Dự đoán lãnh đạo đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội 20
- Miêu Vi
- •
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đang tìm cách để duy trì quyền lực nhiệm kỳ thứ 3 tại Đại hội 20 vào mùa thu này. Liên quan bố trí nhân sự cao nhất về đối ngoại, liệu ông Ngoại trưởng Vương Nghị có thể thay thế ông Dương Khiết Trì hay không đang là tâm điểm.
Bố cục ngoại giao của Tập Cận Bình
Tờ SCMP của Hồng Kông ngày 22/8 đưa tin, Chủ nhiệm Dương Khiết Trì của Ban Đối ngoại Trung ương ĐCSTQ là lãnh đạo cao nhất của ông Tập Cận Bình trong việc xử lý các vấn đề đối ngoại, dự kiến sẽ mãn nhiệm vào Đại hội 20 trong mùa thu năm nay vì đã 72 tuổi. Hiện vẫn chưa biết liệu Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Vương Nghị đương nhiệm của ĐCSTQ sắp bước sang tuổi 69 có nghỉ hưu theo quy định bất thành văn “7 lên 8 xuống” (từ 68 tuổi trở lên phải nghỉ hưu) của ĐCSTQ hay không.
Nguồn tin dẫn lời một số nhà ngoại giao Trung Quốc và nhà quan sát toàn cầu cho rằng đặc biệt là trong tình hình căng thẳng gia tăng trên eo biển Đài Loan và quan hệ Trung-Mỹ xấu đi, ông Vương Nghị có khả năng phá vỡ thông lệ “7 lên 8 xuống” và được kỳ vọng sẽ kế nhiệm ông Dương Khiết Trì.
Theo nguồn tin, trong hội nghị của ĐCSTQ vào tháng trước, ông Vương Nghị đã mạnh mẽ ca ngợi và ủng hộ quan điểm “hạt nhân Tập Cận Bình”, đồng thời chỉ trích mạnh mẽ Mỹ và Nhật Bản liên quan chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Nhiều quan sát nhận định những động thái của ông Vương Nghị rõ ràng cho thấy ý định có thể tại nhiệm trong cốt lõi quyền lực ĐCSTQ.
Hiện tại, ở cấp độ vấn đề chính trị thì ông Vương Nghị hoàn toàn có thể thay ông Dương Khiết Trì, vì không có nhiều ứng viên đủ tiêu chuẩn và có kinh nghiệm đối ngoại như ông Vương Nghị để làm lãnh đạo cao nhất về đối ngoại của ĐCSTQ. Ứng viên trước đó được cho là sáng nhất để thay thế ông Dương Khiết Trì là ông Tống Đào (Tống Đào, 67 tuổi) – cựu Trưởng Ban Liên lạc Quốc tế của ĐCSTQ – vào tháng Sáu năm nay bất ngờ thôi giữ chức Trưởng ban Liên lạc, điều đó đồng nghĩa quan chức này không còn khả năng kế nhiệm Dương Khiết Trì.
Một ứng cử viên khả dĩ khác là Lưu Kết Nhất (Liu Jieyi, 64 tuổi), hiện là Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Đài Loan, đây là chức danh cũ của ông Vương Nghị trước khi lên Ngoại trưởng vào năm 2013. Ông Lưu Kết Nhất trước đó đã đại diện cho ĐCSTQ tại Liên Hợp Quốc và cũng là thành viên của Ủy ban Trung ương như hai ông Vương Nghị và Tống Đào.
Nếu Vương Nghị được thăng chức phá thông lệ thì khả năng ông Lưu Kết Nhất sẽ là ứng viên sáng nhất để được thăng chức Ngoại trưởng thay thế ông Vương Nghị.
Về vấn đề này, ông Lưu Á Vỹ (Liu Yawei) em trai của cựu Chính ủy Đại học Quốc phòng là Lưu Á Châu từng nói với Đài VOA Mỹ: “Ông Lưu Kết Nhất từng là Đại sứ ĐCSTQ tại Liên Hợp Quốc, hiện đang làm việc tại Văn phòng các vấn đề Đài Loan giống như Vương Nghị trước đây. Lưu Kết Nhất phù hợp độ tuổi vào Bộ Chính trị. Nếu cuối cùng Lưu Kết Nhất trở thành quan chức ngoại giao hàng đầu của ĐCSTQ đó sẽ là một tín hiệu từ Tập Cận Bình cho thấy vấn đề Đài Loan sẽ tiếp tục là tâm điểm trong đối ngoại của ĐCSTQ. ”
Ngoài Lưu Kết Nhất, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc hiện tại Mã Triều Húc (Ma Zhaoxu) và Tạ Phong (Xie Feng) cũng có nhiều triển vọng thăng tiến vì cả hai đều chỉ 58 tuổi và có nhiều kinh nghiệm giao dịch với Mỹ. Ông Mã Triều Húc từng là người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, Đại sứ Trung Quốc tại Úc, Liên Hiệp Quốc và Geneva; ông Tạ Phong hiện phụ trách các vấn đề về nước Mỹ trong Bộ Ngoại giao, từng là đặc phái viên Bộ Ngoại giao ĐCSTQ tại Hồng Kông.
Đài VOA Mỹ có nhận định việc ông Tập tái đắc cử là chắc chắn, vì không có phe đối lập nào trong ĐCSTQ đủ sức thách thức.
Từ khóa Vương Nghị Dương Khiết Trì Tập Cận Bình Bộ Ngoại giao Trung Quốc