Hơn nửa triệu người Hồng Kông tuần hành phản đối dự luật dẫn độ
- Xuân Thành
- •
Hơn nửa triệu người Hồng Kông đã xuống đường vào ngày 1/7 – ngày kỷ niệm 22 năm thành phố này được Anh Quốc trao trả lại cho Trung Quốc – để yêu cầu xóa bỏ hoàn toàn luật dẫn độ gây tranh cãi.
Vào ngày 1/7 hàng năm, người Hồng Kông đều tham gia vào cuộc tập trung phản đối chế độ Trung Quốc kiểm soát các công việc nội bộ của hòn đảo bán tự trị này. Mỗi năm các cuộc tuần hành có chủ đề khác nhau. Năm nay, những người biểu tình kêu gọi chính quyền Đặc khu phải rút lại hoàn toàn dự luật dẫn độ mà có thể cho phép người Hồng Kông bị đưa sang Trung Quốc Đại Lục xét xử.
Hàng trăm nghìn người tuần hành
Vào sáng thứ Hai (1/7), bất chấp cái nóng ngột ngạt, hàng trăm nghìn người đã tuần hành từ Công viên Victoria tới trung tâm thành phố. Những người tham gia cuộc tuần hành hét lớn khẩu hiệu: “Carrie Lam từ chức, Rút lại luật xấu xa.”
Những người tổ chức nói rằng có khoảng 550.000 người tham gia tuần hành, trong khi đó cảnh sát cho biết vào lúc cao điểm có 190.000 người tham gia. Con số mà các nhà tổ chức đưa ra đã phá kỷ lục cuộc biểu tình năm 2014 với khoảng 510.000 người Hồng Kông xuống đường biểu tình yêu cầu quyền phổ thông đầu phiếu trong cuộc bầu cử Trưởng Đặc khu.
Một người Hồng Kông xưng tên Leung làm trong ngành giáo dục nói với hãng tin RTHK rằng ông tham gia cuộc tuần hành hôm nay cùng vợ và con trai. Ông Leung cho biết ông đã quyết định đến cuộc tập trung này vì ông lo lắng về ảnh hưởng của dự luật dẫn độ đối với các quyền của mình.
Ông Leung nói thêm rằng ông không đồng tình với cách mà cảnh sát Hồng Kông đã dùng bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa hôm 12/6.
Một nhóm người biểu tình “chiếm giữ” tòa nhà Hội đồng Lập pháp
Từ đầu giờ chiều ngày 1/7, một nhóm nhỏ khoảng một nghìn người biểu tình đã bắt đầu tiến hành bao vây tòa nhà Hội đồng Lập pháp (LegCo).
Nhóm nhỏ chủ yếu sinh viên đội mũ bảo hiểm, đeo mạng che mặt sau đó đã bắt đầu sử dụng xe đẩy kim loại, cột và giàn giáo đâm liên tục vào các cửa kính chịu lực của tòa nhà LegCo. Cuối cùng vào khoảng 3:00 chiều 1/7, một cửa kính đã bị phá vỡ.
Vào khoảng 9:00 tối 1/7, sau khi mở được các hàng rào thép an ninh, hàng trăm người biểu tình đã xông vào tòa nhà LegCo. Khi ở bên trong tòa nhà, những người này đã xé bỏ chân dung của các lãnh đạo Hội đồng Lập pháp và phun sơn lên tường của phòng họp chính các khẩu hiệu như “Rút lại dự luật”, “Nói Không với luật dẫn độ” và “Người dân đã bị chính quyền buộc phải nổi dậy”.
Trong những cuộc xung đột ban đầu ở ngoài tòa nhà LegCo, cảnh sát đã giương cao các lá cờ đỏ cảnh báo người biểu tình không được tiếp tục đâm vào cửa kinh tòa nhà, nếu không họ sẽ sử dụng vũ lực. Cảnh sát chống bạo động đội mũ bảo hiểm, cầm dùi cui cũng đã bắn hơi cay khi căng thẳng tiếp tục leo thang dưới thời tiết oi bức vào buổi tối.
Khi người biểu tình vào được bên trong tòa nhà LegCo, cảnh sát đã chủ động rút lui nhằm tránh đối đầu trực tiếp, để mặc cho người biểu tình chiếm giữ tòa nhà.
Vào khoảng 10:21 tối 1/7, khoảng một giờ sau khi người biểu tình vào bên trong tòa nhà, cảnh sát đã phát hành một video lên mạng xã hội, trong đó một phát ngôn viên không xưng danh tính đã lên án những người biểu tình chiếm giữ tòa nhà LegCo là “những kẻ bạo động”. Người phát ngôn trong video này cũng thông báo rằng cảnh sát sẽ nhanh chóng tới hiện trường để bắt đầu “dọn dẹp khu vực này”.
Sau thông báo nêu trên của cảnh sát, một số người biểu tình bắt đầu rút khỏi tòa nhà LegCo vào khoảng 10:30 tối 1/7, trong khi đó một số người khác vẫn ở lại. Một nhóm nhỏ người biểu tình được cho là đã tự nhốt họ bên trong phòng họp chính, từ chối rời đi.
Những người biểu tình lựa chọn ở lại bên trong tòa nhà phát đi thông báo, nói: “Chính quyền hiện tại của Đặc khu Hồng Kông đã không còn như những gì người dân Hồng Kông hình dung, và Hội đồng Lập pháp… đã trở thành công cụ chính trị. Vì vậy chúng tôi buộc phải thực hiện nhiều hành động bất tuân dân sự, và do đó có việc bao vây tòa nhà LegCo hôm nay”.
Vào khoảng giữa đêm, hàng loạt cảnh sát trang bị dùi cui và khiên đã bắt đầu xông tới tòa nhà LegCo; sau đó cảnh sát đã bắn hơi cay để giải tán những người biểu tình bên ngoài tòa nhà.
Một nhóm cảnh sát vào bên trong tòa nhà và bắt đầu dùng khiên đập cửa khi họ tiếp cận phòng họp chính. Vào thời điểm đó, vẫn còn 4 người biểu tình ở bên trong phòng này.
Vào khoảng 12:30 sáng ngày 2/7, bốn người biểu tình bên trong phòng họp chính tòa nhà LegCo đã rời đi. Cảnh sát bên ngoài tòa nhà bắt đầu phá dỡ các rào chắn mà người biểu tình thiết lập từ sớm, và cũng tiếp tục bắn hơi cay để giải tán đám đông còn lại. Các tuyến phố đã được dọn dẹp và không còn người biểu tình vào khoảng 1:00 sáng 2/7.
Trong cuộc họp báo được tổ chức vào khoảng 4:00 sáng 2/7, Trưởng Đặc khu Carrie Lam đã lên án hành vi bạo lực do người biểu tình gây ra.
“Hành động của người biểu tình ảnh hưởng nghiêm trọng tới những giá trị cốt lõi của nền pháp trị Hồng Kông. Đây là điều mà chúng tôi cực lực lên án,” bà Lam nói.
“Loại hành vi bạo lực này ảnh hưởng tới giá trị cốt lõi của nền pháp trị và tôi cảm thấy tức giận và buồn lòng về điều này, và cần cực lực lên án nó. Tôi tin người dân cũng có cảm giác tương tự,” bà Lam nói với báo giới trong buổi họp báo.
Bà Lam cũng nhấn mạnh rằng chính quyền sẽ tổ chức điều tra kỹ lưỡng về hành vi bạo lực này.
Kêu gọi kiềm chế
Liên minh Châu Âu hôm thứ Hai (1/7) đã kêu gọi kiềm chế và đối thoại để tìm một con đường phía trước cho cuộc khủng hoảng hiện tại ở Hồng Kông.
Một nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã lên tiếng thúc giục tất cả các bên kiềm chế bạo lực.
“Thành công của Hồng Kông được khẳng định dựa trên luật pháp và tôn trọng các quyền tự do cơ bản, bao gồm các quyền tự do ngôn luận và tụ tập hòa bình,” nữ phát ngôn viên Mỹ nói.
Trước đó, cả Mỹ và Anh Quốc đều đã lên tiếng phản đối chính quyền Đặc khu Hồng Kông thông qua luật dẫn độ, coi đó là vi phạm quyền tự trị tư pháp của hòn đảo này.
Trung Quốc sau đó bày tỏ tức giận với những chỉ trích của quốc tế về vấn đề Hồng Kông, trong đó nhắm trực tiếp vào Mỹ và Anh Quốc. Hôm thứ Hai (1/7), chế độ Bắc Kinh đã tuyên bố rằng Anh Quốc không còn trách nhiệm gì về Hồng Kông thêm nữa và phản đối tuyên bố của London về vùng lãnh thổ này.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa biểu tình biểu tình ở Hồng Kông Dòng sự kiện Hồng Kông