Làn sóng thoái vốn khiến Trung Quốc âm thầm ngừng cung cấp dữ liệu giao dịch?
- Chính Hâm
- •
Chiến tranh Nga-Ukraine, việc Fed tăng lãi suất, và chính sách phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc đã dẫn đến làn sóng thoái vốn ra nước ngoài, trong khi Bắc Kinh lặng lẽ ngừng cung cấp các dữ liệu giao dịch được cho là nhằm che tai mắt mọi người.
Nền tảng giao dịch trái phiếu chính cho các nhà đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, Trung tâm Thương mại Ngoại hối Trung Quốc (CFETS), đã lặng lẽ ngừng cung cấp dữ liệu giao dịch, vấn đề làm tăng thêm lo ngại rằng thị trường trái phiếu trở nên kém minh bạch hơn trong khi dường như đang có xu thế dòng vốn ồ ạt chảy ra khỏi Trung Quốc.
Trung tâm Giao dịch Ngoại hối Trung Quốc và Trung tâm Cấp vốn Liên ngân hàng Quốc gia Trung Quốc là các tổ chức trực thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết, lần gần nhất Trung tâm Giao dịch Ngoại hối Trung Quốc cung cấp dữ liệu về giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài là vào ngày 11/5, khi đó dữ liệu cho thấy dòng vốn nước ngoài ròng theo xu thế chảy ra ồ ạt.
Nguồn tin cho biết thêm, dữ liệu thường được cập nhật vào ngày kế sau ngày giao dịch, nhưng hiện không rõ lý do tại sao Trung tâm Giao dịch Ngoại hối Trung Quốc ngừng công bố và không có dấu hiệu nào cho thấy động thái này là tạm thời hay liên quan đến việc phong tỏa Thượng Hải. Hiện tại, chỉ có các khách hàng tổ chức ở Trung Quốc mới có dữ liệu.
Bloomberg cho hay, tuy những năm gần đây Bắc Kinh đã thực hiện các bước để cải thiện khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu và chứng khoán của Trung Quốc, nhưng giới đầu tư nước ngoài từ lâu đã luôn đặt câu hỏi về độ tin cậy của dữ liệu kinh tế do cơ quan chức năng Trung Quốc cung cấp, xu thế quan ngại này gia tăng dưới bối cảnh bất ổn trong kinh tế và thị trường tài chính.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Tài chính Quốc tế (IIF), trong tháng Ba, Trung Quốc đã chứng kiến dòng vốn chảy ra mức cao kỷ lục trị giá 17,5 tỷ USD. IIF cho biết thêm rằng đợt tháo vốn này của các nhà đầu tư quốc tế là chưa từng có, không có dòng vốn nào tương tự từ các thị trường mới nổi khác trong giai đoạn này, trong khi dòng vốn ra từ Trung Quốc bao gồm 11,2 tỷ USD trái phiếu và phần còn lại vào cổ phiếu.
Tuy nhiên tới tháng Tư, phần lớn thời gian dòng vốn vẫn hướng theo chiều chảy ra khỏi Trung Quốc.
Nhận định từ chuyên gia
Về tình hình dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc, trợ lý George Magnus của Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford và là cựu kinh tế trưởng của công ty dịch vụ tài chính Thụy Sĩ UBS, trước đó cho rằng việc Bắc Kinh hỗ trợ Nga xâm lược Ukraine rõ ràng là chất xúc tác khiến dòng vốn rời Trung Quốc.
Martin Chorzempa, một thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ), cho biết mọi người lo lắng về thái độ hai mặt của Bắc Kinh, nhưng rõ ràng là lập trường thiên vị Nga về cuộc chiến Nga-Ukraine càng làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt nếu Bắc Kinh giúp đỡ Nga.
Bắc Kinh bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu quan trọng của Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng giúp Nga lan truyền thông tin sai lệch và liên tục đổ lỗi cho Mỹ và NATO về cuộc chiến. Trong trường hợp này, chính quyền Bắc Kinh đang đứng trước nguy cơ phải chịu các biện pháp trừng phạt đáp trả thứ cấp từ phương Tây.
Lập trường của Bắc Kinh về cuộc chiến Nga-Ukraine không phải là lý do duy nhất đằng sau dòng vốn chảy ra. Việc Fed tăng lãi suất và chính sách phong tỏa nghiêm ngặt của Bắc Kinh là hai yếu tố quan trọng khác khiến các nhà đầu tư sợ hãi.
Việc tăng lãi suất chuẩn của Mỹ đã khiến lợi nhuận đầu tư vào các tài sản có lợi tức cố định của Trung Quốc kém hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, việc nhà cầm quyền Bắc Kinh kiên định chính sách ‘Zero COVID’ trong phòng chống dịch bệnh đã gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế và làm gia tăng tính bấp bênh của triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Số liệu giảm mạnh trong tháng Tư vừa qua
Các dữ liệu kinh tế chính của Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng Tư làm nổi bật cái giá quá lớn mà Trung Quốc phải trả cho các biện pháp như ‘Zero COVID’.
Vào ngày 16/5, dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy tổng doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng Tư đã giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với giá trị trước đó (giảm 3,5%) và kỳ vọng (giảm 5,4%); giá trị gia tăng công nghiệp toàn quốc so với cùng kỳ năm trước có mức giảm bất ngờ 2,9%, trong khi giá trị trước đó và mức tăng dự kiến lần lượt là 5,0% và 1,0%; chỉ số sản xuất ngành dịch vụ của toàn quốc giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước; ngoài ra, tốc độ tăng trưởng đầu tư tài sản cố định từ tháng Một đến tháng Tư (không tính hộ nông dân) giảm xuống còn 6,8%, thấp hơn mức 7,2% dự kiến.
Sản xuất ô tô giảm hơn 40% so với cùng tháng năm trước; hoạt động mua sắm linh kiện và nguyên liệu thô bị đình trệ do gián đoạn chuỗi cung ứng; sản xuất điện của Trung Quốc cũng giảm 4,3%.
Ngành dịch vụ cũng trì trệ đáng kể do ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa vì chính sách ‘Zero COVID’. Chỉ số sản xuất khu vực dịch vụ giảm 6,1% trong tháng Tư, mức giảm tăng thêm 0,9% so với tháng Ba.
Người ta ước tính rằng doanh số bán lẻ giảm tới 40% tại Thượng Hải – nơi đã áp dụng các biện pháp phong tỏa COVID-19 nghiêm ngặt.
Từ khóa kinh tế Trung quốc thoái vốn Dòng sự kiện