Mỹ đã giúp TQ cả thế kỷ, TQ phải hiểu họ đã trưởng thành
- Huệ Anh
- •
Maurice R.Greenberg, Chủ tịch và người sáng lập Tập đoàn Quốc tế Mỹ (American International Group) đã viết, trong hơn trăm năm qua Mỹ đã vô tư giúp đỡ Trung Quốc, làm cho nền kinh tế Trung Quốc phát triển hùng mạnh, hiện nay Trung Quốc nên biết ơn báo đáp, trả lại cho Mỹ sự công bằng; Tạ Tác Thi (Xie Zuoshi), Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế của Đại học Tài chính và Kinh tế Chiết Giang cho biết, yêu cầu của Mỹ đưa ra là tốt cho Trung Quốc. Trong đàm phán thương mại Mỹ – Trung hiện nay, Trung Quốc càng có nhiều nhượng bộ thì càng có nhiều tiến bộ; Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có “Điều khoản sàng lọc”, có thể khai trừ Trung Quốc để buộc nước này phải thay đổi.
Mỹ đã giúp Trung Quốc trong cả thế kỷ qua
Greenberg (Maurice R.Greenberg), Chủ tịch sáng lập Tập đoàn Quốc tế Mỹ, cựu Chủ tịch Ủy ban Thương mại Mỹ – Trung đã chia sẻ bài viết trên Nhật báo Phố Wall (WSJ), bài viết cho rằng chính sách mở cửa từ năm 1900 do Mỹ khởi xướng giúp cho Trung Quốc tránh được tình cảnh bị các nước thực dân hùng mạnh châu Âu cai trị. Trước Thế chiến thứ Hai, Mỹ đã giúp Trung Quốc chiến đấu chống lại Nhật Bản bằng cách áp đặt lệnh cấm vận Nhật Bản, triển khai quân sự tại Thái Bình Dương, và tuyển dụng quân tình nguyện “Những con hổ bay” (Flying Tigers). Trong Thế chiến thứ Hai, Mỹ đã hỗ trợ Trung Quốc rất nhiều, thậm chí lính Mỹ đã phải đổ máu ở Trung Quốc. Kết thúc Thế chiến thứ Hai, Mỹ đã đảm bảo cho Trung Quốc trở thành một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Trong những năm 1970, sau khi Đặng Tiểu Bình thực hiện chính sách cải cách và mở cửa, thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc được phục hồi. Mỹ đã cho Trung Quốc các điều khoản thương mại thuận lợi nhất để giúp Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi đó thuế xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ rất thấp, chỉ bằng một phần ba thuế xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Chỉ trong vài năm, thương mại song phương Mỹ – Trung đã tăng từ 0 lên hàng tỷ Đô la Mỹ. Năm 1979, Tổng thống Mỹ Carter tái lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, và Trung Quốc được trao địa vị tối huệ thương mại (Most-Favored-Nationtreatment, MFN). Năm 1981, chính quyền Reagan đã thiết lập một loại thương mại riêng biệt dành cho Trung Quốc để Trung Quốc không nằm trong chính sách hạn chế thương mại của Mỹ đối với các nước cộng sản.
Trong hoàn cảnh Mỹ phải chịu đựng vấn đề hạn ngạch sản phẩm dệt, sở hữu trí tuệ, các vấn đề tiếp cận thị trường và sự mất cân bằng thương mại từ Trung Quốc, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng thương mại với Trung Quốc giúp cho nền kinh tế của Trung Quốc đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng của Đặng Tiểu Bình. Tính đến năm 1986, Mỹ đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc. Năm 2000, Trung Quốc đã được Mỹ chấp nhập quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Mỹ. Năm 2001, Trung Quốc gia nhập WTO – nếu không nhờ sự hỗ trợ tích cực của chính phủ Mỹ và cộng đồng doanh nghiệp, sự kiện này không bao giờ có thể xảy ra.
Hiện nay Trung Quốc đã phát triển thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thế nhưng trong quá trình quản lý, hệ thống quan liêu của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn còn bắt rễ sâu trong chính sách phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài.
Bài viết chỉ ra, tất cả điều này cần phải thay đổi. Nếu ĐCSTQ không sẵn sàng đáp lại thì không thể tiếp tục được hưởng các điều khoản thương mại và đầu tư ưu đãi ở các thị trường nước ngoài.
Bài viết cho rằng cải cách là vì lợi ích của Trung Quốc. Mỹ gây áp lực để thiết lập một sân chơi bình đẳng là đúng đắn. Trung Quốc không còn cần sự chăm sóc như trong giai đoạn phát triển kinh tế sơ khai. Đánh giá lại thương mại song phương làm cho công bằng hơn, làm cho cả hai bên có được sự tiếp cận thị trường bình đẳng trong mọi lĩnh vực là hợp lý.
Tất cả điều này không chỉ là về thương mại. Trong vấn đề này, Mỹ cũng như Trung Quốc và cả thế giới đều được hưởng lợi.
Trung Quốc càng nhượng bộ nhiều thì càng tiến bộ
Ông Tạ Tác Thi, Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế tại Đại học Tài chính và Kinh tế Chiết Giang chỉ ra, yêu cầu của Mỹ thực sự là tốt cho Trung Quốc. Trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung này, Trung Quốc càng nhiều nhượng bộ thì càng nhiều tiến bộ.
“Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường, giảm tỷ trọng kinh tế nhà nước. Trung Quốc đã cần cải cách thị trường theo hướng cởi mở, hà cớ gì lại để người khác ép thực hiện cái điều mà chính Trung Quốc đang hướng tới như thế? Chẳng phải ở vấn đề này Trung Quốc càng nhượng bộ, hạ thấp thuế quan, thì càng tiến bộ? Thuế quan tốt nhất là thuế quan bằng không. Vì thế Trung Quốc càng nhượng bộ trong các cuộc đàm phán thương mại thì càng tiến bộ. Mức thuế càng thấp thì càng tốt cho cả quốc gia nói chung và từng người dân nói riêng.”
Ông Tạ Tác Thi cho rằng việc Trung Quốc (ĐCSTQ) không nhượng bộ là do quyền lợi của nhóm lợi ích đặc quyền đặc lợi.
“Bảo hộ mậu dịch là tốt cho một số ít kẻ trong nhóm lợi ích. Như vậy, nếu Trung Quốc nhượng bộ trong đàm phán thương mại, nghĩa là tước bỏ đặc quyền đặc lợi của nhóm lợi ích để đổi lấy cải thiện phúc lợi của xã hội nói chung, đây không phải là tiến bộ hay sao? Ví dụ trong lĩnh vực dầu khí của Trung Quốc, trước đây do một số công ty độc quyền, tình trạng độc quyền này không phải nhờ vào hiệu quả cao của nó, không phải dựa vào chăm chỉ lao động để có được, mà dựa vào mệnh lệnh hành chính. ‘Tôi muốn bán dầu nhưng không để tôi bán. Chỉ cho kẻ khác làm mà không cho tôi làm.’ Bản chất ở đây là không hợp lý. Nếu cuộc chiến thương mại này có thể xóa sổ tình trạng độc quyền bằng mệnh lệnh hành chính, khi đó tất cả mọi người đều có quyền bán dầu, giá dầu sẽ giảm, người dân sẽ được hưởng lợi và nền kinh tế sẽ thịnh vượng hơn, như thế không phải là tiến bộ hay sao? Tất nhiên là tiến bộ. Nhưng đối với những nhóm lợi ích đang bán dầu, tất nhiên là chúng bị mất đặc quyền lợi ích.”
WTO có “Điều khoản sàng lọc”
Hôm 22/8/2018, Nhật báo Phố Wall chỉ ra, có thể vận dụng Điều 23 của Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) khai trừ Trung Quốc (ĐCSTQ) khỏi WTO để buộc Trung Quốc thực hiện thay đổi.
Tranh chấp thương mại Trung – Mỹ không đột nhiên xuất hiện. Từ sau năm 2001, Trung Quốc gia nhập WTO, bởi vì nước này không thực hiện đầy đủ các cam kết đã làm cho Mỹ và các nước phương Tây chịu thiệt hại.
Trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần vi phạm nhưng không bị truy cứu, nguyên nhân vì (1) công ty nước ngoài không muốn cung cấp bằng chứng, do họ hiểu kẻ đứng sau các đối thủ Trung Quốc của họ là chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ), chính phủ có thể trả đũa bằng cách ngăn chặn doanh nghiệp nước ngoài, tại Mỹ khi kiện cáo họ không phải lo như vậy; (2) chưa từng có tiền lệ một thành viên WTO nào bị khai trừ.
Nhật báo Phố Wall chỉ ra, nếu Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Úc, Mexico và Hàn Quốc cùng nhau khởi kiện, Trung Quốc (ĐCSTQ) hoặc là phải thay đổi chính sách hoặc phải đối mặt với lệnh trừng phạt của WTO – có thể nhắm vào hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Vào ngày 24/8/2018, các quan chức thương mại Nhật Bản, EU và Mỹ đã thảo luận các vấn đề của Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Washington. Hồi tháng 5/2018, ba bên Mỹ – châu Âu – Nhật Bản đã đồng ý tăng cường các quy định của WTO liên quan đến vấn đề bảo trợ công nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, và vấn đề hợp tác trong chuyển giao công nghệ.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa chiến tranh thương mại thương mại Mỹ - Trung