Phát ngôn gây tranh cãi của quan chức TQ về vụ các ngân hàng Hà Nam vỡ nợ
- Giản Dị
- •
Sau vụ biểu tình đòi quyền lợi ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam của gần 3000 người vì không rút được tiền gửi tại 4 ngân hàng thôn trấn ở tỉnh này, hôm 13/7 Cục trưởng Cục Ổn định Tài chính của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Tôn Thiên Kỳ đã có phản hồi. Tuy nhiên, phát ngôn của vị quan chức này lần nữa khơi dậy sự giận dữ của cộng đồng mạng. Họ không ngừng biểu đạt suy nghĩ của mình qua hơn 560.000 bình luận.
Tại buổi họp báo, phóng viên của tờ Bloomberg đặt câu hỏi cho ông Tôn Thiên Kỳ: “Ông có quan điểm gì về thực trạng hiện nay người gửi tiền tại Hà Nam và các khu vực khác gặp khó khăn trong việc rút tiền đã gửi? Liệu điều này có tạo ra rủi ro cho toàn bộ hệ thống tài chính ngân hàng do năng lực trả nợ của các chính quyền địa phương tạo ra? Về sự việc xảy ra ở các nơi như tỉnh Hà Nam, ông có nhìn nhận thế nào? Xin cảm ơn!”
Ông Tôn Thiên Kỳ trả lời: “Xét về tổng thể, rủi ro tài chính của nước ta được hạn chế và tổng thể là có thể kiểm soát được; 99% tài sản ngân hàng nằm trong ranh giới an toàn. Kết quả xếp hạng của Ngân hàng Trung ương vào Quý 4 năm 2021 cho thấy, các ngân hàng nằm trong ranh giới an toàn chiếm 93% các tổ chức tham gia xếp hạng, quy mô tài sản chiếm 99% quy mô các ngân hàng tham gia. Có 316 tổ chức tài chính ngân hàng rủi ro cao, nhưng tài sản của họ chỉ chiếm 1% trong số các tổ chức tham gia xếp hạng, trong xếp hạng của Ngân hàng Trung ương, tuyệt đại đa số các ngân hàng vừa và nhỏ là trong ranh giới an toàn.”
Ông Tôn Thiên Kỳ cũng nói: “Khi đưa tin, các bạn truyền thông không nên chỉ đưa tin và kể những câu chuyện về các tổ chức có nguy cơ cao, mà hãy đưa tin và kể những câu chuyện về hơn 4.000 tổ chức tốt. Đã đưa tin về các tổ chức xấu và những chuyện xấu, thì cũng cần phải đưa tin về những tổ chức tốt, việc tốt …”
Để ổn định dư luận và xoa dịu lòng người, các kênh truyền thông chính thức lớn của ĐCSTQ sau đó đã đưa tin về nhận xét của ông Tôn Thiên Kỳ với tiêu đề “Xếp hạng của Ngân hàng Trung ương đối với hầu hết các ngân hàng vừa và nhỏ ở nước ta nằm trong ranh giới an toàn”. Tuy nhiên, cư dân mạng ở Trung Quốc Đại Lục không còn tin vào luận điệu của chính quyền ĐCSTQ, và liên tiếp để lại các thông điệp trên mạng, đặt nghi vấn mạnh mẽ qua bình luận của họ. Số lượng bình luận nhanh chóng vượt quá con số 560.000.
Bình luận được xếp hạng cao nhất chỉ có vài chữ “Tôi tin quỷ gì ông”, có 62.672 cư dân mạng đã thích và bày tỏ sự ủng hộ bình luận này.
Còn có bình luận nói rằng “Đột nhiên buồn nôn”, bình luận này cũng được 56.897 cư dân mạng thích.
Có một bình luận chỉ về ngày tháng, “10/7“, ngoài ra không có thêm chữ nào. Bình luận này có đến hơn 20.000 lượt thích.
Vào ngày 10/7, hàng ngàn người gửi tiền tại các ngân hàng thôn trấn đã bảo vệ quyền lợi của họ trước chi nhánh Trịnh Châu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Họ đã bị cảnh sát của ĐCSTQ bao vây, và bị một số lượng lớn những người không rõ danh tính mặc áo trắng tấn công bạo lực. Kết quả là một số người gửi tiền đã bị thương.
Hơn 20.000 cư dân mạng thích thông điệp “10/7” cho thấy sự tức giận của mọi người đối với ĐCSTQ đã bộc lộ rõ.
- TQ: Không rút được tiền gửi ngân hàng, hàng ngàn người biểu tình, xung đột với cảnh sát
- Sự giống nhau giữa côn đồ đánh người biểu tình ở Hà Nam và ở Hồng Kông
Ngoài ra còn có một số bình luận với hơn 10.000 lượt thích:
“*** Hãy nói cho mọi người biết, cái gì gọi là tuyệt đại bộ phận các ngân hàng? Các ngân hàng nằm dưới sự kiểm soát của Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc, cái gì gọi là tuyệt đại bộ phận ngân hàng??”
“Jack Ma: Tài chính Trung Quốc không có tính hệ thống.”
“Cái này … giống trước đây từng nói tuyệt đại bộ phận sữa bột là an toàn. Ông có thể nói cho tôi biết những ngân hàng nào là không an toàn để tôi còn tránh!”
“An toàn không phải là nói bằng lời. Tất cả tiền của người gửi đều mất sạch. Sự thực mạnh hơn bất cứ lời ai nói, sự cố Đường Sơn, cộng thêm sự cố người gửi tiền. Lòng dân đã mất …”
Từ khóa Hà Nam Ngân hàng Trung Quốc Dòng sự kiện