Ngày 26/5, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Tỉnh ủy Quảng Đông (Trung Quốc) thông báo, ông Lưu Vũ Bằng, Phó bí thư Quận ủy Thiên Hà Quảng Châu kiêm bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, người từng bức hại Pháp Luân Công, bị nghi ngờ “vi phạm nghiêm trọng các kỷ cương pháp luật”, hiện đang bị điều tra.

p3334391a443707980
Ông Lưu Vũ Bằng, Phó bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Thành ủy Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, bị điều tra vào ngày 26/5. (Ảnh: MXH)

Theo thông tin công khai, ông Lưu Vũ Bằng sinh tháng 11/1971 tại thành phố Lục Phong, tỉnh Quảng Đông, liên tiếp giữ các chức vụ như Giám đốc Văn phòng Giám sát Thi hành Luật của Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Quảng Châu, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành ủy Quảng Châu, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành ủy Quảng Châu, Phó Bí thư Quận ủy Thiên Hà thành phố Quảng Châu, và Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật.

Trước khi ông Lưu Vũ Bằng “ngã ngựa”, một số bí thư ủy ban chính trị và pháp luật ở Quảng Châu cũng bị điều tra.

Ngày 1/6/2022, ông Trần Như Quế (Chen Rugui), thành viên đảng ủy kiêm phó trưởng ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Quảng Đông, bị điều tra với cáo buộc “vi phạm nghiêm trọng kỷ cương pháp luật”.

Ông Trần Như Quế sinh tháng 9/1962 tại thành phố Liêm Giang, tỉnh Quảng Đông. Từ tháng 3/2007, ông liên tiếp giữ các chức vụ như Bí thư Thành ủy Quảng Châu, kiêm Bí thư Tổ Đảng Văn phòng Tổng hợp Chính quyền thành phố; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Quảng Châu, Tổng Bí thư, Phó Thị trưởng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Quảng Châu; Bí thư Thành ủy Trung Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân thành phố, v.v.

Từ tháng 7/2017, ông Trần Như Quế giữ chức Phó bí thư Thành ủy Thâm Quyến, kiêm Phó thị trưởng chính quyền thành phố, Bí thư tổ đảng, thị trưởng và các chức vụ khác của Thâm Quyến. Tháng 4/2021, ông giữ chức thành viên đảng ủy, kiêm Phó chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Quảng Đông.

Theo nguồn tin từ Caixin của Trung Quốc Đại Lục, nhiều cuộc xác minh khác nhau xác nhận, khoảng 8h sáng ngày 30/5/2022, ông Trần Như Quế đã “bị bắt đi ngay khi vừa xuống xe” tại cổng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Quảng Đông. Vấn đề đang được điều tra có thể đã xảy ra trong sự nghiệp chính trị của ông ở Quảng Châu.

Theo một nguồn tin về hệ thống xây dựng đô thị của Quảng Châu, tỉnh Quảng Châu bắt đầu “xóa bỏ các tòa nhà dở dang” vào năm 2002. Ông Trần Như Quế đã phụ trách công việc này hơn 10 năm, với tư cách là Giám đốc Ủy ban Xây dựng Thành phố và Phó thị trưởng Ban thường vụ phụ trách xây dựng đô thị.

Đây chính là “khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất” của nạn tham nhũng trong giới quan chức ở Quảng Châu.

Ngày 29/3/2022, ông Tạ Hiểu Đan, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Quảng Châu, kiêm cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, bị điều tra. Ngày 13/9 cùng năm, ông bị cách chức và khai trừ đảng.

Ông Tạ Hiểu Đan đã nhận hối lộ gần 150 triệu nhân dân tệ (khoảng 21,23 triệu USD) trong 9 năm, bao gồm nhiều bất động sản, đồng hồ nổi tiếng, vàng miếng, kim cương, v.v.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cáo buộc ông Tạ Hiểu Đan lợi dụng chức vụ để mưu cầu lợi ích cho người khác. Thậm chí ông còn trao đổi quyền lực và tình dục, thích phụ nữ trẻ, đặc biệt là những cô gái dưới 20 tuổi.

Ngày 8/11/2015, ông Ngô Sa, cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Quảng Châu, bị điều tra. Ông Ngô Sa đã gắn bó với hệ thống công an hơn 30 năm, và giữ vị trí lãnh đạo chính của hệ thống công an thành phố Quảng Châu trong 10 năm.

Ngày 22/12/2017, ông Ngô Sa bị kết án 10 năm tù vì tội nhận hối lộ lên tới hơn 11,57 triệu nhân dân tệ (khoảng 11,64 triệu USD).

Trong nhiệm kỳ của mình tại thành phố Quảng Châu, 4 ông Lưu Vũ Bằng, Tạ Hiểu Đan, Trần Như Quế, Ngô Sa đã tích cực đi theo bè phái Giang Trạch Dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Họ bị Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc Bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) truy cứu trách nhiệm và nhiều lần bị Minghui.org, trang web chuyên đưa tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công, tại hải ngoại nêu tên.

Pháp Luân Công, còn được gọi là “Pháp Luân Đại Pháp”, là một môn tu luyện Phật gia Thượng thừa, tu luyện tâm tính dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, với 5 bài công pháp có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe.

Môn này đã được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và được người dân đón nhận rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an ĐCSTQ, trước năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu – 100 triệu người.

Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật.

Vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong, và thậm chí họ còn bị mổ sống cướp nội tạng. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế.

Bình Minh (t/h)