Gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đề xuất thúc đẩy kế hoạch “Thịnh vượng chung” và nhấn mạnh “phân phối ba lần” để điều tiết thu nhập cao. Vào tháng Bảy, khi tỉnh Chiết Giang tuyên bố rằng họ muốn thúc đẩy các dự án thí điểm về cải cách hệ thống phân phối thu nhập, tỉnh này đã đề cập đến việc sẽ thiết lập và cải thiện hệ thống tài sản thu nhập cá nhân.

shutterstock 774597796
Một xưởng sản xuất tự động của Geely ở Chiết Giang (Nguồn: Jenson/ Shutterstock)

Ngoài ra, chương trình thí điểm của tỉnh Chiết Giang cũng đề cập đến việc cần khuyến khích và hướng dẫn các nhóm và doanh nhân có thu nhập cao, tham gia vào các “tổ chức từ thiện công ích”. Địa phương sẽ “tranh thủ sự ủng hộ của nhà nước, thăm dò các tổ chức từ thiện, để lập ra các tài khoản ủy thác đặc biệt và ủng hộ về chính sách cho các quỹ từ thiện.”

Tỉnh Chiết Giang hiện là khu vực thí điểm tiến hành “Sự thịnh vượng chung” của ĐCSTQ. Chương trình thí điểm Chiết Giang tuyên bố rằng tỉnh này sẽ tiêu chuẩn hóa trình tự phân phối thu nhập, thiết lập hệ thống thông tin tài sản và thu nhập cá nhân, điều chỉnh thu nhập cao quá mức và cấm các nguồn thu nhập bất hợp pháp.

Phương án này cũng đề cập đến việc hỗ trợ các kế hoạch sở hữu cổ phiếu của nhân viên và khuyến khích các công ty niêm yết tăng tỷ trọng cổ tức bằng tiền mặt.

Ngày 17/8, ông Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp lần thứ 10 của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương, nhằm nghiên cứu việc thúc đẩy “Sự thịnh vượng chung”. Ông Tập nhắc đến việc “điều chỉnh thu nhập cao quá mức, khuyến khích các nhóm thu nhập cao và các doanh nghiệp báo đáp lại xã hội nhiều hơn”.

Đồng thời, sử dụng phương pháp “phân phối ba lần” để điều chỉnh thu nhập cao quá mức, ” điều tiết lực độ và cải thiện độ chính xác bằng cách tăng thuế, bảo hiểm xã hội, và chuyển dịch thanh toán.” (Chuyển dịch thanh toán là phân phối lại của cải thông qua các khoản chi tiêu không hoàn lại của chính phủ.)

Về “phân phối ba lần” của cải do ĐCSTQ đề xuất, nhà bình luận chính trị Đường Tĩnh Viễn phân tích rằng việc đưa ra chính sách chặn đường và cướp bóc như vậy cho thấy, ông Tập Cận Bình đang rất căng thẳng. Báo cáo chính thức không định lượng thế nào là thu nhập quá mức, điều tiết hợp lý và thu nhập bất hợp pháp, nên có thể thực thi một cách tuỳ tiện.

Ông cho biết, chính phủ nói là muốn điều tiết “thu nhập cao” chứ không phải là “tài sản cao”. Thực sự bị ảnh hưởng, chỉ là thu nhập của tầng lớp trung lưu và tiền lương, bởi tất cả đều được công khai minh bạch. Các công ty bắt buộc phải khai thuế, nên không thể trốn thuế cá nhân và bảo hiểm xã hội.

Chiết Giang, nơi được coi là một dự án thí điểm cho “Sự thịnh vượng chung”, cũng là khu vực giàu có của Trung Quốc. Ngay từ năm 2003, Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã đăng một bài có tựa đề “Ngày nay thương nhân Chiết Giang đã trở thành những người năng nổ và giỏi kiếm tiền nhất ở Trung Quốc.”

Bài viết ngày 7/7 của trên trang nhất của kênh truyền thông Đại Lục, đã giới thiệu 10 người giàu nhất tại Chiết Giang. Bài báo cho biết thương nhân Chiết Giang đạt 10 triệu người. Đây là nơi có tỷ lệ thương nhân cao nhất của các tỉnh và thành phố tại Đại Lục.

Ngày 10/9 năm ngoái, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại toàn Trung Quốc, đã công bố danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc năm 2020. Trong số đó 96 doanh nghiệp là ở tỉnh Chiết Giang. Vẫn giữ vị trí số 1, tỉnh Chiết Giang đã đứng đầu cả nước suốt 20 năm liên tiếp. Hàng hóa Nghĩa Ô tại tỉnh Chiết Giang được cung cấp trên toàn cầu.

Ngoài ra, những người giàu Chiết Giang còn tụ hội lại với nhau. Theo danh sách người giàu Chiết Giang mới nhất năm 2021, hiện có 7 người giàu trị giá hơn 100 tỷ nhân dân tệ (tương đương 351.000 tỷ VNĐ). Trong đó bao gồm ông Chung Thiểm Thiểm (Zhong Shanshan) – người sáng lập công ty Nongfu Spring, ông Mã Vân (Jack Ma) – người sáng lập Alibaba, ông Hoàng Tranh (Colin Huang) – người sáng lập Pinduoduo, và ông Đinh Lỗi (Ding Lei) – Giám đốc điều hành của NetEase.

Ông Lý Hằng Thanh, một học giả tại Viện Thông tin và Chiến lược Washington, Hoa Kỳ, nói rằng các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, đã viết rất nhiều về việc phân phối của cải. Họ đã sử dụng cách tăng thuế để ngang nhiên cướp đoạt tài sản của người dân.

“Chính phủ thực sự đã hết tiền. Họ đã khiến nền kinh tế trở nên bung bét như thế này. Sau đó sao lại có thể thu nhiều thuế như vậy? Nền kinh tế đã không ổn rồi, sau này sẽ còn rất nhiều loại sưu cao thuế nặng linh tinh nữa.”

Lan Tân, Epoch Times

Xem thêm: