ĐCSTQ ra quy tắc chống dịch mới, Trung ương Đoàn thừa nhận ‘Zero COVID’ có vấn đề
- Tố Nghĩa
- •
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cho công bố 10 biện pháp mới tối ưu hóa công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, không còn đề cập đến duy trì ‘Zero COVID’.
Công chúng cảm tạ người biểu tình
Ngày 7/12, ĐCSTQ đã chính thức công bố 10 biện pháp mới để tối ưu hóa công tác phòng chống dịch bệnh, cho thấy so với 20 biện pháp được đưa ra hôm 11/11 thì đã không còn vấn đề thúc đẩy ‘Zero COVID’. Bộ 10 biện pháp mới bao gồm như: cách ly tại nhà đối với các trường hợp nhiễm COVID-19 không có triệu chứng và bị nhẹ, giảm tần suất và phạm vi xét nghiệm axit nucleic ngoại trừ các cơ sở y tế, không yêu cầu giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính axit nucleic, không cần chứng nhận xét nghiệm axit nucleic âm tính và kiểm tra mã số sức khỏe đối với những người di cư giữa các khu vực, không tiến hành kiểm tra axit nucleic tại nơi đến…
Có lẽ trong 10 biện pháp mới này thì vấn đề được người Trung Quốc chú ý nhất là điều chỉnh về phương thức cách ly: cho cách ly tại nhà đối với trường hợp nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc bị nhẹ (được chọn ở nhà hay đến nơi cách ly tập trung).
Tuy nhiên, các biện pháp mới không hướng dẫn vấn đề cách ly tại nhà, cách phán đoán tình trạng nặng hay nhẹ, cách giúp mau chóng bình phục, cách tránh lây nhiễm cho những người sống cùng…
Có người bình luận: “Biết có ngày hôm nay thì để Thượng Hải bỏ phong tỏa từ sớm cho mọi người bớt khổ”.
Một người từ Thượng Hải viết trên Wechat, đề cập đến các cuộc biểu tình bùng nổ tại Trung Quốc gần đây rằng: “Cảm ơn những người đã xuống đường biểu tình”.
Ngoài ra, còn có các bình luận chỉ trích việc cảnh sát bắt thẩm vấn người biểu tình chưa chịu thả…
Chuyên gia Trung Quốc: 90% số người sẽ nhiễm COVID-19
Ngày 7/12 tờ WSJ (Mỹ) đưa tin, hôm 4/12 tài khoản WeChat của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đã đăng bài chỉ ra gần đây, do đông đảo người tập trung trực tuyến cũng như trực tiếp phản đối cách kiểm soát dịch bệnh ở một số nơi, nhà chức trách đã lắng nghe và thay đổi kịp thời nên tình hình đã lắng dịu.
WSJ cho rằng đây là thừa nhận hiếm hoi của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc về việc các biện pháp phong tỏa đã gây ra phản ứng biểu tình, có thể nói là lần đầu tiên ĐCSTQ thừa nhận có vấn đề từ chính sách ‘Zero COVID’.
Sau vụ hỏa hoạn tại một tòa nhà dân cư ở Urumqi – Tân Cương vào ngày 24/11 khiến ít nhất 10 người thiệt mạng, các cuộc biểu tình phản đối phong tỏa đã nổ ra trên khắp Trung Quốc khiến quốc tế chú ý. Giáo sư kinh tế Li Daokui tại Đại học Thanh Hoa – Trung Quốc cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 30/11, rằng biện pháp nới lỏng trong chống COVID-19 sẽ là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh, có thể sẽ dần bỏ phong tỏa vào tháng 3 năm sau.
Đồng thời, Nhật báo Thanh niên Trung Quốc cũng đưa tin về chuyên gia Feng Zijian cho biết, dù chính sách phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc có được điều chỉnh thế nào, thì cuối cùng cũng có khoảng 80% – 90% người dân bị nhiễm chủng biến thể Omicron.
Chuyên gia này cũng đề cập rằng cần phải cải thiện mô hình quản lý của bệnh viện theo hướng bảo vệ cho các bệnh nhân mắc các loại bệnh khác đang nhập viện bị lây nhiễm COVID-19 từ nhân viên y tế. Ông Feng Zijian từng là Phó giám đốc CDC Trung Quốc và là thành viên của nhóm chuyên gia Cơ chế chung Phòng chống và Kiểm soát COVID-19 quốc gia Trung Quốc.
Trước đó vào tháng 9 năm nay, có công ty chứng khoán Trung Quốc từng công bố báo cáo chỉ ra: Theo dữ liệu dịch bệnh từ nhiều nơi khác tại châu Á như Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia… cho thấy tỷ lệ tử vong của chủng đột biến mới BA.5 COVID-19 thậm chí còn thấp hơn cả cúm, vì thế nhiều nước đã nới lỏng kiểm soát dịch. Nhưng chưa đầy một ngày sau khi công bố, báo cáo này đã bị nhà chức trách ngăn chặn không cho công khai.
Bao nhiêu người chết nếu bỏ phong tỏa?
Bao nhiêu người tại Trung Quốc sẽ thiệt mạng vì dịch bệnh COVID-19 nếu bỏ ‘Zero COVID’? Vấn đề này cũng được nhiều chuyên gia y tế Trung Quốc mổ xẻ. Bác sĩ Zhuo Jia trưởng của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Quảng Tây đã chỉ ra điều này trên tạp chí Y tế dự phòng Thượng Hải xuất bản vào tháng 11. Ông nói rằng nếu căn cứ theo tỷ lệ như Hồng Kông thì sau khi Đại Lục cởi bỏ phong tỏa sẽ hứng chịu khoảng 2 triệu người tử vong, số người nhiễm COVID-19 sẽ vượt quá 233 triệu người.
Trước đó vào tháng 5, một mô hình được các nhà nghiên cứu tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải công bố ước tính rằng nếu Trung Quốc cho phép biến thể Omicron lây lan thoải mái mà không kiểm soát, thì trong khoảng 3 tháng sẽ có gần 1,6 triệu người thiệt mạng, khi đó nhu cầu về chăm sóc đặc biệt trong giai đoạn lây nhiễm cao nhất sẽ vượt quá khả năng hiện có 15 lần, chỉ trong trường hợp có bước đi đột phá nào đó trong tiêm chủng thì mới hy vọng giảm thiểu nguy cơ người thiệt mạng.
Quan điểm làm dấy lên chú ý về vấn đề dùng vắc-xin nội địa Trung Quốc.
Từ cuối tháng 5 năm nay, trên mạng Internet Trung Quốc đã xuất hiện những bức thư ngỏ của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân. Họ than phiền rằng đã mắc bệnh bạch cầu (ung thư máu) sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 nội địa. Ngoài ung thư máu, không ít trường hợp người dân cho rằng do tiêm vắc-xin nội địa khiến họ mắc bệnh thiếu máu, giảm tiểu cầu, hạch to… Tuy nhiên những người tố cáo này lần lượt bị nhà chức trách Trung Quốc ngăn chặn và cảnh cáo, trong khi đó các nhà báo và luật sư Trung Quốc cũng ngại không dám trợ giúp cho họ.
Từ khóa COVID-19 Dịch bệnh ở Trung Quốc Zero COVID Phong trào Giấy trắng biểu tình ở Trung Quốc Dòng sự kiện