Khảo sát “Quan điểm về An ninh Quốc tế của người Trung Quốc”
- Tiểu Quỳ
- •
Vào ngày 24/5, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh đã công bố báo cáo khảo sát dư luận đầu tiên “Quan điểm về An ninh Quốc tế của người Trung Quốc”. Giới quan sát bên ngoài rất quan tâm hiện nay điều gì được người Trung Quốc quan tâm nhất?
Lo nhất về bệnh truyền nhiễm
Vào ngày 24/5, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh đã công bố báo cáo khảo sát dư luận đầu tiên “Quan điểm về An ninh Quốc tế của người Trung Quốc”. Thăm dò cho thấy 8 phát hiện chính, bao gồm:
– Rất quan tâm đến vấn đề an ninh quốc tế;
– Tương đối lạc quan về an ninh quốc tế;
– Tương đối lạc quan về an ninh quốc tế của Trung Quốc;
– Có khá thái độ tích cực đối với toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế;
– Quan tâm nhất đến các bệnh truyền nhiễm, lãnh thổ và quan hệ với các cường quốc;
– Rất tin tưởng vào ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc;
– Hy vọng tư thế ngoại giao của Trung Quốc tích cực hơn;
– Quan tâm nhất ảnh hưởng của Mỹ;
– Có thiện cảm nhất đối với Nga.
Theo kết quả của cuộc thăm dò, gần một nửa (49,8%) số người được hỏi tin rằng thế giới ngày nay “an toàn”, vượt xa tỷ lệ (19,99%) cho rằng thế giới “không an toàn” và “không an toàn lắm”.
Gần 40% số người được hỏi tin rằng Trung Quốc “an toàn” trong môi trường quốc tế hiện nay; gần 70% tin rằng tình hình an ninh của Trung Quốc đang được cải thiện và sẽ tiếp tục trong 5 năm tới.
Nhìn chung, người trình độ học vấn càng cao thì cảm giác an toàn về tình hình quốc tế của Trung Quốc càng thấp.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy trong các vấn đề an ninh quốc tế thì người dân Trung Quốc lo ngại nhất vấn đề đại dịch toàn cầu; tiếp đến là can dự của các thế lực quốc tế vào Đài Loan và đối đầu xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ.
Theo Chinatimes (Đài Loan), Chủ nhiệm Da Wei của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh tại Đại học Thanh Hoa đã trả lời phỏng vấn rằng tiếng nói của Trung Quốc trong một thời gian dài trước đây một là còn yếu, mặt khác là Trung Quốc thường có lớp “bộ lọc” trong tuyên truyền đối ngoại, tức là “tô điểm cho đẹp” một cách vô thức.
Nhưng ông cũng chỉ ra vấn đề xây dựng chính sách đối nội và đối ngoại của một nước không thể theo dư luận, ý kiến của các chuyên gia ít nhất cũng quan trọng hơn ý kiến của người dân thường, các chính sách không thể bị “dắt mũi” bởi các cuộc thăm dò ý kiến.
Cuộc thăm dò này thông qua bảng câu hỏi trực tuyến được phân tầng lấy mẫu ngẫu nhiên. Đối tượng khảo sát là công dân Trung Quốc trên 18 tuổi. Quá trình điều tra tính toán dựa theo kết quả tổng điều tra quốc gia lần thứ 7, tỷ lệ mẫu được kiểm soát theo giới tính, độ tuổi, thành thị, nông thôn và vùng miền. Thực tế thu hồi được 2661 mẫu, gồm 1331 mẫu nam và 1330 mẫu nữ; 1543 mẫu từ 18 – 44 tuổi, 932 mẫu từ 45 – 60 tuổi, và 186 mẫu trên 60 tuổi.
Lo ngại nhất là COVID-19, phải chăng đợt dịch thứ hai đã đến?
Hiện tại, căn bệnh truyền nhiễm đe dọa nhất ở Trung Quốc là viêm phổi Vũ Hán, tức COVID-19.
Vào ngày 22/5 Viện sĩ Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho biết tại “Diễn đàn Y tế và Sức khỏe sinh vật của Diễn đàn khoa học Khu vực Vịnh Lớn năm 2023”, rằng từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 Trung Quốc đã trải qua một đỉnh nhỏ của đại dịch COVID-19. Theo dự báo của mô hình SEIRS, vào cuối tháng 5 Trung Quốc có 40 triệu ca nhiễm mỗi tuần và sẽ đối mặt với đỉnh dịch của làn sóng thứ hai vào cuối tháng 6, với ước tính 65 triệu ca nhiễm mỗi tuần. Ông Chung nói: “Một người nhiễm chủng Omicron có thể lây cho hơn 30 người. Chiến lược phòng chống dịch bệnh của chúng tôi đã được điều chỉnh từ ngăn ngừa lây nhiễm trong quá khứ sang ngăn ngừa bệnh nặng hiện nay, vì rất khó ngăn ngừa lây nhiễm”.
Trả lời Deutsche Welle (Đức), Giáo sư Jin Dong-Yan tại Viện Khoa học Y sinh thuộc Đại học Hồng Kông là chuyên gia về virus học cũng cho hay: “COVID-19 sẽ tìm thấy những ai dễ nhiễm, điều đó không phụ thuộc vào ý chí của mọi người”.
Theo China Newsweek vào ngày 23/5, nhà virus học Lu Mengji (người Đức gốc Trung Quốc, là giáo sư của Viện Virus học tại Đại học Essen) cho biết trong một cuộc phỏng vấn, rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với làn sóng thứ hai và thứ ba của dịch bệnh COVID-19, thời gian lây nhiễm sẽ còn kéo dài.
Còn bác sĩ Li Tong trưởng Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Hựu An Bắc Kinh (Beijing You An Hospital), chỉ ra rằng bệnh nhân dương tính lần 2 chủ yếu là thanh niên và trung niên trong độ tuổi từ 18 – 60.
Cảnh báo đại dịch khác có thể nguy hiểm hơn
Ngày 22/5 tại Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 76 được tổ chức tại Geneva – Thụy Sĩ, Tổng thư ký Tedros Adhanom của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng thế giới phải chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo: “Một chủng đột biến khác [có thể] xuất hiện, cho nên đe dọa về bệnh tật và cái chết mới vẫn còn đó. Một mầm bệnh khác [có thể] xuất hiện, thậm chí vẫn tồn tại nguy cơ đe dọa còn nguy hiểm hơn [từ mầm bệnh mới]”.
Ông cũng nói rằng đại dịch không phải là mối đe dọa duy nhất mà chúng ta phải đối mặt, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của các cơ chế toàn cầu hiệu quả để ứng phó với các loại trường hợp khẩn cấp. Ông đề nghị “chúng ta phải sẵn sàng ứng phó một cách quyết đoán, tập thể và công bằng” khi đại dịch tiếp theo xảy ra, và chắc chắn nó sẽ xảy ra.
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Người Trung Quốc