát bao vây, bị người không rõ danh tính đánh đập đổ máu. Ngày 11/7, cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam đưa ra thông báo, những khách hàng có số tiền gửi dưới 50.000 nhân dân tệ (gần 174 triệu VNĐ) sẽ được ứng trước tiền gốc. Tuy nhiên, có bình luận chỉ ra thông báo này ẩn chứa sự mờ ám, là chiến thuật trì hoãn và gây chia rẽ.
Sau vụ gần 3000 người biểu tình và đụng độ với cảnh sát do không thể rút tiền gửi tại các ngân hàng thôn trấn ở Hà Nam, để dập tắt cơn giận dữ của dư luận, cuối ngày 11/7, Cục quản lý ngân hàng và bảo hiểm Hà Nam và Cục giám sát tài chính địa phương tỉnh Hà Nam đã thông báo bắt đầu từ ngày 15/7 sẽ tạm ứng để trả tiền gốc cho những người gửi tiền tại 4 ngân hàng gồm: Ngân hàng Thôn trấn Tân Dân Sinh ở Vũ Châu, Ngân hàng Thôn trấn Huệ Dân ở Thượng Thái, Ngân hàng Thôn trấn Hoàng Hoài ở Chá Thành, Ngân hàng Thôn trấn Tân Đông Phương ở Khai Phong.
Theo thông báo, đối tượng ứng tiền là các tổ chức và cá nhân có tổng số tiền gốc dưới 50.000 nhân dân tệ. Những người gửi có tổng số tiền trên 50.000 nhân dân tệ sẽ lần lượt được ứng sau và sắp xếp liên quan sẽ được thông báo riêng. Ngoài ra, sau khi ứng quỹ, nếu phát hiện khách hàng có thêm các kênh khác để thu lãi cao hoặc “vi phạm quy định của pháp luật” thì sẽ bảo lưu quyền thu hồi số tiền đã ứng trước. Ngoài ra, tạm thời sẽ không tạm ứng tiền đối với những khách hàng thu lãi cao thông qua các kênh khác, hoặc các nguồn tiền nghi ngờ liên quan đến vi phạm pháp luật và phạm tội.
Công tác thanh toán tạm ứng do Liên minh Hợp tác xã Tín dụng Nông thôn tỉnh Hà Nam tổ chức và thực hiện, người dân muốn đăng ký tạm ứng có thể đăng nhập vào ứng dụng “Ứng tiền ngân hàng thôn trấn” trên WeChat để làm thủ tục.
Theo “The Paper” tại Trung Quốc, vào cuối ngày 11/7, Phân Cục quản lý ngân hàng và bảo hiểm thành phố Bạng Phụ (tỉnh An Huy) cùng Cục Quản lý tài chính địa phương cũng đã đưa ra một thông báo cho biết, công việc phân loại các nhóm tạm ứng nói trên cũng sẽ được thực hiện đối với khách hàng tại của Ngân hàng Thôn trấn Tân Hoài Hà ở thị trấn Cổ, thành phố Bạng Phụ.
Sau đó, phương tiện truyền thông nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng lần lượt đưa tin về việc này, tuyên bố rằng “vấn đề sẽ dần được giải quyết”. Tuy nhiên, những người gửi tiền tại địa phương đặt nghi vấn rằng động thái của chính quyền là sử dụng 50.000 nhân dân tệ để “bịt miệng” hoặc “duy trì ổn định”, và những người gửi tiền này cũng phải đưa ra “cam kết” cho việc nhận số tiền ứng trước này, bao gồm cả việc dừng bảo vệ quyền lợi và chờ kết quả xử lý của cơ quan chức năng.
Hoàng Anh (hóa danh), một nạn nhân có tiền gửi tại ngân hàng thôn trấn ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, nói với Epoch Times rằng hôm 10/7 cô cũng tham gia biểu tình đòi quyền lợi. Cô nói có khoảng 2000 đến 3000 người biểu tình ngày hôm đó, phía chính phủ đã cử 3000 đến 4000 người đến để duy trì ổn định. Họ là nhân viên quản lý đô thị, cảnh sát và đội đặc nhiệm, có kinh nghiệm chiến đấu. Lúc đó phụ nữ cũng bị đánh, nhưng chủ yếu vẫn là nam giới bị đánh. Cuối cùng cô cũng bị đưa đi và bị trục xuất về lại nơi ở. Hoàng Anh nói về thông báo ứng tiền gốc cho những tổ chức và cá nhân có số tiền gửi dưới 50.000 nhân dân tệ: “Tôi nghĩ chính quyền đang dùng chi phí thấp nhất để giải quyết một phần lớn những người gửi tiền. Vì họ thấy số người đến [biểu tình] lần này đông hơn lần trước, có thể họ sợ và muốn giải quyết với số tiền bỏ ra thấp nhất.” Cô nói: “Ấn tượng đầu tiên của tôi là đặt ra mức 50.000 nhân dân tệ là hơi ít, đây thực chất là một kiểu hành vi đánh lừa. Điểm quan trọng là kế hoạch này được thực hiện một cách vội vàng như vậy để che đậy vụ việc đánh người hôm 10/7. Họ muốn chuyển sự chú ý và dùng biện pháp này để trì hoãn…”
Nhà bình luận thời sự Đường Hạo, người dẫn chương trình của kênh truyền thông cá nhân “Ngã tư của Thế giới”, đã chỉ ra tuyên bố của chính quyền ĐCSTQ rõ ràng là có ẩn chứa sự mờ ám.
Ông giải thích thêm, thông báo nói rằng cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam bắt đầu ứng trước tiền gốc vào ngày 15/7, và trả lại cho người gửi là “các tổ chức và cá nhân đơn lẻ” có tổng số tiền dưới 50.000 nhân dân tệ, những người gửi có tổng số tiền trên 50.000 nhân dân tệ sẽ “lần lượt trả sau”. Nói cách khác, chỉ những người gửi tiền nhỏ mới có thể nhận được tiền.
“Thông báo cũng cho biết sau khi ứng tiền, nếu phát hiện khách hàng có thêm các kênh khác để thu lãi cao hoặc ‘vi phạm quy định của pháp luật’ thì sẽ bảo lưu quyền thu hồi số tiền đã ứng trước. Đồng thời, tạm thời không tạm ứng tiền đối với những khách hàng thu lãi cao thông qua các kênh khác, hoặc các nguồn tiền nghi ngờ liên quan đến vi phạm pháp luật và phạm tội.”
“Sự mờ ám chính là ở chỗ này”. Ông Đường Hạo chỉ ra, ngoài mặt ĐCSTQ nhượng bộ và sẵn sàng ứng trước tiền cho người gửi, nhưng ngay lập tức đặt ra nhiều điều kiện có thể hiểu hoặc khó hiểu. “Cái hiểu được chính là, người gửi tiền nhỏ có thể lấy tiền trước; cái khó hiểu là cái gọi là ‘kênh bổ sung’ và ‘hành vi vi phạm luật và quy định’, làm sao để có thể xác định được chúng?” Đối với những người gửi số tiền lớn, nếu chính quyền tìm ra lý do nói rằng họ đã “nhận được lãi cao” hoặc “vi phạm pháp luật và quy định”, sau đó chính quyền có thể đường đường chính chính không trả tiền cho họ.
Ông Đường Hạo nói, “Mặc dù chính phủ cuối cùng đã đưa ra ‘thông báo ứng tiền thay’ sau khi đàn áp tàn bạo quần chúng, nhưng cuối cùng thì có bao nhiêu người có thể lấy lại được số tiền mồ hôi nước mắt của họ? Toàn bộ quá trình sẽ mất bao lâu?”
Do đó thông báo này của chính quyền không gì khác hơn là những mánh khóe ứng biến khủng hoảng và duy trì ổn định mà ĐCSTQ thường sử dụng, khác ở chỗ họ muốn kéo dài thời gian để chờ thay đổi, chia từng tốp nhỏ và tấn công từng người một mà thôi.
Người làm truyền thông kỳ cựu Trác Hiến Văn (Zhuo Xianwen) cũng có bài viết nói rằng sở dĩ chức năng của hệ thống tài chính Trung Quốc có khả năng chống rủi ro mạnh, là vì nó phụ thuộc hoàn toàn vào việc tiêu hóa người gửi tiền. Tình huống tương tự cũng áp dụng cho sự kiện không thể trả tiền cho người gửi tiền gần đây. “Nếu sự việc xảy ra ở nước ngoài, tiền gửi của người dân sẽ được bảo lãnh bởi các công ty bảo hiểm, nhưng số tiền khổng lồ như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến một công ty tái bảo hiểm ở cấp cao hơn.” Tuy nhiên, ở Trung Quốc, những tổn thất liên quan chỉ thuộc về những người gửi tiết kiệm và gia đình của họ. Ngay từ hai năm trước, sự sụp đổ của các khoản cho vay P2P trên khắp Trung Quốc đã kết thúc với việc các nhà đầu tư mất tiền. “Trước khi Bắc Kinh đưa ra giải pháp cuối cùng cho bong bóng nhà đất và khủng hoảng nợ địa phương, thì những người tiền tiết kiệm này chỉ có thể trở thành vật hy sinh.”
Từ khóa Hà Nam Ngân hàng Trung Quốc biểu tình ở Trung Quốc Dòng sự kiện